Kon Tum tìm cách đánh thức "kho báu" ẩn sâu dưới tán rừng 1.200ha, là thứ gì mà được coi là quốc bảo?

Hoàng Lộc Chủ nhật, ngày 24/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
Ngày 24/4, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh tổ chức "Diễn đàn sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch".
Bình luận 0

Lợi thế của Kon Tum để phát triển sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, được phát hiện tại vùng Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum vào năm 1973. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là "quốc bảo" - sản phẩm quốc gia.

Với hơn 1.200 ha đã trồng và hàng chục nghìn ha được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu khác, sâm Ngọc Linh đang có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế của Kon Tum. 

Đặc biệt, đỉnh núi Ngọc Linh còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp, đây là tiềm năng để phát triển du lịch khám phá, kết hợp với tham quan vườn sâm Ngọc Linh. 

Đây là loại hình du lịch có thể thu hút được nhiều du khách mà huyện đã và đang xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển.

Kon Tum: Bảo tồn, phát triển "Quốc Bảo" sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch  - Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum được trồng ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Ảnh: H.L

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, rừng và sâm Ngọc Linh gắn với du lịch là lợi thế của Tu Mơ Rông và có mỗi quan hệ gắn bó hữu cơ, khăng khít không thể tách rời. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại, mất rừng không thể phát triển sâm Ngọc linh và như vậy thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch.

"Làm sao phát triển được sâm Ngọc Linh để cung cấp ra thị trường thông qua con đường du lịch cần phải được ưu tiên. Ngoài ra, cần phải phát huy được chuỗi "kinh tế xanh" nhằm đưa người đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề cần được bàn thấu đáo, phải có giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược. Muốn vậy, phải có sự hỗ trợ từ các cấp để huyện Tu Mơ Rông thành trung tâm dược liệu cuả tỉnh, góp phần đưa tỉnh thành trung tâm dược liệu cả nước", ông Mạnh chia sẻ.

Làm thế nào để phát triển sâm Ngọc Linh một cách bền vững?

Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum nhìn nhận, lợi thế của huyện Tu Mơ Rông nói riêng và Kon Tum nói chung trong việc phát triển sâm Ngọc Linh là không nhỏ. 

Để xây dựng và phát triển tương xứng với lợi thế đó, thời gian tới, cần phải xác định sâm Ngọc Linh của huyện là mục tiêu phát triển để góp phần cải thiện nền kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Kon Tum: Bảo tồn, phát triển "Quốc Bảo" sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch  - Ảnh 2.

Vườn sâm Ngọc Linh của người Xơ Đăng tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum trồng. Ảnh: H.L

Để làm được điều này, cần phải xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

"Kon Tum cần tổ chức liên kết vùng trong việc phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để trở thành hàng hóa và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm trên thị trường", ông Long nói.

Về việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc hữu, ông Long cho rằng, cần thiết phải đánh giá thật cụ thể về các sản phẩm đặc sản của địa phương để biết được tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển thành hàng hóa, giá trị kinh tế, giá trị tinh thần… 

Để từ đó tiến tới công bố danh mục các sản phẩm đặc sản của huyện nhằm giúp người tiêu dùng định hướng được sự lựa chọn của mình khi đến Kon Tum.

Kon Tum: Bảo tồn, phát triển "Quốc Bảo" sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch  - Ảnh 3.

Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L

Để phát triển sâm Ngọc Linh một cách bền vững, ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho hay, cần phải tập trung đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến và khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu và sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt, Kon Tum cần chú trọng mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi khép kín từ bảo quản sâm Ngọc Linh, đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ thông thường đến cao cấp.

"Tỉnh cần hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu và sâm Ngọc Linh công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại… Đồng thời, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh", nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP về dược liệu, giữ vững và nâng cấp số sản phẩm chế biến từ dược liệu được công nhận sản phẩm OCOP, số sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia", ông Liêm cho hay.

Sau hơn 20 năm sưu tầm, nhân giống và phát triển, đến nay tỉnh Kon Tum đã sở hữu một vùng trồng sâm rộng lớn trên vùng núi Ngọc Linh với hơn 1.200 ha.

Đây là diện tích sâm trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông (với hơn 1.190 ha) và một số ít tại huyện Đăk Glei.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem