Làng cổ Hội An ở huyện Tiên Phước của Quảng Nam nhiều nhà cổ và các "kho báu" vô giá

Chủ nhật, ngày 16/04/2023 18:52 PM (GMT+7)
Làng Hội An ở miệt trung du huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam trầm mặc hơn dưới những nếp nhà cổ, bóng cây xanh và bên mái đình có tuổi đời hơn 150 năm gắn với lịch sử khai hoang, lập làng của tiền nhân.
Bình luận 0

“Sống ở Hội An nhưng không phải ở Hội An” - đây là câu chơi chữ về người làng Hội An ở xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). 

Không nhộn nhịp du khách “trên bến dưới thuyền” như đô thị cổ cùng tên cách đó chừng 80 cây số, Hội An ở miệt trung du xứ Quảng trầm mặc hơn dưới những nếp nhà cổ, bóng cây xanh và bên mái đình có tuổi đời hơn 150 năm gắn với lịch sử khai hoang, lập làng của tiền nhân.

Chính quyền địa phương và những bậc cao niên trong làng Hội An chưa ai lý giải được tên gọi của làng trước thắc mắc “Làng cổ Hội An ở Tiên Phước có gì gợi nhớ hay liên quan tới đô thị cổ Hội An dưới kia không?”. 

Nguyên trưởng thôn Hội An Trương Minh Tân nói, dân làng chỉ biết thôn Hội An có tên cũ là thôn 2 để phân biệt với thôn 3, thôn 4... là tên cũ của các thôn Thanh Bôi, Hội Lâm và Thanh Khê trên địa bàn xã Tiên Châu bây giờ. 

Còn lại chưa có cơ sở nào để khẳng định sự liên hệ giữa hai vùng đất, có chăng là sự trùng hợp. Điều gợi nhớ nhất có lẽ là sự cổ kính của những vùng đất theo hành trình của cha ông.

“Bá niên tố trứ danh thanh địa/Tứ diện hoành khai đạo nghĩa môn”

Đó là nội dung hai câu liễn lớn nằm dưới dòng chữ “Tiên Hội môn” trên cổng Đình làng Hội An. Nội dung tạm dịch là: “Thanh danh của vùng đất được tạo dựng từ hàng trăm năm/Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng được lan truyền bốn phương”.

Làng cổ Hội An ở huyện Tiên Phước của Quảng Nam nhiều nhà cổ và các "kho báu" vô giá - Ảnh 2.

Một góc làng cổ Hội An (xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) nhìn từ trên cao. Ảnh: LÊ MAI

Theo tư liệu của chính quyền địa phương, Đình làng Hội An là Di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận vào ngày 21-7-2014, đồng thời là ngôi đình còn lại duy nhất trên địa bàn huyện Tiên Phước. Đình được xây từ nửa cuối thế kỷ 19, nằm lặng lẽ bên những nếp nhà dọc tỉnh lộ ĐT 614 nối hai huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. 

Không biết có phải tình cờ hay không, mà Trường Tiểu học UBND xã Tiên Châu được xây ngay phía đối diện cổng đình, dường như để thế hệ sau thấm thía thông điệp của tiền nhân gửi gắm.

Năm nay 75 tuổi, ông Trương Minh Tân chứng kiến nhiều đổi thay của mái đình quê hương theo thời cuộc. 

Ông nhớ hồi chiến tranh ác liệt, gia đình ông ở ngay đối diện đình làng. Thuở ban đầu, đình gồm 5 kiến trúc chứ không phải chỉ 2 khu nhà như bây giờ. Bên cạnh nhà Tự (đình chính) còn có nhà kho, nhà hội họp, nhà Thủ hộ và về sau dân làng xây thêm nhà thờ Bà Tư (người có công với làng trong đóng góp cúng tế). 

Quanh sân đình là cây cổ thụ, bậc đá, sân gạch, hàng chè tàu xanh mướt… Phần mộc của đình được những nghệ nhân phường mộc Văn Hà (thuộc vùng Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bây giờ) đảm nhiệm.

Lời ông Tân kể như “vẽ” ra trước mắt chúng tôi bức tranh ký ức về một mái đình xưa ở miệt trung du xứ Quảng. Trải qua nhiều biến động của lịch sử và quá trình trùng tu, kiến trúc của đình đã không còn vẹn nguyên nhưng giá trị cha ông để lại được lưu giữ qua lời kể của bậc cao niên và tư liệu của chính quyền địa phương. 

Qua nhiều thế hệ, họ kể về tên tuổi phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828-1888) - người theo chân tiền hiền Nguyễn Phúc đến khai khẩn, sinh sống tại làng Hội An. 

Ông là người thầy của phần lớn sĩ phu bấy giờ như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Duy Hiệu… và có công đầu trong việc xây dựng đình làng Hội An nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng và được đông đảo người làng đồng thuận, hưởng ứng.

Cánh cổng đình Hội An không khóa, chỉ khép hờ. Người làng hay ra vào dọn dẹp, tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, cộng đồng… 

Ông Mai Trung Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết, lễ hội đình làng Hội An được tổ chức vào 19 tháng Giêng âm lịch hằng năm là dịp để cộng đồng dân làng cùng tề tựu, sum vầy, gặp mặt đầu xuân; cùng dâng lên Tổ tiên nén nhan thành kính và cầu mong đời sống được an lành. 

Bên cạnh đó, trước đây dân làng thường tổ chức lễ Kỳ yên (khoảng tháng 6 âm lịch) với nghi thức rước sắc phong do vua Bảo Đại ban và cúng tế linh đình nhằm cầu mùa màng bội thu, xóm làng yên ấm. Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc, đáng tiếc là sắc phong đã bị thất lạc.

Dưới bóng nhà xưa

Trả lời cho câu hỏi “Ở làng mình còn chi ngoài đình làng Hội An không?” từ mấy vị khách lần đầu ghé chân, người cán bộ phụ trách văn xã của UBND xã Tiên Châu cho hay: “Còn, cụ thể là nhà cổ, riêng ở thôn Hội An phải 12 căn, nằm rải rác quanh đây”. Theo thống kê của địa phương, toàn xã Tiên Châu gồm thôn Hội An và các thôn lân cận như Hội Lâm và Thanh Bôi có khoảng 37 nhà cổ và mộ cổ. 

Cũng như đình làng Hội An, những căn nhà cổ này có tuổi đời hơn thế kỷ được bàn tay người thợ mộc vùng Văn Hà dựng nên. Nhà được làm từ gỗ mít theo dạng nhà 8 cái, 3 gian, 2 đoạn. Nhiều căn gần như nguyên vẹn theo năm tháng.

Trong số đó có nhà cổ của gia đình anh Nguyễn Văn Danh. Nép sau lối đi giữa hai hàng chè tàu và và hàng cau xanh rì, ngôi nhà vẫn nguyên những kèo, những cột, những vách từ thế kỷ trước, có chiếc bàn xoay phủ bụi y hệt chiếc bàn nổi tiếng ở Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) cách đó chục cây số.

Chỉ tay lên phần mái đã có dấu hiệu thời gian, anh Danh kể: “Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình sống dưới căn nhà này. Nhà không sửa chữa nhiều suốt mấy năm qua. Chúng tôi cũng lo ngại nhà xuống cấp, muốn sửa chữa, nâng cấp nhưng kinh tế gia đình còn khó khăn nên chỉ có thể coi ngó cầm chừng”.

Trong nhà từng có nhiều ấm chén, đồ cổ giá trị nhưng gia đình chưa nhận thức hết giá trị lâu dài nên vô tình để thất lạc dần. Chỉ còn lại trích lục của tổ tiên được cất giữ cẩn thận nhưng thế hệ con cháu chưa dịch được.

Giấc mơ du lịch ở miệt trung du xứ Quảng

Như nhiều miền quê khác, người làng Hội An phần lớn sống vào nghề nông, trồng trọt, làm vườn. Trên đất bán sơn địa Tiên Phước, cây lòn bon từ lâu đã là đặc sản nức tiếng. Thế nhưng mấy năm gần đây, loại trái cây còn có tên gọi mỹ miều là “nam trân” suy giảm sản lượng không chỉ ở Tiên Châu mà còn ở một số địa phương lân cận. 

Thời đỉnh cao của những cây lòn bon mọc trong vườn nhà cổ, người trồng có thể thu được đến vài tấn. “Thời tiết thất thường nên thay vì ra quả chín ở tầm tháng 8, 9 âm lịch thì nhiều cây ra quả trái mùa. Có khi ngay giữa dịp Tết, chất lượng đi xuống, quả nhỏ, chua, ăn không ngon và khó tiêu thụ”, anh Danh kể lại.

Anh Danh cũng như nhiều thế hệ người làng chung sống dưới màu xanh ngút ngàn của cây lá, vườn tược và những thềm đá rêu phong xứ Tiên không phải không hiểu việc khai thác du lịch bên cạnh nghề nông. Họ cảm nhận nhịp sống du lịch đã manh nha ở làng cổ Hội An từ nhiều năm nay nhưng chưa thực sự thành hình. 

Những căn nhà cổ ở đây từng lưu lại dấu chân nhiều đoàn du khách, sinh viên thực tập, đài truyền hình từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng đến tham quan, ghi hình. Hiện tại Tiên Châu đã có đề án phát triển du lịch cụ thể. Đã có những giấc mơ tương lai về một tour hấp dẫn đưa khách thưởng thức rượu lòn bon, mục sở thị cách người địa phương tạo trầm trên cây dó bầu, tham quan đình làng và ghé thác Ồ Ồ.

Đó là giấc mơ, còn để đánh thức nó là cả một lộ trình phát triển, định hướng du lịch nông thôn bền vững trên những gì đã có. Hội An ở Tiên Châu, Lộc Yên ở Tiên Cảnh, nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, thác Ồ Ồ, hang Dơi… cùng nhiều giá trị về văn hóa - lịch sử khác là “kho báu” để Tiên Phước làm du lịch. “Kho báu” đó, chỉ tính riêng về mặt văn hóa đã có đến có 4 di tích cấp Quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và hơn 60 căn nhà cổ có niên đại trên 100 năm.

Theo ông Dương Đức Lin, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, hiện hệ thống các sản phẩm du lịch trên địa bàn dù chưa được hoàn chỉnh nhưng bước đầu tạo được ấn tượng cho du khách. Những nhà cổ, ngõ đá, di tích, thắng cảnh, lễ hội, làng nghề… được xâu chuỗi và liên kết thành sản phẩm du lịch. 

Các điểm check-in, tour đạp xe ngắm cảnh đồng quê hay các lớp nấu ăn cho du khách sẽ thành hình. Tuy nhiên, vẫn còn đó hạn chế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, hay chuyện bà con chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng; dịch vụ lưu trú, hoạt động du lịch chưa bài bản…

Từ đô thị cổ Hội An bên sông Hoài đến làng cổ Hội An ở ngược nguồn Tiên Phước là một khoảng cách về địa lý và hành trình phát triển du lịch. Khó, nhưng không phải không làm được. Chúng tôi cảm nhận điều đó, khi bước đi thong thả dưới hàng cau xanh, len qua những bậc đá rêu phong đã cũ, nghe người xứ Tiên nói chuyện quê mình.

Lê Mai (Báo Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem