Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Tăng vọt

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 15/01/2023 08:07 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Đảo ngược đà lao dốc sốc của tuần trước, giá xăng dầu tuần này bật tăng hơn 8%. Giá dầu Brent vượt mức 85 USD/thùng, giá dầu WTI tiến sát mức 80 USD/thùng. Trong nước, sức ép tăng giá xăng dầu vẫn hiện hữu khi giá xăng nhập không có dấu hiệu suy giảm.
Bình luận 0

Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc và đồng USD mất giá trong bối cảnh nguồn cung dầu có nguy cơ thắt chặt hơn đã đẩy giá dầu thô tuần này tăng mạnh, tới hơn 8%.

Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Giá dầu thô tăng hơn 8%, Brent lên vượt mức 85 USD/thùng

Giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 và mở cửa nền kinh tế.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 9/1 với xu hướng tăng sau tuần lao dốc mạnh nhờ đồng USD suy yếu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu được cải thiện khi kinh tế toàn cầu được dự báo đã thoát nguy cơ suy thoái.

Cụ thể, JP Morgan nhận định về việc kinh tế toàn cầu không có nguy cơ suy thoái nhờ lạm phát giảm mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng. JP Morgan cũng dự báo giá dầu Brent đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023.

Trước đó, Reuters cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát riêng đối với 30 nhà kinh tế, phân tích được thực hiện vào cuối năm 2022 về giá dầu. Theo đó, kết quả cho thấy các ý kiến nhất trí cao là mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2023 sẽ là 89,37 USD/thùng.

Thị trường cùng kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc lãi suất và tìm được điểm dừng trong thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023 khi các dữ liệu kinh tế về việc làm, bảng lương… cho thấy nền kinh tế nước này vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,3% trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 3% của năm 2022. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô, sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo dự báo của S&P, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể đạt mức 15,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 700.000 thùng so với năm 2022.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đưa dự báo tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 102,2 triệu thùng nhờ tăng cường nhu cầu từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Quốc đã điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho năm 2023. Quốc gia này sẽ nâng tổng hạn ngạch năm nay thêm 20% so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Tăng vọt  - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Giá dầu thô tăng hơn 8%, Brent lên vượt mức 85 USD/thùng

Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại trong phiên 11/1 khi thị trường dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất trong năm 2023 trong thực hiện chính sách tiền tệ và là nhiệm vụ ưu tiên chính của Fed, bất chấp tác động tiêu cực của nó đối với các đợt tăng lãi suất.

Thông điệp trên của Fed đã dấy lên lo ngại cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất để hướng mực tiêu hạ nhiệt lạm phát. Điều này đồng nghĩa với áp lực chi phí đối với các hoạt động kinh tế sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, lo ngại này nhanh chóng bị lấn át bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng mạnh khi Trung Quốc mở trở lại nền kinh tế.

Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi niềm tin của giới đầu tư vào khả năng lạm phát Mỹ hạ nhiệt, tạo cơ sở để Fed xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ở diễn biến khác, thị trường dầu thô cũng dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tác động từ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là áp trần với giá dầu thô Nga sẽ lớn hơn các dự báo.

Trước đó, Nga đã lên kế hoạch về việc cắt giảm sản lượng từ 5-7% sản lượng.

Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu cũng bị kiềm chế bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát đi, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 6/1 đã tăng tới 19 triệu thùng, mức tăng lớn thứ 3 theo tuần kể từ trước đến nay và cao nhất kể từ mức tăng kỷ lục 21,6 triệu thùng được thiết lập vào hồi tháng 2/2021. 

Đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế bởi lo ngại các quả “bom nợ” có thể đè nặng lên bức tranh tài chính, kinh tế toàn cầu.

Động lực tăng của giá dầu tiếp tục gia tăng khi các dữ liệu kinh tế làm tăng kỳ vọng Fed giảm tốc tăng lãi suất. Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động nước này công bố, lạm phát Mỹ tháng 12/2022 được ghi nhận đúng như dự báo được đưa ra trước đó, và giảm mạnh so với tháng 11/2022. Đây được nhận định là cơ sở để Fed giảm tốc lãi suất. Cụ thể, theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 12/2022 của nước này là 6,5%, giảm đáng kể so với mức tăng 7% của tháng 11/2022.

Giới phân tích cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế toàn cầu đã qua và giờ là giai đoạn tăng trưởng mới. Quá trình này sẽ được thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn khi nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ cân nhắc lại lộ trình lãi suất.

Giá dầu cũng được thúc đẩy khi thị trường dầu thô đang xuất hiện nhiều dự báo về việc OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa vào cuộc họp chính sách vào tháng 2 nhằm nâng giá dầu.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,07 USD/thùng, tăng 1,68 USD trong phiên. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 85,37 USD/thùng, tăng 1,34 USD trong phiên. 

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế là động lực chính của giá dầu trong tuần qua, trong khi số liệu lạm phát khả quan hơn cũng làm gia tăng sự lạc quan về kinh tế Mỹ hoặc hạ cánh mềm hoặc suy thoái nhẹ. Việc đồng USD xuống giá cũng có thể là yếu tố góp phần đưa giá dầu tăng.

Các chuyên gia cho rằng khối lượng giao dịch tăng trước triển vọng nhu cầu của Trung Quốc phá kỷ lục cũng như khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong tháng 2/2023.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ 15h ngày 11/1. Tại kỳ điều hành chiều 11/1, xăng E5 vẫn giữ nguyên giá bán lẻ hiện hành, ở mức 21.352 đồng/lít; xăng A95 cũng giữ nguyên mức giá bán lẻ hiện hành ở mức 22.154 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 517 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành ở mức 21.634 đồng/lít; dầu hoả giảm 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành về mức 21.809 đồng/lít; dầu mazut giảm 374 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành về mức 13.366 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 15/1: Tăng vọt  - Ảnh 2.

Kỳ điều hành xăng dầu ngày 21/1, trùng vào ngày nghỉ Tết Quý Mão (tức 30 tháng Chạp) nên theo quy định sẽ được lùi sang 1/2.

Kỳ này, nhà điều hành thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít (như kỳ trước), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích lập).

Thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 ở mức 121 đồng/lít; xăng A95 ở mức 103 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 15/1 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.352 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 802 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.154 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 21.634 đồng/lít (giảm 517 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 21.809 đồng/lít (giảm 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.366 đồng/kg (giảm 374 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Liên Bộ Công Thương-Tài chính cho biết, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới.

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh; nhu cầu khí đốt tại Hoa Kỳ và châu Âu có xu hướng giảm; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu…

Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.

Được biết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 1/2, thay vì 21/1 như quy định, do trùng vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

Chiều 13/1, xác nhận với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 1/2 thay vì ngày 21/1 như thường lệ.

Lý do, theo quy định của Nghị định 95/2021, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được diễn ra vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.

Trong trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

"Kỳ điều hành xăng dầu ngày 21/1, trùng vào ngày nghỉ Tết Quý Mão (tức 30 tháng Chạp) nên theo quy định sẽ được lùi sang 1/2", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Tại cuộc họp tìm phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2023 và đề xuất sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 2023.

Kịch bản thứ nhất tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 ngàn m3, tấn.

Kịch bản thứ hai tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 ngàn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Do đó, nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường.

Cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3 - 1,4 GDP. Điều này cho thấy, con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, ông Diên cho rằng cần phải có phương án thứ hai để chủ động trong mọi tình huống. Phương án này phải cao hơn phương án thứ nhất, tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.

Trong nước, sức ép tăng giá xăng vẫn hiện hữu khi giá xăng nhập không có dấu hiệu suy giảm. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức cao trên 90 USD/thùng, thậm chí đã có thời điểm tăng mạnh lên 98 USD/thùng.

Trong thời gian qua, giá dầu thô đã có lúc giảm xuống vùng giá 70 USD/thùng nhưng giá xăng nhập đã không giảm tương ứng. Vì điều này, vào kỳ điều chỉnh ngày 11/1, giá xăng trong nước đã đi ngang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem