Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 6): Quả ngọt lẫn trái đắng

Trần Quang Thứ bảy, ngày 21/08/2021 10:28 AM (GMT+7)
Trong quá trình giao dịch mua bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nhiều doanh nghiệp, nông dân đã thành công, có thu nhập cao nhưng cũng có không ít người, đơn vị nếm phải "trái đắng" vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Bình luận 0

Thiệt hại nặng vì thiếu kiến thức

Từng là doanh nghiệp xây dựng nhỏ ở Hà Đông (Hà Nội) nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, đơn vị của chị Phạm Thị Phương phải cắt giảm nhiều nhân viên và chuyển sang kinh doanh nông sản để cầm cự. Thời gian đầu, mọi việc kinh doanh thịt lợn, gà, rau, quả qua mạng xã hội khá thuận lợi, lợi nhuận đạt được khá cao. 

"Dù mới làm nhưng chúng tôi đã kết nối và cung cấp được hàng trăm đơn hàng lớn, nhỏ ở các xã, huyện trên địa bàn thành phố. Nhờ thế mà thu nhập của đơn vị tăng đáng kể" - chị Phương cho hay.

Tuy nhiên sau vài tháng đi vào hoạt động, do quá tin tưởng các đầu mối nhập hàng, đơn vị của chị đã bị các đối tác qua mặt cung cấp nhiều mặt hàng kém chất lượng khiến hàng loạt các đơn hàng bị khách trả về, thiệt hại lên đến hàng chục triệu đồng. 

Đáng nói hơn là sau khi sự việc trên xảy ra, nhiều khách hàng thân quen còn đăng thông tin "bóc phốt" đơn vị của chị lên các trang mạng xã hội khiến doanh nghiệp càng lâm vào cảnh đường cùng hơn.

 "Tổn thất về tiền bạc không nhiều nhưng chúng tôi đã bị mất lòng tin của khách hàng, mất luôn thương hiệu" - chị Phương ngậm ngùi.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 6): Quả ngọt lẫn trái đắng - Ảnh 1.

Chị Trịnh Kim Thư - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens livestream dạy bán hàng và kinh doanh sản phẩm online qua mạng xã hội. Ảnh: T.Q

Chị Trịnh Kim Thư cho rằng, để livestream bán hàng hiệu quả, bên cạnh việc bán các mặt hàng chất lượng cao, giá cạnh tranh, người livestream nên dẫn, nói chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng, tương tác tự nhiên sẽ nhanh lấy được cảm tình của người xem, thu hút được nhiều khách mua hàng.

Chị Liên Hồ - một chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đang phải nếm trái đắng từ mạng xã hội. 

Từng là người có kinh nghiệm nhiều năm bán gia cầm thương phẩm qua mạng xã hội giúp gia đình có nguồn thu nhập khá. 

Tuy nhiên, mới đây, chị Liên Hồ đặt mua 1.000 vịt giống qua một tài khoản mạng xã hội ở Hà Nội trị giá khoảng 10 triệu đồng.

Do thiếu hiểu biết và quá tin người, trong quá trình mua bán con giống, chị Liên Hồ không kiểm chứng thông tin cá nhân người bán, mua hàng không lấy hóa đơn... Khi chị đưa con giống về nhà nuôi khoảng 20 ngày mới biết mình bị người bán tráo hàng vịt giống kém chất lượng thì đã quá muộn.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 6): Quả ngọt lẫn trái đắng - Ảnh 3.

Chị Liên Hồ nếm trái đắng vì mua vịt giống kém chất lượng trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

 "Vừa tiền mua con giống, tiền cám, thiết bị đầu tư vào chăn nuôi khoảng trên dưới 20 triệu đồng nhưng liên hệ lại với người bán thì tôi lại bị họ chặn số điện thoại, chặn cả tài khoản mạng xã hội. Bức xúc quá" - chị Liên Hồ buồn rầu nói.

Muốn giỏi phải học

Mới lấn sân sang kinh doanh online nhưng chị Trịnh Kim Thư - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens đã khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Thời gian này, vừa cùng nhân viên tham gia viết content (viết bài đăng), livestream bán sản phẩm trà xạ đen trên Facebook, chị Thư vừa kết hợp dạy kinh doanh online cho nhóm học viên trên 2.500 người tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Trước đây khi chưa xuất hiện đại dịch, đa phần sản phẩm trà xạ đen MD Queens được phân phối trực tiếp tại các cửa hàng, điểm bán hàng OCOP ở Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến giờ, MD Queens đã chủ động chuyển sang kinh doanh online.

Theo chị Thư, bán hàng online hiện nay rất tiện ích, bởi nhiều người dùng điện thoại thông minh họ sẽ trực tiếp tìm kiếm sản phẩm, nếu ưng ý họ sẽ chọn mua. Do vậy, sản phẩm kinh doanh thời Covid-19 vẫn không sụt giảm.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens cho hay: Việc giao dịch trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tại các nước phát triển trên thế giới rất phổ biến nhưng tại Việt Nam, phương thức bán hàng này còn khá mới mẻ. Tuy vậy, mấy năm gần đây, nhất là từ khi xuất hiện đại dịch, các giao dịch trên mạng ở nước ta mới nở rộ hơn.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 6): Quả ngọt lẫn trái đắng - Ảnh 4.

Chị Trịnh Kim Thư - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens chia sẻ bí quyết bán hàng và kinh doanh sản phẩm online qua mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

"Nếu như trước đây, đối tượng giao dịch mua bán trên mạng đa phần là các bạn trẻ thì nay nhiều người trung niên, cao tuổi từ thành thị đến nông thôn cũng tham gia rất nhiều. Qua đó giúp "chợ ảo" càng sôi động tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, hiệu quả hơn" - chị Thư chia sẻ.

Tuy nhiên cũng theo chị Thư, bên cạnh những ưu điểm, mạng xã hội cũng giống như con dao hai lưỡi có thể gây hại cho người mới vào, nhưng đối tượng thiếu kiến thức, kinh nghiệm.

Chị Thư dẫn chứng thêm, hiện nay trên thị trường online có rất nhiều, đa dạng các sản phẩm từ thực phẩm, dược phẩm, thời trang... 

Trong đó cũng có nhưng mặt hàng có thương hiệu, có chất lượng cao nhưng cũng không ít những hàng giả, kém chất lượng. 

Chính vì thế, để thu hút được khách hàng mua sản phẩm của mình thường xuyên thì các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, bán hàng phải xây dựng được thương hiệu, tạo uy tín, lòng tin với đối tượng khách hàng của mình.

"Tôi đang xây dựng chuỗi đào tạo bán hàng online miễn phí cho các thành viên trong nhóm của mình qua đó vừa để tạo lòng tin, vừa để xây dựng thương hiệu, quảng bá, lan tỏa sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp đến với mọi người, với cộng đồng. Vì tôi nghĩ những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim" - chị Kim Thư bộc bạch. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem