Kinh tế nông nghiệp: Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684 tỷ đồng để nuôi lợn hay làm gì?

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 10/09/2023 06:30 AM (GMT+7)
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã: BAF) tăng vay nợ thêm 636,65 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tiếp tục muốn huy động thêm 684,3 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu. Lý do mà BaF đưa ra là muốn đầu tư mở rộng trạng trại chăn nuôi heo (lợn).
Bình luận 0

Cụ thể, BAF thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,4767, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 47 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến trong quý IV/2023, sau khi hoàn thành các thủ tục xin phép chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Với 143,52 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính BAF sẽ phát hành thêm 68.425.600 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 684,3 tỷ đồng.

Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684,3 tỷ đồng để làm gì? - Ảnh 1.

Phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng của BaF

Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684,3 tỷ đồng để làm gì? - Ảnh 2.

Mục đích huy động vốn của BaF Việt Nam. (Nguồn: BAF)

Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684,3 tỷ đồng để làm gì? - Ảnh 3.

Mục đích huy động vốn của BaF Việt Nam. (Nguồn: BAF)

Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684,3 tỷ đồng để làm gì? - Ảnh 4.

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE) tăng vay nợ thêm 636,65 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tiếp tục muốn huy động thêm 684,3 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu.

Huy động tiền để phục hồi kinh doanh nông sản

Số tiền huy động, Công ty dự kiến sử dụng 400 tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 165,1 tỷ đồng dùng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo; và còn lại 119,15 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ tại các công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động của các công ty con.

Trước đó, sau khi thành công trong việc phát hành trái phiếu lên đến 900 tỷ đồng cho Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC), Công ty Cổ phần Nông Nghiệp BAF đã tiếp tục huy động 500 tỷ từ nhóm các Ngân hàng Hàn Quốc và Đài Loan.

BAF đã chính thức ký kết nhận khoản vay hợp vốn lên đến 500 tỷ đồng với nhóm 3 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Việt Nam), Ngân hàng Daegu, Ngân hàng First Commercial Bank. Trong đó Shinhan Việt Nam đóng vai trò Lead Bank (Ngân hàng đầu mối thu xếp và quản lý chính khoản vay hợp vốn).

Mục đích huy động 500 tỷ đồng lần này phục vụ việc xây dựng Cụm rang trại chăn nuôi lợn hiện đại theo mô hình 3F (FEED-FARM-FOOD) Giai Xuân tại tỉnh Nghệ An. Cụm trại Giai Xuân có diện tích khoảng 52 ha, công suất 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt.

Khoản vay có thời hạn 7 năm với 2 năm ân hạn gốc. Tài sản đảm bảo là Cụm trại Giai Xuân – tài sản hình thành trong tương lai. Lãi suất thả nỗi vào khoảng dưới 9%/năm, đây được xem là mức lãi suất dài hạn khá tốt trong bối cảnh mặt bằng chung lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.

Được biết, lợi nhuận bán niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc, giảm 20,4% tương ứng giảm 3,28 tỷ đồng về chỉ còn 12,79 tỷ đồng, sau kiểm toán bán niên 2023 (đã soát xét).

Lý giải lợi nhuận giảm tới 20,4% sau kiểm toán, Công ty BaF Việt Nam cho biết do tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính cho 6 tháng đầu năm 2023.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.406,43 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12,79 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 57,01 tỷ đồng, về 155,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 756,9%, tương ứng tăng thêm 20,74 tỷ đồng, lên 23,48 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 11,99 lần, tương ứng tăng thêm 60,09 tỷ đồng, lên 65,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 37,3%, tương ứng tăng thêm 24,14 tỷ đồng, lên 88,86 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, BaF Việt Nam mới hoàn thành 4,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách xa kế hoạch lãi 301,43 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam đã đẩy mạnh vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh, dù kinh doanh lao dốc. Dòng tiền kinh doanh chính và dòng tiền đầu tư của Công ty BaF Việt Nam đều ghi nhận âm (là 375,5 tỷ đồng và 492,1 tỷ đồng) còn dòng tiền tài chính dương (là 816,9 tỷ đồng), chủ yếu do tăng vay nợ. 

Vừa tăng vay nợ, BaF Việt Nam tiếp tục muốn huy động 684,3 tỷ đồng để làm gì? - Ảnh 5.

Giá lợn vẫn tiếp tục giảm

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi của Công ty BaF Việt Nam đã tăng lên 1.593,95 tỷ đồng và bằng 83,3% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 54,9% vốn chủ sở hữu).

Được biết, trong nước, tháng 8/2023, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm, xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 58.000- 59.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/ kg so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên hiện dao động trong khoảng 57.000-58.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam hiện dao động trong khoảng 56.000 58.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/ kg.

Giá lợn giảm là do bước vào tháng 7 âm lịch là mùa ăn chay, theo quy luật của thị trường, đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Cùng với đó, tiêu thụ của các trường học đang ở mức thấp do bước vào giai đoạn nghỉ hè. Tuy nhiên, đây là mức giá vẫn cao hơn nhiều so với những tháng trước đó.

Cuối tuần, tại miền Bắc, giá lợn hơi vẫn giữ được mức "an toàn", bảo đảm người chăn nuôi có lãi. Giá 58.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực, xuất hiện ở một số địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Nam Định và Hà Nam. Nhiều địa phương tiếp tục giữ được giá 60.000 đồng/kg như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội. Giá lợn hơi bình quân ở miền Bắc là 58.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá của Công ty C.P Việt Nam ở khu vực này là 60.500 đồng/kg.

Ở miền Trung và Tây Nguyên, thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang và phân thành 2 vùng giá. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa vào tới Quảng Ngãi, giá lợn hơi dao động từ 57.000 - 58.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại chỉ 56.000 đồng/kg. Riêng Bình Định thấp nhất cả nước - 55.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn cũng hình thành 2 mức khác nhau. Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước, đồng giá 56.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Tây, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng ở Đồng Tháp lên 57.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở các tỉnh ĐBSCL phổ biến từ 56.000 - 58.000 đồng/kg; riêng Cà Mau cao nhất khu vực với 59.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi bình quân cả nước hiện 57.200 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc 54.200 đồng/kg.

Năm 2023, nguồn cung lợn sẽ không có biến động lớn vì nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn ngay lập tức với quy mô lớn sau khi đã chịu lỗ trong hai năm liên tiếp. Bên cạnh đó, lạm phát duy trì ở mức thấp, mức lương cơ bản gia tăng có thể là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ cuối năm dù giá thực phẩm đã tăng nhẹ.

Ngoài ra, việc giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt cũng là một yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Một yếu tố hỗ trợ khác là làn sóng dịch bệnh mới cùng với lũ lụt tại Trung Quốc có thể làm giảm nguồn cung, đẩy giá thịt lợn ở nước này tăng trở lại, điều này có thể ảnh hưởng một phần đến thị trường lợn của Việt Nam.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem