Hỗ trợ cây - con giống mới để giảm thiểu đói dinh dưỡng

Khương Lực Thứ ba, ngày 14/12/2021 08:49 AM (GMT+7)
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc hỗ trợ những cây - con giống mới như: gà, rau, cá… cùng với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp các hộ nông dân đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ, đáp ứng đủ chất dinh dưỡng.
Bình luận 0

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% vẫn còn ở mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. 

Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15%).

Tại 10 tỉnh có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cấp còi cao nhất cả nước thì 60% trẻ là người dân tộc thiểu số.

Mặt khác, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm sau thiên tai, dịch bệnh đòi hỏi phải có những mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ, đáp ứng đủ chất dinh dưỡng.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm và những kết quả bất ngờ

Nhằm giảm tình trạng thiếu đói về dinh dưỡng, năm 2020 Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình đã triển khai dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp các hộ nghèo, cận nghèo ở xóm Chàm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. 

Hỗ trợ cây - con giống mới để giảm thiểu đói dinh dưỡng - Ảnh 1.

Được cho ăn đầy đủ, đàn gà nhà ông Lò Văn Dẽ, bản Nà Cúng sinh trưởng, phát triển tốt.

Để các hộ dân có đủ lương thực, thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng quanh năm, dự án tập trung vào việc tổ chức thực hiện 3 mô hình, gồm: lúa chất lượng; nuôi gà thịt và nuôi cá ghép bán thâm canh.

Đối với trồng lúa, do người dân chưa đầu tư thâm canh mà chỉ làm theo kinh nghiệm, truyền thống nên năng suất rất thấp, chỉ đạt trên 45 tạ/ha, thấp hơn năng suất lúa bình quân của tỉnh Hòa Bình khoảng 16% (năng suất lúa bình quân chung của tỉnh khoảng 53-55 tạ/ha).

Khi tham gia vào mô hình, 38 hộ dân đã được tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ thuật thâm canh và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa. 

Đồng thời, lựa chọn 2 giống lúa mới ngắn ngày là VNR 20 và Sumo để thâm canh. Do nắm vững các kiến thức, kỹ năng thâm canh lúa, nên năng suất lúa của mô hình đạt đạt 60 tạ/ha, tăng cao hơn 10% năng suất bình quân chung của tỉnh Hòa Bình.

Sau khi kết thúc thu hoạch vụ lúa mùa, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình đã cấp hỗ trợ 60 kg giống đậu tương ĐT 26 cho một số hộ dân gieo trồng trên diện tích đất 2 lúa.

Việc lựa chọn cây vụ đông là cây đậu tương sẽ đáp ứng nhiều mục tiêu: Tăng giá trị cây họ đậu làm giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày, cải tạo đất lúa; tăng vụ và tăng thu nhập cho nông dân; tạo khi thế mới trong sản xuất để duy trì ổn định sản xuất 3 vụ trong những năm tiếp theo và mở rộng diện tích sang địa bàn khác.

Cùng với thâm canh lúa, dự án còn hỗ trợ 30 hộ nuôi gà thịt, mỗi hộ được nhận 80 con gà cùng thức ăn, vắc xin phòng bệnh; hỗ trợ 10 hộ nuôi cá ghép trong ao với các loại cá như: cá trắm (50%), còn lại cá trôi, chép, mè, rô phi. 

Đây là các mô hình điểm giúp tuyên truyền giúp người dân trong cộng đồng thực hiện và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, dần thay đổi được các tập quán lạc hậu trong nghề chăn nuôi gà, cá tại địa phương.

Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng: Hỗ trợ cây con giống mới để giảm thiếu đói dinh dưỡng - Ảnh 3.

Đàn cá thả người dân thả nuôi đến nay có con đã to 5-6kg. Các hộ dân dự kiến trong dịp Tết sẽ thu hoạch để cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình và bán để mua thêm các thực phẩm khác. Ảnh: N. Thu

Ông Xa Văn Nghĩa, Trưởng xóm Chàm phấn khởi cho biết, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp bà con trong xóm rất nhiều, hiệu quả kinh tế rõ rệt, kể cả gà, cá, lúa. 

"Lúa người dân trồng cho năng suất cao lắm. Năm nay không chỉ có xóm Chàm mà các xóm khác trong xã cũng đổi giống về trồng theo, chủ yếu trồng giống lúa VNR 20 năng suất cao và gạo ngon" – ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, với việc trồng lúa giống mới, người dân trong xóm giờ không còn thiếu ăn. 

"Nếu như ngày trước trồng lúa, người dân chỉ vừa đủ ăn thì nay bà con còn có gạo để nấu rượu. Nhà tôi có 2.000m2 ruộng trồng lúa, vụ năm ngoái làm vẫn còn mấy chục bao" – ông Nghĩa nói và cho biết đàn gà, cá do các hộ nuôi đã được thu hoạch, nhưng các hộ dân chưa bán mà chủ yếu dùng để cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn trong hộ gia đình.

Lan tỏa theo "vết dầu loang"

Với đặc thù xã vùng cao khó khăn, hạ tầng chưa được đầu tư, hạ tầng chia cắt, nguồn thu nhập thấp do người dân chỉ dựa vào trồng lúa, trồng rừng. 

Do trồng rừng 7-8 năm mới cho khai thác nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, xóm Chàm có 180 hộ thì có tới 68 hộ nghèo. Dự kiến số hộ nghèo trong năm 2022 theo chuẩn nghèo mới sẽ tăng lên khoảng 60% số hộ trong xóm.

Ông Đinh Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo nhận định, từ mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng ở xóm Chàm đã phát huy hiệu quả rất tốt. 

"Đến nay bà con đã nhân rộng các mô hình trồng lúa, nuôi gà, cá cho hiệu quả kinh tế cao. Do cây đậu tương không phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn nên trong vụ Đông năm nay, bà con trên địa bàn xã đã trồng 1ha khoai tây để phục vụ cho nhu cầu tiêu cùng của người dân trên địa bàn" – ông Nhất nói.

Để giải quyết vấn đề đói về dinh dưỡng, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) - cho biết: Năm 2019, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các bên liên quan thí điểm xây dựng 3 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp.

Trong năm 2020, Bộ NNPTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19.

Hỗ trợ cây - con giống mới để giảm thiểu đói dinh dưỡng - Ảnh 5.

"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương" - ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) chia sẻ.

Ngày 30/3/2020, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT hướng dẫn các tỉnh xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.

Với những cam kết xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam "minh bạch, trách nhiệm, bền vững"- ông Lê Đức Thịnh cho rằng, đây sẽ là cơ hội để lồng ghép, thực hiện các mục tiêu và các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương" - ông Thịnh nói.

Để triển khai nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, qua đó giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần làm theo phương thức "vết dầu loang".

"Đầu tiên là xây dựng các mô hình để trao đổi, học học kinh nghiệp ở các địa phương; thứ hai là truyền truyền và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để bà con nông dân học hỏi, làm theo" – ông Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem