Hà Nội xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp thu tiền tỷ từ chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao

Bình Minh Thứ bảy, ngày 29/07/2023 11:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, TP.Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy các mô hình ứng dụng CNC mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa và chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Nhiều mô hình thu tiền tỷ

Nhận thấy lan hồ điệp là loại hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, sức tiêu thụ lớn, mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người trồng nên anh Ngô Minh Trưởng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư trang trại trồng lan hồ điệp theo hướng CNC. Đến nay, trang trại của anh Trưởng được đánh giá là hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Theo đó, năm 2019, anh Trưởng thuê đất tại xã Mỹ Hưng để trồng thử nghiệm lan hồ điệp. Anh đầu tư hơn 7 tỷ đồng để cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng theo hướng CNC, đồng thời tìm hiểu, học hỏi công nghệ trồng hoa từ nước ngoài. Trên diện tích 1.500m2, vụ thu hoạch đầu tiên, hoa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra thị trường vào đúng dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhu cầu chơi hoa tết của nhân dân trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, cho thu nhập tốt.

Từ thành công ban đầu, đến nay anh Trưởng tiếp tục mở rộng diện tích vườn trồng lên 2.500m2 với 80.000 cây lan hồ điệp, khoảng 30 màu hoa khác nhau. Toàn bộ diện tích trồng lan đều được anh Trưởng xây dựng đồng bộ hệ thống nhà lưới, nhà màng, làm mát. 

Nhờ áp dụng CNC bài bản, khoa học, nên anh kiểm soát được từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… Áp dụng CNC còn giúp cây sinh trưởng tốt, tránh được sâu bệnh, mang lại thu nhập hơn 3,6 tỷ đồng/năm.

Nông nghiệp Thủ đô chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng lan hồ điệp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm của anh Ngô Minh Trưởng. Ảnh: Bình Minh

Nông nghiệp Thủ đô chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 2.

Anh Trưởng cho biết, để xây dựng được vườn lan hồ điệp CNC như hiện nay, anh đã nhận được sự hỗ trợ của TP.Hà Nội và huyện Thanh Oai. Trong tổng số hơn 6 tỷ đồng đã đầu tư, anh Trưởng được hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng.

Cũng thành công từ việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Trung Tấn (SN 1996, ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) đã thu "trái ngọt" từ mô hình trồng dưa lưới Hàn Quốc. 

Trên diện tích vườn nhà bao năm chỉ trồng ngô, năm 2022 anh Tấn đã mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng 1.000m2 nhà màng trồng 2.700 gốc dưa lê Hàn Quốc. Ngay vụ đầu tiên, vườn dưa lê đã cho thu hoạch hơn 3 tấn, giá bán tại vườn là 45.000 đồng/kg, còn bán lẻ 60.000 đồng/kg.

Theo anh Tấn, nhờ đầu tư hệ thống tưới tự động, chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Dưa lê Hàn Quốc có thời gian sinh trưởng ngắn, 2 - 3 tháng 1 vụ nên nhà vườn có thể canh tác mỗi năm 3 vụ, nhờ đó cho thu nhập cao hơn nhiều các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp CNC

Mô hình của hai anh Trưởng và Tấn nằm trong số 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của TP.Hà Nội. Mặc dù vậy, ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn được đánh giá là chưa đồng bộ, nhiều khâu vẫn áp dụng công nghệ thủ công, lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp…

Theo đó, để thúc đẩy việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố.

Tại nghị quyết ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP.Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 12 tháng 7/2023, nêu tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.124 tỷ đồng/năm. Trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, quy định cụ thể là hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 3 năm theo hợp đồng vay vốn. Còn chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp, quy định hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động, thiết bị cảm biến, quan trắc môi trường, camera, đường truyền…

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học cCNC sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp CNC để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem