Đây là một làng cổ ở Hải Dương đứng đầu trong 20 làng khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là làng nào?

Thứ hai, ngày 14/08/2023 05:05 AM (GMT+7)
Trong 20 làng Khoa bảng Việt Nam (Làng có 10 người đỗ Tiến sĩ trở lên được gọi là Làng Khoa bảng) thì làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đứng đầu với 36 vị đỗ Tiến sĩ.
Bình luận 0

Tiếp đón chúng tôi ngay tại Đền thờ Thủy tổ họ Vũ, Võ Việt Nam là ông Vũ Huy Nhan, 73 tuổi, người trông coi đền thờ, ông Nhan khá niềm nở cho biết: “Dòng họ Vũ, Võ ở Việt Nam không nhiều như họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần. Họ Vũ, Võ chỉ chiếm 4,9% nhưng lại là dòng họ danh giá”. 

Điều “danh giá” như ông Nhan nói chính là ở chỗ trong số 36 vị Tiến sĩ khoa cử của làng Mộ Trạch thì có tới 29 vị là người họ Vũ. Và họ Vũ cũng là dòng họ có Tiến sĩ khoa cử nhiều nhất nước.

Làng cổ ngàn năm

Làng Mộ Trạch nếu tính từ khi cụ Vũ Hồn về đây lập làng thì làng đã tồn tại chừng 13 thế kỷ. “Tuổi đời” lâu đến như vậy nhưng cho tới nay làng Mộ Trạch vẫn là một làng thuần nông, nghề trồng lúa nước vẫn là một nghề chính, làng không có nghề phụ. Và nói như cách nói của người dân thì “Làng chẳng có gì ngoài học”.

Đây là một làng cổ ở Hải Dương đứng đầu trong 20 làng khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là làng nào? - Ảnh 1.

Đền thờ Thủy tổ họ Vũ, Võ

Tiếng là làng khoa bảng, ngoài 36 vị đỗ Tiến sĩ ra làng còn có hàng trăm người đỗ Cử nhân, đỗ Tú tài. Dĩ nhiên những người có “chữ” đó đều ra làm quan, làm tướng trong Triều. Ấy vậy mà những người “ra làm quan” lại không hề “tư túi” để về gây dựng hay phát triển làng, cũng không hề cậy quyền cậy thế để “mở mang” làng cho “xứng” với chức tước của mình.

Làng Mộ Trạch có tên ban đầu là làng Chằm, nghĩa là trũng thấp. Người xưa kể rằng: Khi cụ Vũ Hồn quyết định định cư ở làng Chằm cụ đã đổi tên thành làng Khả Mộ, với ý nghĩ bây giờ tuy còn úng ngập nghèo nàn nhưng sau sẽ trù phú hơn và được mến mộ. Đến thời nhà Trần thì cái tên làng Mộ Trạch mới chính thức được đặt. Từ đó, tên làng Mộ Trạch tồn tại và gắn liền với truyền thống hiếu học, truyền thống đỗ đạt cao.

 Vị Thủy tổ có tầm nhìn xa trông rộng

Cụ Vũ Hồn sinh ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn (804), đỗ Tiến sĩ khi 16 tuổi và là người đỗ Tiến sĩ trẻ nhất Trung Quốc thời nhà Đường. Năm 39 tuổi cụ Vũ Hồn từ quan đưa gia đình di cư xuống phía nam và lập ấp, dạy học tại làng Mộ Trạch hiện nay. 

Khi cụ Vũ Hồn đến làng Chằm chỉ thấy một nơi trũng thấp, dân cư thưa thớt. Với nhiều năm theo học Nho giáo, lại thông tuệ thiên văn địa lý nên ngài nhận thấy đất này có phong thủy rất tốt. “Nơi này sơn thủy hữu tình, long chầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn thật là nơi đất phát tổ Tiến sĩ”. 

Đời sau truyền câu hát “Mạch từ lòng đất chảy ra/ Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày/ Truyền rằng ở mạch giếng này/ Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi”. Họ Vũ từ đó phát triển đông đúc, người họ Vũ, Võ hiện ở khắp cả nước, tất cả đều tôn thờ cụ Vũ Hồn là thủy tổ của dòng họ Vũ, Võ Việt Nam.

Đến làng Đệ nhất khoa bảng

Như để chứng minh cho sự ngẫm của cụ Vũ Hồn năm xưa, ông Vũ Huy Nhan dẫn chúng tôi ra đứng trước cửa đền, rồi ông cho hay: “Nguồn nước chảy mãi được trong câu ca chính là giếng làng Mộ Trạch, vốn không bao giờ cạn hay vẩn đục”.

Đây là một làng cổ ở Hải Dương đứng đầu trong 20 làng khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là làng nào? - Ảnh 2.

Giếng làng được xây dựng vào thời Hậu Lê, có đường kính là 36 mét, vừa khớp với con số 36 vị Tiến sĩ của làng. Tuy mực nước giếng chỉ sâu 1 mét, nhưng cứ múc đến đâu là nước đầy đến đó, không bao giờ cạn. Khi giếng nước được tu sửa lại, người dân thấy nước chảy ra trong hơn, dùng thử thì thấy rất ngọt. 

Trước đây những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn, thì giếng làng Mộ Trạch vẫn như vậy. Sự trùng hợp này khiến người dân tin rằng con em mình thông minh học giỏi là nhờ giếng làng hội tụ được tinh hoa của trời đất.

Dẫn chúng tôi vào thăm Nhà bia Tiến sĩ của làng, ông Nhan chỉ tay vào hai tấm bia đá dựng trên lưng rùa, ở ngay vị trí đầu tiên của hàng 36 tấm bia ghi danh 36 vị Tiến sĩ của làng, ông cho biết: “Đây là hai vị đỗ Tiến sĩ đầu tiên, mở ra truyền thống Khoa bảng làng tôi”.

Hai vị tiền hiền là hai anh em ruột Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi, cả hai cùng đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1304. Năm đó Vua Trần Minh Tông vâng chỉ Thượng hoàng Trần Anh Tông cho mở khoa thi Thái học sinh để tìm kiếm nhân tài cho đất nước. 

Kỳ thi đó lấy đỗ 44 người (Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu được gọi là Trạng nguyên). Nhưng chuyện hai vị cùng đỗ Tiến sĩ là anh em ruột thì là lần đầu tiên ở nước ta. Về sau người làng đã suy tôn hai vị là “Ông Tổ khai khoa của họ Vũ và của làng Mộ Trạch”.

Ông Vũ Huy Nhan nói thêm: “Điều đặc biệt là hai vị lại là con của cụ Vũ Nạp. Mà cụ Vũ Nạp lại chính là người đã tìm ra và viết lại Gia phả dòng họ Vũ sau 373 năm bị thất lạc. 

Thời trẻ cụ Vũ Nạp được học nhà Nho, cụ đỗ Ất khoa năm Đinh Thìn (1247). Cụ thường lấy đạo đức dạy con theo đường nghĩa lý”. Ông Vũ Huy Nhan còn cho biết thêm: “Cụ Vũ Nạp được phong Đông Giang Hầu tả tướng quân nhà Trần. 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, tướng quân Vũ Nạp dẫn quân của mình theo Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ra mạn Quảng Ninh Hải Phòng hiện nay. Cụ đã cùng với các tướng quân nhà Trần khác và quân sĩ làm nên Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. 

Hiện làng Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên còn ngôi đền thờ cụ. Và họ Vũ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng chính là một nhánh do cụ Vũ Nạp lập thiếp ở đó tạo dựng.

Nếu như hai vị “Tổ khai khoa” là người họ Vũ thì vị Tiến sĩ cuối cùng (thứ 36) lại vẫn là người họ Vũ. Cũng phải nói thêm rằng: Trong 36 vị đỗ Tiến sĩ thì làng có một vị đậu Trạng nguyên, đó là Trạng nguyên Lê Nại, cụ đậu năm 1005, dưới thời Vua Lê Uy Mục khi mới 27 tuổi. 

Ông có tiếng hay chữ, thi hương, thi đình đều đỗ đầu. Làm quan tới chức Hữu thị lang bộ hộ. Sau khi mất, được triều đình truy tặng tước Đạo trạch bá. Con trai ông là Lê Quang Bí cũng là danh sĩ có tiếng, đỗ Hoàng giáp.

Những lời chỉ dạy của Thủy tổ

Năm Quý Tỵ (853) tháng Chạp, ngày mùng 3, cụ Vũ Hồn mất, hưởng dương 49 tuổi. Người xưa kể lại, khi cụ Vũ Hồn mất, dân làng vô cùng thương tiếc. 

Lúc đưa cụ ra đồng chôn cất theo lời dặn của cu: “Nếu ta chết thì đem chôn ta ở cánh đồng phía bắc làng. Chỗ ấy đất cao tiện cho ta nhìn về làng”. Thật bất ngờ, trời đổ trận mưa rào dữ dội, nước dâng lênh láng. Mọi người đành đặt quan tài của cụ ở ngoài đồng để về làng trú mưa.

Đây là một làng cổ ở Hải Dương đứng đầu trong 20 làng khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là làng nào? - Ảnh 3.

Đây là một làng cổ ở Hải Dương đứng đầu trong 20 làng khoa bảng nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là làng nào? - Ảnh 4.

Nhà bia Tiến sĩ của làng Mộ Trạch.

Hồi lâu, mưa tạnh, dân làng trở ra đồng đã vô cùng kinh ngạc bởi chỗ đặt quan tài cụ giờ là một gò đất mới nổi lên phủ kín quan tài. 

Cho rằng cụ Vũ Hồn đã được “trời táng” nên dân làng lập mộ cụ tại đấy chứ không làm lại và gọi đó là Lăng thần. Về sau Lăng thần được khắc văn bia ghi “Linh ứng đại vương thượng đẳng thần/ Quốc danh thần Vũ công thần tổ”.

Về lời của cụ Vũ Hồn, ông Vũ Huy Nhan còn nói thêm: “Trước khi mất cụ Thủy tổ còn dặn dò: Không lấy ngày mất của ta để cúng giỗ mà lấy ngày sinh của ta, đó là ngày vui, để làng vui hội”. 

Nghe theo lời cụ nên người làng Mộ Trạch, người họ Vũ đã lấy ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm để mở hội làng. Ngày trước hội làng suốt cả tháng Giêng nhưng sau này nhớ lời cụ đã nói “Đừng dông dài lãng phí thời gian” nên hội làng giờ chỉ làm từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng hàng năm”.

Nhà bia Tiến sĩ

Trong khuôn viên của Đền thờ còn có Nhà bia Tiến sĩ. Nhà bia được xây dựng năm 2008 ở phía sau Đền thờ Thủy tổ ngay trong khuôn viên Đền thờ. Nhà rộng chiều ngang, không xây tường bao, mái hai tầng tạo sự thanh thoát. 

Ông Nhan cho biết: “Khi tiến hành làm bia, chúng tôi đã cử người ra Văn Miếu, Hà Nội để “xin” được sao chép trên bia Tiến sĩ Văn miếu về 28 vị Tiến sĩ là người làng để về khắc bia lưu danh. 

Lý do Văn Miếu không có đủ 36 vị Tiến sĩ là bởi Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) là người đề xướng dựng bia đề danh tiến sĩ để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt nên chỉ khắc tên Tiến sĩ tính từ thời điểm đó, thời Lê sơ trở về đến thời Lê Trung hưng (từ 1442 đến 1779).

Hiện Nhà bia Tiến sĩ làng Mộ Trạch có đủ 36 tấm bia Tiến sĩ. Mỗi vị một bia, bia được khắc mặt trước chữ Hán, mặt sau chữ Việt. Bia đặt trên lưng rùa. Xếp thứ tự từ vị đầu tiên đến vị cuối cùng theo chiều kim đồng hồ. Ở chính giữa nhà bia là một bia đá lớn ghi công lao Thủy tổ họ Vũ, Võ Việt Nam. 

Nguyễn Trọng Văn (Báo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem