Một làng cổ ở Bắc Ninh bên vụng nước sâu do hai dòng sông tạo ra, dân bán đồ đồng đi khắp thiên hạ

Thứ năm, ngày 06/07/2023 05:14 AM (GMT+7)
Làng Đại Bái, tên Nôm là làng Bưởi Nồi (xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nằm nép mình bên dòng Bái Giang thơ mộng. Ngay phía cửa làng là hợp lưu của sông Bái với sông Bún tạo thành một vụng nước lớn, dân làng gọi là “bể Bưởi Nồi”.
Bình luận 0

 Thời xưa, nơi đây tấp nập thuyền bè đến ăn hàng của làng nghề chở đi khắp mọi miền đất nước. Làng nghề làm ra hầu hết đồ gia dụng, bé nhỏ như ống giã trầu, to lớn như chuông, đỉnh, vạc. Vật dụng phổ thông cho các gia đình thôn quê đến các đồ tinh xảo dùng trong cung đình.

Người có công khai nghề đúc đồng, làm đồ đồng cho làng là thánh sư tổ nghề Nguyễn Công Truyền, người làng, nay hậu duệ vẫn còn và lưu giữ bản gia phả quý giá. 

Tổ nghề sinh năm 989, mất ngày 29-9-1060, làm quan thời Lý đến chức Phấn Lực tướng quân. Làng nghề làm ăn phát đạt đã mở ra truyền thống khoa bảng với 9 vị đỗ đại khoa, trong đó có Thám hoa Nguyễn Danh Thực làm đến chức Tham tụng, Hải quận công. 

Về võ công có danh tướng Nguyễn Công Hiệp được phong tước Gia quận công, khi mất được triều đình ban phong tước vương, cho dân làng thờ làm á thánh bên cạnh thành hoàng làng.

Với làng quê có nghề có nghiệp lại nổi tiếng văn học như vậy nên hội lệ cũng có nhiều nét đặc sắc riêng. Đầu xuân là lệ “Tết cùng” để kỉ niệm vị á thánh Gia quận công. Gia quận công Nguyễn Công Hiệp luôn quan tâm tới dân làng. 

Theo các văn bia cầu Bái Giang (1644); chùa Diên Phúc (1648); đình Văn Lãng (1650) thì ông đã làm một số việc lớn cho làng là: Xây cầu Bái Giang; Tôn tạo chùa Diên Phúc; Xây đình Văn Lãng thờ thành hoàng và cấp tiền, ruộng lấy hoa lợi cúng các kì nhập tịch.

Văn bia ca tụng: “Công ông to lớn, đức thấm đến dân, lòng từ thiện bao trùm cả thiên hạ”. “Ngài tuy phú quý hiển vinh nhưng tấm lòng ngài không lúc nào không nhớ tới họ hàng làng xóm quê hương, yêu thương như người ruột thịt một nhà, hễ có bổng lộc đều ban cấp cho”.

Năm 1650 dân làng đã bầu ông làm hậu thần: “Còn ngài đô đốc thì hàng nghìn năm sau sẽ được phối hưởng cùng thần minh tại chốn miếu đình. Nếu có kẻ nào đổi lời bỏ lễ thì đã có trời đất làm chứng cho. Bèn cùng nhau lập lời đoan ước để muôn đời nhớ mãi không quên. Năm 1652 Gia quận công được về nghỉ ít ngày để chuẩn bị vào Nam đánh trận. 

Ông về quê đã qua Tết Nguyên đán, bèn cấp cho mỗi khẩu một quan tiền để cùng ăn Tết lại vui vẻ. Ngày 30 tháng Giêng ông ra kinh thành rồi vào Nam và hi sinh, dân làng lấy ngày 10 tháng Hai làm ngày giỗ của ông. 

Cũng từ đó, dân làng lấy ngày 30 tháng Giêng làm ngày tiết lệ “Tết cùng” để tưởng nhớ một danh nhân có nhiều công đức với dân làng, đồng thời phải đến ngày 6 tháng Hai thì làng mới nổi lửa làm nghề.

Một làng cổ ở Bắc Ninh bên cái vụng nước sâu do hai dòng sông tạo ra, dân bán đồ đồng đi khắp thiên hạ - Ảnh 1.

Lễ hội làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, (tỉnh Bắc Ninh).

Tiếp đó là hội Tứ Bưởi vào dịp tế kì phúc đầu xuân, tiết đình đám thờ thành hoàng. Làng Đại Bái cùng các làng hàng tổng Đoan Bái, Ngọc Xuyên, Nghi Khúc đều thờ thành hoàng là Lạc thị đại vương trong hệ thờ Bách Noãn vùng Nam Đuống. 

Bốn làng đều có tên Nôm là Bưởi và xưa có ngôi đình chung là đình Bảo Cái, nay không còn, nhưng hội lệ Tứ Bưởi vẫn duy trì đến ngày nay, luân phiên mỗi làng đăng cai một năm. Các làng khác rước thánh đến làng đăng cai tế công đồng, quan hệ mật thiết với nhau.

Vào tiết lệ mùa thu, làng Đại Bái có hội lệ quan trọng là Lễ giỗ tổ nghề vào ngày 29 tháng 9 âm lịch. Ngày này dân làng đi làm ăn đều nườm nượp trở về hành lễ và thực hiện các phần việc làng giao, gọi là lệ chấp sự và nghi thức trình giầu, trình tuổi. 

Ngày giỗ tổ nghề làng tổ chức rước bài vị thánh sư tổ nghề từ đình Diên Lộc ra lăng tổ nghề làm lễ cáo yết, sau đó rước về đình tế lễ vào buổi sáng ngày 28-9. Đoàn rước cắt cử cả nam và nữ gồm các lứa tuổi nam 45, 46, 47, 48 và nữ lứa tuổi 59. 

Mỗi lứa tuổi làm một việc. Cụ thể: Tuổi 45 đi đầu, đảm nhiệm rước cờ thần, trống cái, chiêng đại, ngựa thần. Tiếp theo là đội hình rước do tuổi 46 đảm nhiệm, gồm Bát biểu, Hậu bành và Tán. Tuổi 47 đảm nhiệm Quạt cờ, Long đình và Lọng. Tiếp theo là đoàn rước Phật đình do các thiếu nữ rước dưới sự chỉ huy của các bà lứa tuổi 59 đi liền sau Phật đình.  

Đội hình rước do tuổi 48 đảm nhiệm đi sau cùng, gồm Trồng đòn Bát cống và Tàn. Buổi chiều ngày 28 - 9 là các nghi thức “Trình giầu” của tuổi 48 và 58; nghi thức “Trình tuổi” các tuổi 49, 59, 69 và 79.

Buổi sáng ngày chính Hội 29-9 là nghi thức tế Tổ. Chủ tế là quan đám Trần Văn Lành. Đây là nghi thức quan trọng nhất, kính cẩn nhất của ngày Hội lễ Giỗ Tổ nghề. 

Lệ làng từ xưa, chỉ những vị nóc các cụ trùm mới được giao vai tế chủ. Lễ vật chính ngày Tế tổ là cỗ soạn, mỗi xóm biện 2 mâm, thêm xôi gà, quà bánh. Người nơi xa về dự thì có lễ kèm những vật phẩm gò đồng, chạm bạc do chính mình sáng chế ra để kính cáo lên Tổ nghề. Thật đúng là:

Thiên tải uy danh tiêu tự điển

Vạn niên tông xã triển thần linh.

Nghĩa là:

Nghìn thuở uy danh ghi sự lễ

Muôn năm đất nước hưởng linh thiêng.

Nghề đồng đem lại sự phồn vinh cho dân làng, đem lại danh tiếng cho làng. Công ơn Tổ nghề và các vị Hậu tiên sư là vô bờ bến.

Phạm Thuận Thành (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem