Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 3): Người lưu giữ kho chuyện cổ vùng hồ

Hoàng Chiến Thắng Thứ hai, ngày 01/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong những câu chuyện cổ về vùng hồ Ba Bể mà ông Cầm kể, chúng tôi chừng nghe có cả tiếng vó ngựa, tiếng binh đao từ thẳm sâu vọng về. Chúng tôi cũng mơ hồ cảm được tiếng bước chân như sấm dậy của Tài Ngào giúp dân vùng nước ngập; thấp thoáng ở đó chiếc thuyền trấu của bà góa bập bềnh giữa sóng nước mênh mông…
Bình luận 0

Chuyện kể Tài Ngào

Qua giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Mạnh Cầm, người đã bỏ nhiều thời gian, công sức sưu tầm, ghi chép những câu chuyện cổ của vùng hồ Ba Bể.

Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang tại thôn Bó Lù, ông Cầm lặng lẽ lật giở từng trang giấy, chỉnh sửa, sắp xếp lại những tư liệu về hồ Ba Bể mà ông đã cất công ghi chép được. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những huyền sử, huyền tích liên quan đến quần thể du lịch hồ Ba Bể, ông Cầm vui lắm. Ông bảo, bao năm "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" cũng chỉ mong đem những gì sưu tầm được phổ biến rộng rãi, để nhiều người biết thôi.

Rót chén trà mời khách, rồi ông bắt đầu say sưa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ về vùng hồ. Từ sự tích hồ Ba bể đến các huyền tích, huyền sử về Ao Tiên, động Nả Phoòng… đặc biệt là chuyện Tài Ngào (người khổng lồ) giúp cư dân hồ Ba Bể và các vùng lân cận chống ngập. Theo ông Cầm, nhiều nơi xung quanh vùng hồ Ba Bể có dấu tích liên quan đến Tài Ngào.

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 3): Người lưu giữ kho chuyện cổ vùng hồ  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm (thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) khi kể những huyền sử, huyền tích liên quan đến hồ Ba Bể. Ảnh: C.H

"Ngày ấy, giữa xã Khang Ninh và Nam Mẫu (huyện Ba Bể) có một vách núi dựng ngang như bức tường thành, nước không thoát được. Bên Khang Ninh nước ứ lại, mênh mông như một cái hồ khiến người dân trong vùng không thể canh tác, đói ăn triền miên. Các quan không còn cách nào mới khẩn mời Tài Ngào giúp đục "puông". Tài Ngào đã dùng chính đôi tay khổng lồ của mình để đục" - ông Cầm chậm rãi kể.

"Cách hồ Ba Bể gần 1km, thuộc khu giáp ranh xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) và xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) cũng bị ngập úng giống như ở Khang Ninh. Sau khi đục thông động Puông giúp sông Năng chảy vào hồ, Tài Ngào lại đến giúp người dân xã Nam Cường đào xuyên núi để thoát nước từ khu vực này qua hồ Ba Bể. Đang đục dở thì Tài Ngào được tin mẹ mất. Vội về chịu tang mẹ, Tài Ngào đã chọc nguyên bàn tay phải của mình vào vách núi, tạo thành 5 lỗ xuyên sang phía Nam Cường. 5 lỗ ấy đã giúp nước ngập úng bên đó thoát sang. Ngày nay, 5 lỗ ấy vẫn còn và được đặt tên là động Nả Phoòng. Năm 1947-1948 và 1950-1952, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam về đóng ở nơi này. Động Nả Phoòng hiện là Di tích lịch sử quốc gia"- ông Cầm cho biết thêm.

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 3): Người lưu giữ kho chuyện cổ vùng hồ  - Ảnh 2.

"Những di sản văn hóa phi vật thể, những tích, những trò diễn dân gian hay những câu chuyện cổ tích về hồ Ba Bể, nếu khai thác được tốt sẽ tạo thành sản phẩm du lịch gắn với văn hóa phục vụ du khách.

Ông Hoàng Minh Thư -

Trưởng Phòng Quản lý du lịch và di sản,

Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn

Nhà trời mất bò và những huyền tích khác

Ông Nguyễn Mạnh Cầm cho hay, theo các cụ truyền lại, sự hình thành hồ Ba Bể có rất nhiều sự tích. Trong đó, có câu chuyện được cho là cách đây khoảng 250 triệu năm.

Chuyện rằng, nơi đây có một bà góa. Một hôm trong vùng tổ chức lễ hội, khi đó người dân còn nghèo lắm, họ lên trời trộm một con bò xuống thịt. Mổ xong bò, các chức sắc trong vùng chia nhau hết, còn cái đuôi để cho bà góa. Bà góa biết bò nhà trời nên không dám ăn. Ngày hôm sau, người nhà trời xuống hạ giới tìm bò, mọi người đều lắc đầu không biết. Bà góa thật thà kể, hôm qua có người cho một cái đuôi bò, bà không dám ăn nên để trên gác bếp.

Người nhà trời nhận đuôi bò, thấy bà thật thà nên bảo bà lấy vôi, vỏ trấu rắc xung quanh nhà. Nửa đêm hôm đó, sấm chớp nhì nhằng, đất đá văng tung tóe rồi sập xuống, chỉ còn trơ lại nơi bà góa rắc vôi và vỏ trấu.

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 3): Người lưu giữ kho chuyện cổ vùng hồ  - Ảnh 4.

Động Puông trong truyền thuyết ông Tài Ngào đục núi giúp người dân thoát cảnh ngập úng. Ảnh: Đại Lượng

"Những mảnh trấu bà góa rắc xuống nổi lên thành thuyền. Giữa mênh mông nước, bà góa ngồi thuyền vỏ trấu cứu vớt người dân trong vùng. Vỏ trấu ấy chính là con thuyền độc mộc ngày nay đấy"- ông Cầm nói.

Bằng giọng trầm đục, ông tiếp câu chuyện…

Ao Tiên là ao nhỏ trên núi, tròn và trong như một chiếc gương. Ngày nọ có ông thợ săn đi qua, thấy 7 nàng tiên đang tắm. Người thợ săn muốn đến gần không được, muốn nhìn rõ cũng chỉ thấy ảo mờ, loang loáng cùng tiếng cười nói của các tiên nữ. 7 tiên nữ không biết có người chiêm ngưỡng mình, mải vui, trời tối không kịp về trời đành lặn xuống, hóa thành những con cá chép. Các cụ xưa bảo, cá chép ở Ao Tiên chính là 7 tiên nữ hóa thành.

Còn nữa, giữa hồ 2 và hồ 3 là đảo An Mã, có rất nhiều câu chuyện li kì liên quan đến hòn đảo nhỏ này. Cách đây vài trăm năm, có 2 tướng quân nhà Mạc bị giặc cờ đen truy đuổi. Đến động Puông không biết đi đường nào, 2 tướng quân đành xé áo bịt mắt ngựa, rồi nhảy xuống sông Năng tự vẫn. Thời điểm các tướng tự vẫn vào đúng mùa mưa, thi thể trôi về đảo An Mã và được người dân vớt lên, mai táng ở đảo này. Để tưởng nhớ tới những người anh hùng ấy, người dân đã lập đền thờ An Mã (An Mạ).

Hằng năm tổ chức hội xuân Ba Bể, trước khi tổ chức, người ta đều rước hương từ đền An Mã về nơi tổ chức hội hồ…

Ngưng câu chuyện, ông Cầm bảo: "Tôi chưa hề có ý nghĩ sẽ xuất bản những gì đã sưu tầm được. Tôi chỉ đau đáu một điều, là lưu lại để truyền cho con cháu, anh em trong thôn xóm, ai nấy cũng đều được biết mà thôi".

Ông Cầm cho biết thêm, quanh hồ Ba Bể có rất nhiều người thực hiện mô hình homestay. Bởi vậy, ông đã đến trực tiếp tuyên truyền và in những tư liệu mình có, để các chủ homestay có thể giới thiệu cho du khách. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem