Làng cổ này ở Thanh Hóa có từ thời nhà Đinh do dân Bắc chạy loạn 12 sứ quân lập nên

Chủ nhật, ngày 31/03/2024 05:45 AM (GMT+7)
Theo tục truyền, làng cổ Phong Lai (xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) ngày nay được hình thành từ đầu triều Đinh, do một nhóm dân cư ngoài Bắc chạy loạn 12 sứ quân vào đây khai hoang lập nghiệp.
Bình luận 0
Thành lập ban điều hành rồi biên soạn, đóng góp kinh phí xuất bản cuốn sách về làng mình. Một trong số ít làng ở Thanh Hóa làm được ấy là Phong Lai, xã Xuân Lai (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). 

Cuốn sách “Làng Phong Lai xưa và nay” (NXB Thanh Hóa, 2022) dày 200 trang đã dựng lại một bức tranh khá toàn diện, hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của làng từ quá khứ đến hiện tại.

Theo tục truyền, làng Phong Lai ngày nay được hình thành từ đầu triều Đinh, do một nhóm dân cư ngoài Bắc chạy loạn 12 sứ quân vào đây khai hoang lập nghiệp. 

Lúc đầu có tên là trang Cổ Duệ (cổ là lâu, duệ là đời) với ý nghĩa là con cháu của những dòng họ đã sinh sống lâu đời trên đất Đại Cồ Việt. Sau này do thổ âm của địa phương gọi chệch thành Cổ Dệ (Kẻ Dệ). Cuối thời Trần vì địa thế cận lộ, cận giang, người từ các nơi về ngày một đông nên đổi tên thành thôn Thái Lai. 

Năm Tự Đức thứ 14 (1861) đổi tên thành thôn Hương Lai (vì chữ Thái phạm húy chúa Nguyễn Phúc Thái). Đến năm 1910, đời vua Duy Tân tên làng được đổi sang là Phong Lai và được giữ nguyên đến ngày nay.

Cư dân Phong Lai thuở xưa sống quần tụ xung quanh đê sông Chu. Qua quá trình chuyển dịch, các hộ dân dần quần tụ trong nội đê. Đê sông Chu chạy dài từ đầu đến cuối làng uốn lượn theo hình bán nguyệt giống như tấm bình phong che chắn, tạo cho làng cảm giác ấm cúng, bình an mà trong vùng ít làng có được.

Làng cổ này ở Thanh Hóa có từ thời nhà Đinh do dân Bắc chạy loạn 12 sứ quân lập nên- Ảnh 2.

Nhà văn hóa làng Phong Lai-một làng cổ ở xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay làng cổ Phong Lai có 43 họ thuộc 12 dòng, trong đó chỉ có 9 họ mới đến sinh cơ lập nghiệp sau năm 1945. Họ duy nhất ở làng Phong Lai còn giữ được bản tộc phả là họ Hoàng Viết (dòng họ có 14 thế hệ sống ở làng cho đến nay).

Dựa vào năm lập tộc phả (1915), người lập là đời thứ 8 của dòng họ mà người ta khẳng định dòng họ này đến sinh sống ở làng khoảng năm 1750 - 1780 dưới triều Lê Hiển Tông.Nhắc đến các công trình đậm chất văn hóa xưa, trong nhiều tài liệu ghi chép rất kỹ về nghè Hạ (đình làng) gồm 5 gian, có gác thượng để cất giữ đồ thờ của làng. 

Xung quanh được bao bọc bằng tường xây, có nhiều cây cổ thụ, có sân rộng để dân làng sinh hoạt văn hóa trong các ngày lễ, tết theo phong tục. Không chỉ vậy, một thời gian dài sau năm 1945, đình làng còn là nơi học văn hóa. Thầy giáo được tổ chức cách mạng và dân làng cử ra để dạy học theo lời kêu gọi “diệt giặt dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong làng còn có nghè Thượng vừa thờ nhân thần, thiên thần. Tương truyền, vào thời Trần, đoạn đê làng vỡ đi vỡ lại nhiều lần. Không đầy 1.000m mà có đến mấy cái hồ do vỡ đê tạo thành. Mỗi lần có lũ là đoạn đê của làng vỡ, mùa màng mất mát, dân tình đói kém phiêu bạt khắp nơi. 

Lúc bấy giờ có một đạo sĩ đi qua, nhìn thế đất này, nói: Trong làng phải có người hiến thân làm thần thì đê mới đắp được và không bị vỡ. 

Lúc đó có ông đồ mù đang dạy chữ cho con cháu họ Trịnh Văn và các trẻ nhỏ trong làng đã nhận hiến thân làm thần để chống lũ. Nhớ ơn ông, dân đã lập đền thờ, người thì gọi là nghè Thượng, người lại gọi là đền thờ ông Tối.

Làng cổ này ở Thanh Hóa có từ thời nhà Đinh do dân Bắc chạy loạn 12 sứ quân lập nên- Ảnh 4.

Bia “Trùng tu Thiên Phúc tự sức kỷ điền bi” ghi công tôn tạo chùa Thiên Phúc, làng Phong Lai, (xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) khắc năm 1849.

Trong làng cổ Phong Lai còn có chùa Thiên Phúc. Dù ở trong khuôn viên khá nhỏ, chỉ 2 sào Trung bộ và có duy nhất một nhà thờ Phật 5 gian 4 mái, cấu trúc theo kiểu đầu đao kẻ góc, nhưng dân làng còn xây bệ thờ lộ thiên, thờ đức Khổng Tử và thường được gọi là Văn chỉ hay nghè Thánh.

Giới thiệu với chúng tôi tấm bia “Trùng tu Thiên Phúc tự sức kỷ điền bi” (Khắc bia trùng tu chùa Thiên Phúc ghi sở ruộng của chùa), báu vật duy nhất của làng còn lại đến ngày nay, ông Trịnh Duy Châu, trưởng làng Phong Lai đồng thời là trưởng thôn 1, nói: Do bị đem ra làm cầu bắc qua rãnh nước nên toàn bộ chữ ở giữa bia đã bị mất, chỉ còn lại bên trái bia 5 dòng và bên phải 4 dòng, trong đó nhiều chữ rất khó đọc.

Tuy nhiên, bia cũng để lại cho người dân chúng tôi những thông tin cần thiết như người cung tiến bia đá cho làng, và thời gian khắc bia vào tháng 5/1849...

Cũng bởi xưa kia làng Phong Lai có nhiều đền, miếu và lại có tiếng linh thiêng nên việc tổ chức các lễ hội rất được coi trọng. Trước khi kết thúc năm cũ, chuẩn bị năm mới, ngày 30 tháng Chạp, làng tổ chức hội làng. 

Đêm 30 tháng Chạp, làng tổ chức lễ giao thừa tại đình Trung. Hết 3 ngày tết, ngày mùng 4 tháng Giêng, làng tổ chức lễ kỵ điền (lễ hạ điền) để kính báo với trời đất mong một năm mới trời đất giao hòa, dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt... 

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, các ngõ làm lễ khai hạ (tức lễ hạ nêu). Riêng các gia đình, từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng lúc nào cũng phải giữ lửa trong bếp.

Ngoài ra, các lễ hội như Giao điệt (hội vật và tung cù); lễ Tiên hiền hay còn gọi là lễ kỵ bách tính, cúng giỗ chung những người đã khuất để họ phù hộ làng yên ổn, mạnh khỏe; lễ cầu phúc đều diễn ra trong mùa xuân. Câu nói tháng Giêng là tháng ăn chơi có thể áp dụng cho dân làng Phong Lai xưa.

Không khí rộn ràng chơi xuân ở làng Phong Lai hiện nay được người dân tổ chức đơn giản, chủ yếu trong quy mô gia đình. Một phần vì hầu hết các công trình tâm linh đã không còn, một phần bởi người dân phải đi làm ở các công ty, xí nghiệp ngay sau thời gian nghỉ tết.

Là một làng cổ nên đời sống kinh tế, văn hóa ở Phong Lai sớm phát triển hơn các làng trong khu vực. Tuy nhiên, đường học hành khoa bảng ở đây lại phát triển khá muộn, mãi đến cuối thời Lê Trung hưng, đời vua Lê Dụ tông, mới có ông Trịnh Nông đỗ hương cống khoa Canh Tý (1720) và ông là vị khai khoa của làng. 

Điều này đã ghi rõ trong sách “Những nhà khoa bảng xứ Thanh” (NXB Thanh Hóa, 2011). Ngoài ra còn có Nguyễn Huy Bích đỗ hương cống khoa Quý Hợi (1743); Nguyễn Đức Bảng đỗ hương cống khoa Đinh Mão (1747); Hà Khiên Hanh, đỗ hương cống khoa Canh Ngọ (1750)...

Rất kỳ lạ là gần 150 năm ở thời Nguyễn, cả làng không có ai đỗ đạt trong các kỳ thi hương, thi hội. Đến khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, một số trai làng thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu có tuy có theo học Quốc ngữ song trình độ cao nhất cũng chỉ tương đương với lớp 5 hiện nay. Càng về sau này, việc học càng được người dân trong làng chú ý và quan tâm hơn. Vì thế mà đến nay, ở làng, nhiều gia đình có 2 - 3 thế hệ có trình độ đại học và trên đại học...

Để giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, ngày 20/12/2001, làng Phong Lai thông qua hương ước làng văn hóa. Sau đúng 4 năm, năm 2005, làng đón nhận Bằng công nhận làng văn hóa cấp huyện, công bố hương ước làng văn hóa, như một sự ghi nhận, tiếp nối mạch nguồn văn hóa từ nghìn năm trước.

Xã Xuân Lai hiện có 7 thôn, được chia thành 2 làng. So với làng Canh Hoạch thì làng Phong Lai nhỏ hơn nhiều vì chỉ chiếm 2/7 thôn, song mặt bằng thu nhập của người dân khá đồng đều. Với 1.600 khẩu/900 hộ, thu nhập bình quân đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả đó là do người dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang kinh doanh buôn bán.

“Tự hào với truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Xuân Lai nói chung, làng Phong Lai nói riêng đang quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, đời sống ngày một nâng cao, từ đó đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chí phường trong tương lai”, ông Trịnh Bá Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết.

* Bài viết sử dụng tư liệu sách: Làng Phong Lai xưa và nay, NXB Thanh Hóa, 2022; Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lai, 1953-2023, NXB Thanh Hóa, 2023.



Chi Anh (Văn hóa và Đời sống/Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem