Giá lợn hơi toàn quốc đang chững lại

02/08/2022 17:47 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 2/8 chỉ giảm nhẹ ở một vài tỉnh và dao động trong khoảng từ 62.000 – 69.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 2/8, toàn quốc đang chững lại

Giá lợn hơi hôm nay 02/08/2022, chỉ một vài tỉnh giảm nhẹ. Giá lợn hơi tại một số tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Hậu Giang giảm 1.000-3.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại đứng giá, cả nước xoay quanh mức 62.000-69.000vnđ/kg.

Giá lợn hơi CP miền Bắc cũng chỉ còn đứng ở mức 68.000 đồng/kg; lợn hơi CP tại miền Trung, miền Đông, miền Tây đứng ở mức 66.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hiện đứng ở mức 74.700 đồng/kg, giảm nhẹ gần 1 giá.

Giá lợn hơi toàn quốc đang chững lại - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày 2/8, toàn quốc đang chững lại.

Giá lợn hơi toàn quốc đang chững lại - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 2/8 chỉ giảm nhẹ ở một vài tỉnh và dao động trong khoảng từ 62.000 – 69.000 đồng/kg.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg tại một vài nơi và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh Yên Bái, Nam Định và Ninh Bình cùng giảm 1.000 đồng/kg và đang được thu mua ở mức 66.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại giá lợn hơi hiện dao động quanh mốc trung bình là 67.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang, mức giá thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm cao nhất 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi hạ nhẹ một giá, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và Khánh Hòa thương lái hiện đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg. Cùng giảm 2.000 đồng/kg, tại Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Quảng Bình giá lợn hơi xuống mức tương ứng lần lượt là 62.000 đồng/kg, 65.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 68.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Định và Bình Thuận.

Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg.

Thương lái tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Bến Tre cùng giảm nhẹ giá lợn hơi 1.000 đồng/kg xuống còn 63.000 - 65.000 đồng/kg. Theo đó, cùng giảm 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bình Phước và Bình Dương hiện đang thu mua lợn hơi tương ứng là 63.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Tỉnh Tây Ninh ghi nhận mức giảm cao nhất 5.000 đồng/kg về mức 62.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. An Giang hiện là địa phương ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 68.000 đồng/kg.

Nguồn cung thịt lợn của Việt Nam vẫn dồi dào 

7 tháng đầu năm 2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%, đàn bò tăng 2,6%. Sản lượng thịt cả năm dự kiến đạt 7 triệu tấn, trứng 18,4 tỷ quả, sữa 1,3 triệu tấn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ vắc xin dịch tả lợn châu Phi, theo đó, giúp đẩy mạnh tốc độ tái đàn lợn trên phạm vi cả nước, phấn đấu tổng số lợn giết mổ cả năm vượt mức 51 triệu con của năm 2021. Do đó, sẽ không thiếu nguồn cung mặt hàng thịt lợn, từ giờ đến Tết Nguyên đán.

Giá lợn hơi toàn quốc đang chững lại - Ảnh 3.

Giá bán thịt lợn tại chợ dân sinh và một số cửa hàng tiện lợi hôm nay vẫn có điều chỉnh tăng nhẹ.

Việc vận chuyển lợn qua biên giới đang được kiểm soát chặt hơn, tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong nước duy trì ở mức 4,8% nên nguồn cung đảm bảo. Do đó, giá lợn hơi đang dần hạ nhiệt về mức dưới 70.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, đây là mức chấp nhận được, không quá thấp cũng không quá cao, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi.

Các Bộ ngành liên quan đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… đồng bộ các giải pháp để cố gắng kiềm chế, điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. Từ đó, đưa giá thành thực phẩm thịt lợn về mức hợp lý, không chênh lệch quá nhiều giữa giá từ chuồng tới chợ. Như vậy, người tiêu dùng có thể chấp nhận và người chăn nuôi được hưởng lợi, đồng thời không để giá thịt lợn ảnh hưởng tới chỉ số CPI nói chung trong rổ thực phẩm.

Khu vực biên giới đã được siết chặt để lợn không vận chuyển lậu qua biên giới như trước, nhưng việc mổ hay vận chuyển lợn mảnh sang Trung Quốc vẫn xảy ra. Do vậy, cùng với thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn, các cơ quan chức năng cho biết, sẽ tăng cường rà soát kiểm tra ở các tỉnh biên giới để vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo được nguồn cung thịt lợn trong nước ổn định.

Năm 2021, sản lượng thịt các loại nói chung đạt 6,69 triệu tấn. Tính đến hết tháng 7/2022, đàn lợn vẫn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; đàn trâu hàng năm giảm 2,5% nhưng năm nay chỉ giảm 1,1%. Dự kiến năm nay cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỷ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa.

Như vậy, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay khi giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chúng ta vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt là ở thời điểm Tết Nguyên đán.

Đánh giá của cơ quan chức năng, chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho trang trại nuôi lợn.

Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn một số địa phương khiến việc chăn nuôi của người dân cũng gặp khó khăn. Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu hành thương mại loại vaccine này. Thành công trên có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 với khoảng 3,4 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.

Nói về quý III, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dự đoán sản lượng thịt gia súc và gia cầm sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110.000 tấn (tăng 3,4%); sản lượng thịt trâu đạt hơn 28.000 tấn (tăng 2,6%); sản lượng thịt lợn đạt hơn 1 triệu tấn (tăng 4,7%), sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476.000 tấn (tăng 5,7%).

Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam dồi dào, nên dù giá lợn hiện có tăng lên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục