Hà Giang: Giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo

Thùy Anh Thứ năm, ngày 10/11/2022 09:54 AM (GMT+7)
Một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả là tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo. Để tạo việc làm cho lao động, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề lao động nghèo và cận nghèo, lao động nông thôn, người yếu thế.
Bình luận 0

Ưu tiên đào tạo nghề cho người yếu thế

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động... UBND tỉnh Hà Giang đã chú trọng tới việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động.

Theo đó, tỉnh ưu tiên đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 8.000 người, bao gồm: cao đẳng 150 người, trung cấp 750 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 7.100 người. Nguồn kinh phí được huy động từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới; ngân sách địa phương; nguồn xã hội hóa và các nguồn khác.

đào tạo nghề tỉnh Hà Giang

Một lớp học lý thuyết trồng rau sạch tại bản Túm, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang). Ảnh: T.H

Lao động  là phụ nữ, người khuyết tật, lao động nông thôn trong độ tuổi sẽ được hỗ trợ khi học nghề sơ cấp dưới 3 tháng. Tỉnh ưu tiên đào tạo cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất, thành viên của hợp tác xã, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người chấp hành xong hình phạt tù, phạm nhân trong các cơ sở giam giữ phạm nhân, lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, lao động là phụ nữ bị buôn bán được giải thoát trở về, lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động trong các làng nghề.

Năm 2021, tỉnh Hà Giang đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp cho 1.616 người (cao đẳng 281người, trung cấp 1.335 người). Tỉnh tuyển mới giáo dục nghề nghiệp 5.000 người (hệ cao đẳng 164 sinh viên, trung cấp 863 học sinh, hệ sơ cấp và dưới 3 tháng 3.973 học viên); tổng số người được hỗ trợ kinh phí là 1.514 người, nguồn xã hội hoá và các nguồn khác 2.459 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến cuối năm 2021 đạt 55%.

Lao động đi học nghề sẽ được hỗ trợ tiền ăn, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/1 ngày. Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/học viên/khoá học nếu địa điểm đào tạo cách nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng với người khuyết tật, người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại sẽ là 300.000 đồng/học viên/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Đối với đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, Hà Giang sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 43/2016/TT-Bộ LĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế - xã hội...

Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 60%

Báo cáo Sở LĐTBXH cho thấy 6 tháng đầu năm tỉnh đã giới thiệu 22 doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp; 7 doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 123 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 9.400 người.

Hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động nông thôn, miền núi nhằm bắt kịp xu thế phát triển, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị giảng dạy tương xứng với quy mô, loại hình từng cơ sở đào tạo; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu đào tạo.

Thay vì việc mở rộng quy mô như trước, tỉnh chú trọng hơn vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương và theo nhu cầu của thị trường lao động để giải quyết việc làm để chuyển đổi nghề cho người lao động.

đào tạo nghề cho lao động Hà Giang

Lớp học sử dụng thuốc trong chăm sóc trâu bò, gia xúc, gia cầm tại huyện Bắc Mê (Hà Giang). Ảnh:T.H

Thực hiện mục tiêu tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 80%, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang tổ chức dạy các nghề xã hội có nhu cầu và phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, chăn nuôi gia súc gia cầm, thêu ren, khai thác chế biến khoáng sản... Sở LĐTBXH cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, liên doanh, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu: Đào tạo cho 36.000 người, trong đó sơ cấp và dưới 3 tháng 30.000 người, trung cấp 5.000 người, cao đẳng 1.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt tối thiểu 80%. Phấn đấu hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%.

Đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hà Giang được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực của thị trường; góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp 25,5%. Đào tạo mới, đào tạo lại cho khoảng 80.000 người.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem