Hồ thủy lợi nào ở tỉnh Bình Phước mà dân mỗi ngày bắt được hàng tạ cá ngon, bán loanh quanh cũng hết sạch?

Thứ năm, ngày 24/12/2020 12:20 PM (GMT+7)
Tháng 9, tiết trời mát dịu, tôi đứng trên bờ đập cao phóng tầm mắt nhìn xa về phía lòng hồ thủy lợi Long Hưng (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước). "Cá ở lòng hồ này phần lớn là trắm, chép, rô phi, mè, trôi… tươi, ngon, sạch, giá bán rẻ, khoảng 40-50 ngàn đồng/kg nên tiêu thụ cũng nhanh”, anh anh Nguyễn Tam Quân nói.
Bình luận 0

Tháng 9, tiết trời mát dịu, tôi đứng trên bờ đập cao phóng tầm mắt nhìn xa về phía lòng hồ thủy lợi Long Hưng. Hai bên bờ là bạt ngàn điều, cao su và cây ăn trái. 

Lòng hồ thủy lợi Long Hưng tồn tại bao đời nay, có lúc vơi, lúc đầy nhưng hằng năm luôn đáp ứng tốt nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây.  

Hồ thủy lợi nào ở tỉnh Bình Phước mà dân mỗi ngày bắt được hàng tạ cá ngon, bán loanh quanh cũng hết sạch? - Ảnh 1.

Lòng hồ thủy lợi Long Hưng, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đem lại nguồn kinh tế cho tổ nghề cá và người dân trong khu vực. Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Huê phấn khởi với sản phẩm là 1 con cá ngon tươi rói dính lưới thu được từ lòng hồ.

Không những thế, lòng hồ thủy lợi Long Hưng còn luôn hiền hòa, bao dung, cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào, là nơi để bà con hằng ngày bảo vệ và đánh bắt cá, tôm phát triển kinh tế.

Mưu sinh trên mặt hồ Long Hưng

5 giờ chiều, ánh hoàng hôn chiếu xuống mặt hồ gợn sóng hắt lên lấp loáng. Từ giữa lòng hồ, anh Nguyễn Tam Quân, thôn 7, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) chèo xuồng tôn loại nhỏ lướt nhanh vào bờ.

Nước da đen sạm, thân hình rắn chắc, gác mái chèo và đẩy xuồng vào sát bụi tre ngà, anh Quân bước lên vui vẻ trò chuyện: “Chúng tôi thường đi giăng lưới từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau thì đi thu lưới. Được bao nhiêu sẽ mang bán tại các khu dân cư. Cá ở lòng hồ này phần lớn là trắm, chép, rô phi, mè, trôi… tươi, ngon, sạch, giá bán rẻ, khoảng 40-50 ngàn đồng/kg nên tiêu thụ cũng nhanh”.

Trong những người thường xuyên đánh bắt và mưu sinh bằng nghề này, có anh Hoàng Văn Huê và anh Bùi Văn Đồng cùng thôn 7, Long Hưng đánh bắt giỏi nhất. 

Anh Huê nói: “Nhà tôi có 3 ha rẫy nhưng xong việc rẫy tôi gắn bó với lòng hồ hằng ngày. Quanh khu vực lòng hồ, gần như nhà nào cũng có đồ nghề đánh bắt để phục vụ bữa ăn hoặc bán. Một chiếc xuồng bằng tôn mua hết 1,6-1,8 triệu đồng, mỗi tay lưới khoảng 300 ngàn đồng. Nhà ít thì 1 tay, nhiều thì 4-5 tay...".

Theo anh Huê, một số nhà còn sắm cả dàn câu cặm để đánh bắt các loại cá ăn chìm. Mùa này nước lên, bà con bắt đầu đánh bắt được nhiều. Tùy theo từng hôm mà số lượng cá đánh được nhiều hay ít. Nhưng nhà được ít mỗi ngày cũng trên dưới 10kg, nhiều có khi cả tạ hoặc 4-5 tạ cũng có.

Phấn khởi nhất là gia đình anh Bùi Văn Đồng. Trước đây, gia đình anh Đồng thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, vợ bệnh, con đông. 

Hằng ngày, anh gắn bó với lòng hồ như chính ngôi nhà của mình. 

Những mẻ cá đánh bắt tại hồ này hàng chục năm qua đã nuôi sống và giúp gia đình anh thoát nghèo vào năm 2019.

Thành lập tổ nghề cá

Nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn, tạo điều kiện cho bà con đánh bắt và khai thác có hiệu quả, năm 2003, Tổ nghề cá cộng đồng Long Hưng được thành lập với 12 thành viên, hiện đã tăng lên 21, do anh Nguyễn Tam Quân làm Tổ trưởng. 

Anh Quân cho biết: Các thành viên trong tổ nghề cá có nhiệm vụ vừa bảo vệ thủy sản vừa khai thác theo quy định. Hằng ngày, các thành viên chia nhau đi tuần tra trên khắp lòng hồ, nhằm tuyên tuyền và ngăn chặn những trường hợp vãng lai đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng kíp mìn, xung điện, lưới mắt nhỏ, vây đăng chặn…

Tổ nghề cá được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cung cấp áo phao, đối ứng mua xuồng máy (trị giá 28 triệu đồng) để tuần tra, bảo vệ. 

Hằng năm, trung tâm đều thả (khoảng 200kg) cá truyền thống xuống hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khi đó, các thành viên trong tổ cũng mua thêm cá giống về thả để bổ sung cho dồi dào. 

“Thời điểm thả cá, chúng tôi thông báo rộng rãi để nhân dân địa phương biết và không xuống hồ khai thác dưới mọi hình thức”, anh Quân nói.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết: Toàn tỉnh Bình Phước có trên 20.000 hécta mặt nước và hàng trăm hồ đập lớn nhỏ. Từ năm 2014-2020, trung tâm đã thả bổ sung khoảng 200.000 con cá lăng nha và khoảng 16 tấn cá giống truyền thống tại 10 hồ lớn trên địa bàn tỉnh, củng cố 13 tổ nghề cá hoạt động hiệu quả. 

Việc thả cá bổ sung tại các hồ chứa góp phần khôi phục khả năng tự tái tạo, tăng mật độ quần thể loài đã bị khai thác cạn kiệt, qua đó lập lại sự cân bằng đối với môi trường sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ Long Hưng có ý nghĩa rất lớn trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trong xã, nhất là đối với các thành viên tổ nghề cá. Để tiếp sức những hộ còn khó khăn, Hội Nông dân xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ quan tâm giải quyết nhu cầu vay vốn cho bà con nhằm phục vụ công tác bảo vệ và khai thác..."

Ông Phạm Văn Cộng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước


Quang Minh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem