Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 2): Nỗ lực của những thầy khèn

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 13/08/2021 10:25 AM (GMT+7)
Không chỉ đam mê, mà những người có tâm, muốn lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn còn đang nỗ lực sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật độc đáo này trong cộng đồng.
Bình luận 0

Gặp thầy của "cao nhân"

Sau gần một ngày trò chuyện cùng Lý Hồng Quân ("giảo" Quân - người được mệnh danh là "cao nhân" thổi khèn ở Pác Nặm về nghệ thuật múa khèn của người Mông, chúng tôi lên đường tìm đến thầy Hoàng Văn Tân (tại thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

Từ nhà "giảo" Quân đến nhà ông Hoàng Văn Tân cách chừng 50km. Lúc này mây đen đã bắt đầu kéo đến, trĩu cả một góc trời. Những tia sét nhằng nhịt xé mây lao vào đỉnh những ngọn núi sừng sững, tiếng sấm inh tai va vào vách đá như trút hờn.

Thầy khèn Hoàng Văn Tân đi rừng chưa về, ngôi nhà con con nằm khuất bên sườn núi ắng lặng. Phía ngoài, mưa bắt đầu xối xuống những tán cây. Chừng lúc lâu, thầy Tân xuất hiện với bó củi trên vai, toàn thân ướt nhèm.

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 2): Nỗ lực của những thầy khèn - Ảnh 1.

“Thánh khèn” Lý Hồng Quân (thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cùng học trò Dương Văn Minh tập luyện một điệu khèn khó trên núi cao. Ảnh: La Bảo Duy

Biên đạo múa La Bảo Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, ông Hoàng Văn Tân, ông Lý Hồng Quân và ông Hoàng Văn Thái đều là những người thực sự tâm huyết với nghệ thuật múa khèn của người Mông. Họ đều đang rất nỗ lực trong việc sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật múa khèn trong cộng đồng người Mông tại địa phương. Nhờ đó mà huyện Pác Nặm đang là nơi có phong trào tốt về nghệ thuật khèn của tỉnh Bắc Kạn. Nếu không có dịch Covid-19, Ngày Văn hóa dân tộc Mông Toàn quốc lần thứ 3 tại tỉnh Lai Châu được thực hiện, cả 3 ông sẽ đều tham dự.

79 tuổi, thầy Tân người thấp nhỏ nhưng đôi vai còn chắc, đôi chân còn khỏe lắm. Có lẽ những bước khèn thời trẻ trai đã giúp đôi chân của thầy chắc khỏe, ngay cả khi đã bước vào ngưỡng tuổi này.

Bản Nghè là một bản người Mông ở xã Cổ Linh, đây cũng là 1 trong 3 bản còn giữ được nghệ thuật múa khèn của người Mông ở huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn). Thầy Hoàng Văn Tân cũng chính là người đã dạy khèn cho "cao nhân" khèn Mông ở bản Pác Liển, xã Nghiên Loan là "giảo" Quân - Thánh khèn.

Ngoài trời mưa vẫn như trút nước, đẩy chén trà về phía tôi ông bảo, trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, người nam thì phải có khèn, cũng giống như người nữ thì nhất định phải có lù cở (gùi). Dù là đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì thì người chồng phải cầm khèn, người vợ thì đeo gùi đi sau.

"Nhưng từ khoảng cuối năm 1989, người Mông trên Pác Nặm này bắt đầu bỏ khèn, dù người già còn rất nhiều người biết. Sau nhiều người già chết đi, lớp trẻ không còn ai biết khèn nữa. Nếu như tôi mất nữa thì là mất hết vốn khèn bởi học khèn rất khó, lại chủ yếu học truyền tay. Tôi thuộc khoảng 80 bài khèn nhưng mới chỉ truyền lại được chưa đến nửa số bài mình thuộc"- thầy Tân ngậm ngùi.

Nói về những học trò của mình, thầy Tân khèn cho biết, có rất nhiều thế hệ đã theo ông nhưng chỉ có một vài người là học được. Trong đó có thầy Lý Hồng Quân, Hoàng Văn Lý, Hoàng Văn Thái và Dương Văn Dẻ.

Theo thầy Tân, thầy Lý Hồng Quân thì thiên về những bài múa, với những động tác khó, độc, lạ, còn học trò Hoàng Văn Lý lại thiên về những bản khèn (thổi). Hiện nay "giảo" Quân cũng vẫn đang nỗ lực truyền dạy cho các học trò của mình tại xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm).

Rễ khèn ngắn lắm

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 2): Nỗ lực của những thầy khèn - Ảnh 3.

Thầy khèn Hoàng Văn Tân, thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đang giới thiệu về sự độc đáo của cây khèn Mông của mình. Ảnh: Chiến Hoàng

Sở hữu cả một gia tài khổng lồ về các bài khèn, vậy nhưng thầy khèn Hoàng Văn Tân luôn lo lắng không có người kế thừa gia sản này. Ông bảo, giờ bọn trẻ nó không chịu học đâu. Thi thoảng kiếm được đứa theo học thì lại không vào đầu, học trước quên sau.

Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa khèn của người Mông trên non cao huyện Pác Nặm này, năm 2014, ông Hoàng Văn Tân đã thành lập CLB khèn Mông Bản Nghè. Câu lạc bộ cũng đã tập hợp được gần 20 thành viên.

"Sau thành lập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn có tặng cho CLB của chúng tôi 15 chiếc khèn, và thường xuyên thăm hỏi động viên. Cộng thêm số khèn chúng tôi có trước nữa cũng đủ để cho các thành viên CLB sử dụng.

Nhưng sau 4 năm sinh hoạt và học khèn, các thành viên CLB đa số vẫn chưa biết khèn. Cũng có người rời CLB, sau mới theo học lại. Tôi bảo, Sở đã cho bằng này khèn thì phải học không thì sau này sẽ mất hết, không còn ai biết khèn nữa đâu"- ông Tân kể.

Theo ông Tân, học khèn căn bản là điều bắt buộc, sau khi đạt được trình độ căn bản rồi, mỗi người sẽ phát triển nâng cao thêm để làm sao khi tiếng khèn cất lên, người nghe biết ngay tiếng khèn này là của ai, ông Tân hay ông Quân, ông Thái, ông Lý…?

Thầy khèn Hoàng Văn Tân mong muốn có được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật múa khèn Mông. Ông buồn khi người học ít, lại không mấy mặn mà.

"CLB giờ cũng ít người sinh hoạt hơn, một phần vì thành viên là cán bộ xã, huyện nên bận công việc, học sinh thì đi học, thanh niên thì đi làm công nhân cho các công ty.

Không biết về sau, người Mông ở Pác Nặm này còn giữ được khèn không nữa. Rễ cây dài chứ rễ khèn thì ngắn lắm. Người biết khèn cũng không còn được mấy ai", nhấp chén trà, thầy khèn Hoàng Văn Tân thở dài. Chúng tôi rời nhà thầy Tân khi tiếng khèn vẫn còn chưa dứt, ông vẫn mê mải ngồi bên bậu cửa chỉnh khèn. Câu nói của Chủ nhiệm CLB khèn Mông Bản Nghè đã thúc giục bước chân chúng tôi mau mắn xuống núi để tìm câu trả lời, liệu "rễ khèn có ngắn?" như câu nói rút ruột của thầy khèn Hoàng Văn Tân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem