Hai cán bộ công an Thái Bình bỏ lọt tội phạm trong vụ Đường Nhuệ đối diện hình phạt nào?

Quang Minh Thứ ba, ngày 03/11/2020 08:19 AM (GMT+7)
Theo luật sư, hai cán bộ công an ở Thái Bình vừa bị bắt vì liên quan đến vụ Đường Nhuệ có thể sẽ bị phạt tù, với mức từ 5-10 năm tù.
Bình luận 0

Bỏ lọt tội phạm

Như Dân Việt đưa tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những động thái mới nhất của cơ quan chức năng liên quan đến vụ Đường Nhuệ.

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Bằng Giang, sinh năm 1981, cán bộ Công an huyện Vũ Thư; Hoàng Hồng Hạnh, sinh năm 1978, cán bộ Công an huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội phạm "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.

2 người này được cho đã có hành vi bỏ lọt tội phạm, sự việc có liên quan đến con nuôi Đường Nhuệ.

Hai cán bộ công an liên quan đến vụ Đường Nhuệ vừa bị bắt đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định con nuôi Đường Nhuệ và đồng phạm đánh 1 nam thanh niên thương tích nhưng không bị xử lý hình sự. Trong ảnh là Đường Nhuệ (trái) và con nuôi Tiến "trắng" (phải).

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, liên quan đến vụ Đường Nhuệ, đến nay, một số cán bộ sai phạm, tiếp tay cho nhóm đối tượng Đường Nhuệ thực hiện hành vi phạm tội đã bị khởi tố vì liên quan đến hoạt động đấu giá đất, quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là hai cán bộ công an vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, khoảng 19 giờ 30 ngày 22/5/2018, Phạm Văn Sáng cùng Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình), Hoàng Văn Phi, Nguyễn Tuấn Long đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng (ở Thái Bình).

Sáng dùng dao chém nhiều nhát làm anh Hoàng bị đứt cơ, gân 2 tay và 2 chân. Sau khi sự việc xảy ra, Đường "Nhuệ" đã đến nhà anh Hoàng đưa ra mức bồi thường 130 triệu đồng và yêu cầu anh Hoàng không đi giám định, để không xử lý hình sự vụ việc.

Do lo sợ, anh Hoàng đã có đơn đề nghị không đi giám định. Ngày 22/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự kể trên.

Với tài liệu chứng cứ được thu thập nêu trên cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao đã khởi tố hai cán bộ công an của địa phương này về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Đối mặt án tù

Với những sai phạm nêu trên thì những người tiến hành tố tụng trong vụ án này có thể bị xử lý về các tội danh như: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo Điều 369; Tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 371 hoặc Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015 tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể.

Theo đó, Điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm.

Tội danh này sẽ được áp dụng đối với cán bộ có thẩm quyền, thường là cán bộ lãnh đạo. Bởi vậy vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xem xét vấn đề trách nhiệm trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng trong nhóm Đường Nhuệ.

Nếu hành vi của cán bộ nào thỏa mãn dấu hiệu của tội danh nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định: Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hai cán bộ công an liên quan đến vụ Đường Nhuệ vừa bị bắt đối diện hình phạt nào? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trường hợp hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hình phạt có thể lên đến 7 năm tù

Còn đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án thì bị xử lý theo Điều 375 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất 15 năm tù. Như vậy, trong vụ việc nêu trên, có thể hai công an sẽ bị phạt tù với mức từ 5-10 năm tù.

"Có lẽ rằng với người dân chẳng ai mong muốn cán bộ bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên với vụ Đường Nhuệ khiến dư luận bức xúc thời gian qua thì cơ quan chức năng không thể không làm rõ nguyên nhân, điều kiện để xử lý nhóm Đường Nhuệ và những người liên quan.

Vụ án này cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phải làm rõ cội nguồn của tội ác, làm rõ các nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng có thể thực hiện hành vi phạm tội, trở thành băng ổ nhóm tội phạm. Từ đó, xử lý các cán bộ đã tiếp tay, dung túng cho nhóm đối tượng Đường Nhuệ để làm gương cho người khác", luật sư Cường chia sẻ.

Điều 375 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc như sau:

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;

b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;

c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội như sau:

1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

b. Đối với 02 người đến 05 người;

c. Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

d. Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng;

e. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem