Giá gia cầm hôm nay 2/5: Giá sản phẩm thấp, tiêu thụ khó, doanh nghiệp gia cầm tự cứu mình như thế nào?

Thứ ba, ngày 02/05/2023 10:09 AM (GMT+7)
Khảo sát giá gia cầm hôm nay 2/5 tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp có dấu hiệu tăng nhẹ. Do giá sản phẩm đầu ra quá thấp, tiêu thụ khó khăn, các doanh nghiệp gia cầm phải xoay đủ kiểu để "tự cứu mình" không bị phá sản.
Bình luận 0
Giá gia cầm hôm nay 2/5: Giá sản phẩm thấp, tiêu thụ khó, doanh nghiệp gia cầm tự cứu mình như thế nào? - Ảnh 1.

Cập nhật giá gia cầm hôm nay, chúng tôi thấy giá vịt thịt không có biến động. Ảnh: HĐ

Giá vịt hôm nay không có biến động

Theo các thương lái, giá các mặt hàng vịt thịt hôm nay vẫn chững, giá vịt bơ bán tại các trại ở các vùng miền Bắc vẫn chỉ quanh mức 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Tại các vùng phía Nam, giá vịt siêu thịt (vịt hơi) dao động từ 40.000 đồng đến 41.000 đồng/kg.

Giá vịt xiêm bán tại các vùng duy trì ở mức trên dưới 65.000 đồng/kg.

Giá vịt siêu đẻ thải loại bán buôn từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng/con.

Giá vịt trời có trại ở Ninh Bình, Hà Nam... bán trên 80.000 đồng/con.

Giá ngan trắng thịt bán từ 67.000 đồng đến 72.000 đồng/con.

Giá vịt Xín Chéng bán tại các vùng ở Lào Cai khoảng trên 80.000 đồng/kg.

Giá gà công nghiệp tăng nhẹ

Sau mấy ngày giảm giá, giá gà công nghiệp lông trắng hôm nay có dấu hiệu tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg.

Giá gà trắng bán tại các trại ở các vùng miền Bắc tăng lên 31.000 đồng/kg.

Theo các chủ trại, sau thời gian nghỉ lễ, các đầu mối bếp ăn công nghiệp, nhà hàng... bắt đầu nhập hàng nhiều trở lại nên giá gà sẽ tăng dần.

Giá gia cầm hôm nay 2/5: Giá sản phẩm thấp, tiêu thụ khó, doanh nghiệp gia cầm tự cứu mình như thế nào? - Ảnh 3.

Giá gà công nghiệp hôm nay tăng nhẹ. Ảnh: HĐ

Trong khi đó, giá gà lông màu bán ở các vùng vẫn ở mức khá thấp. Tại các vùng Bình Phước, Đồng Nai... có trại chỉ bán được trên 47.000 đồng/kg.

Giá gà ta thả vườn bán tại các vùng vẫn chỉ ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp gia cầm phải "tự cứu mình" khỏi phá sản

Để thoát khỏi khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco cho biết, trong năm 2023, công ty sẽ khai thác đa kênh phân phối, từ truyền thống đến hiện đại chứ không tập trung vào siêu thị.

Ông So lý giải chi phí vào siêu thị rất cao, có những siêu thị đòi chiết khấu 30-40% trong khi người sản xuất ra còn không được 30-40% lợi nhuận. Hoặc có siêu thị muốn lấy sản phẩm của Dabaco rồi đóng tên sản phẩm của siêu thị nên công ty không làm.

“Dabaco sẽ không bỏ kênh siêu thị nhưng chỉ chấp nhận mức chiết khấu tối đa là 18-21% thì mới bán. Dabaco có phát triển một số kênh tiêu thụ như chợ truyền thống, thương mại điện tử, bếp ăn công nghiệp, các tòa nhà nhằm tiết giảm chi phí và phân phối sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình, chúng tôi đi có thể chậm lại nhưng phải vững, chắc và hiệu quả”, ông So khẳng định.

Cùng trong cơn bĩ cực của ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp gia cầm quy mô vừa và nhỏ lại có một cái kết thê thảm hơn. Ông Bùi Đức Huyên, Tổng giám đốc CTCP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết doanh nghiệp chủ yếu nuôi dòng gà ri lai 95-100 ngày, cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp.

Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, nhu cầu tiêu thụ từ các khu công nghiệp giảm 30-40%, du lịch giảm 80% khiến công ty buộc phải thu hẹp quy mô chăn nuôi tới 90%, tổng đàn gia cầm giảm từ 4 triệu con vào năm 2021 xuống còn 400.000 con vào quý I năm nay.

Công ty Việt Tín tự chủ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thành với loại dòng gà này khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg, tuy nhiên giá bán ra cao nhất được 47.000 đồng/kg, thậm chí giai đoạn rơi xuống 35.000 đồng/kg.

“Chi phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, kèm theo các khoản lãi ngân hàng, vận tải, khâu phân phối, trung gian đã ăn hết lợi nhuận của người chăn nuôi.

Chúng tôi đã phải bán đi hai nhà máy gần 80 tỷ để bù lỗ, nếu tình trạng này kéo dài thêm 6 tháng, có thể chúng tôi sẽ phá sản”, ông Huyên nói.

Ông Huyên cho biết thêm, Việt Tín cũng ý thức rằng phải tiếp cận khách hàng trực tiếp mới có thể gia tăng lợi nhuận, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều có lợi.

"Trong giai đoạn khó khăn, công ty cũng phải “tự cứu mình” bằng tái cơ cấu, thu hẹp quy mô gà ri tới 90% và tập trung phát triển thêm dòng sản phẩm gà thảo dược, gà đặc sản. Công ty dự kiến sẽ làm thương hiệu cho dòng gà thảo dược và đi vào ngách khách hàng cao cấp, nâng dần quy mô theo nhu cầu thị trường", ông Huyên tiết lộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem