Làm chả cá rô phi, hàng trăm kg đầu cá, vảy cá được cơ sở này ở Cà Mau xử lý thế nào?

Thứ năm, ngày 17/11/2022 13:27 PM (GMT+7)
Ðể tiết kiệm chi phí chế biến, nâng cao sức cạnh tranh chả cá phi OCOP (chả cá rô phi) trên thị trường, Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Thanh Tâm, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), tận thu phế phẩm cá phi sau khi chế biến làm thức ăn cho các đối tượng thuỷ sản.
Bình luận 0

Cá phi (cá rô phi) là đối tượng thuỷ sản thích nghi rất tốt trong các điều kiện môi trường, nguồn nước mặn ngọt khác nhau. Vì thế nguồn cá rô phi tự nhiên trong vuông tôm rất lớn, giá trị kinh tế không cao, trở thành nguồn cá tạp. 

Làm chả cá rô phi, hàng trăm kg đầu cá, vảy cá được cơ sở này ở Cà Mau xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Công đoạn chế biến chả cá phi OCOP (chả cá rô phi) Hợp tác xã Thanh Tâm, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Nhiều hộ dân tận dụng đầu cá, và các phế phẩm khác của cá rô phi  làm thức ăn cho cá chình, cá bống tượng, thậm chí sử dụng làm thức ăn cho cua nuôi trong vuông tôm. 

Ðể nâng cao giá trị nguồn cá phi trong vuông tôm, Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Thanh Tâm tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình, chế biến sản phẩm chả cá phi theo tiêu chuẩn OCOP.

Ðiểm độc đáo khâu bảo vệ môi trường trong quá trình chế biến sản phẩm chả cá phi OCOP, được chủ thể Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Thanh Tâm thông tin đến Hội đồng Ðánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Cái Nước. 

Trung bình 3 kg cá rô phi nguyên liệu chế biến cho ra 1 kg chả cá rô phi thành phẩm. Với công suất chế biến mỗi ngày từ 100-120 kg chả cá phi thành phẩm, Hợp tác xã Thanh Tâm tiêu thụ từ 300-400 kg cá rô phi nguyên liệu, phế phẩm cá rô phi lên đến hàng trăm ký, như đầu cá, da cá, vảy cá và nội tạng... là thành phần rất dễ gây ô nhiễm môi trường. 

Nhờ thông qua các kênh tiêu thụ sản phẩm chả cá rô phi, chủ thể liên kết với một số cơ sở chuyên thu mua phế phẩm có nguồn gốc từ cá, cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu làm thức ăn cho các đối tượng nuôi khác. Riêng đối với phế phẩm từ vảy cá rô phi cũng được thương lái tại TP Cà Mau thu mua.

Chính nhờ tận thu phế phẩm trong quá trình chế biến chả cá rô phi OCOP, không phải tốn kém chi phí xử lý môi trường, mà còn có thêm nguồn thu bù đắp một phần chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm.

Việt Tiến (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem