Doanh nghiệp Hà Lan muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 06/07/2022 18:58 PM (GMT+7)
Hà Lan hiện là đối tác EU có đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với gần 400 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp lớn của Hà Lan như De Heus đã coi thị trường Việt Nam như "sân nhà" của mình tại khu vực châu Á.
Bình luận 0

Doanh nghiệp Hà Lan muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ NNPTNT, Hà Lan hiện là đối tác EU có đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với gần 400 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: Sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 14 năm, ông nhận thấy cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngày càng tốt. Hiện Công ty TNHH De Heus Việt Nam đang có 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, trong đó riêng vùng ĐBSCL có 7 nhà máy.

Doanh nghiệp Hà Lan muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Quy hoạch là cơ hội rất tốt cho ĐBSCL phát triển đúng hướng, bền vững. Nếu tiếp tục đi đúng hướng theo như quy hoạch tổng thể, đầu tư thêm một số cảng biển và hạ tầng logistics, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tận dụng cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp ở ĐBSCL tốt hơn. Đối với người nông dân, nếu họ thấy việc nào tốt thì họ sẽ làm theo, như bảo vệ môi trường, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tìm cơ hội phát triển, xuất khẩu…" - ông Gabor nói.

"Việc công bố quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy rõ được chiến lược lâu dài. Khi họ chọn địa điểm đầu tư sẽ biết được kế hoạch trung hạn, dài hạn ra sao. Cái rủi ro lớn nhất của một doanh nghiệp là khi đầu tư lớn mà họ không biết 5 - 10 năm sau nơi đó sẽ như thế nào. Vì vậy, có quy hoạch tổng thể rồi thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc rót vốn vào ĐBSCL", ông Gabor Fluit nói.

Cũng tại hội nghị này, bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam nhận định đồng bằng Hà Lan và ĐBSCL đều dễ bị tổn thương, cùng đối mặt với nhiều thách thức tương tự nhau. Hà Lan cam kết tiếp tục đồng hành, chung tay vì một tương lai tươi sáng của ĐBSCL.

"Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, chúng tôi khuyến nghị nên làm theo nguyên tắc một mặt là thuận thiên và phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, mặt khác lấy nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường làm nguyên tắc hàng đầu. Trên thực tế, tại tất cả các vùng sinh thái ở ĐBSCL, các công ty Hà Lan đã và đang làm việc với nông dân Việt Nam về các mô hình canh tác mới bền vững như nuôi tôm bền vững, nông nghiệp nước mặn và trồng cây ăn trái.

Thứ hai, chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua tái trồng rừng ngập mặn kết hợp, ví dụ như trồng rừng cùng với nuôi cua hoặc ngao, nuôi tôm… phù hợp với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, lưu trữ carbon và bảo vệ bờ biển..." - bà Elsbeth Akkerman chỉ rõ.

Doanh nghiệp Hà Lan muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan Elsbeth Akkerman cho biết, các công ty Hà Lan đã và đang làm việc với nông dân Việt Nam về các mô hình canh tác mới bền vững như nuôi tôm bền vững, nông nghiệp nước mặn và trồng cây ăn trái. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Cam kết của chúng tôi cũng có nghĩa là cùng nhau hợp tác phát triển các trung tâm vận tải, hậu cần và kinh doanh nông sản. Dự án Cảng biển nước sâu Cái Mép Hạ và trung tâm logistics trị giá 1 tỷ Euro do liên doanh Việt Nam - Hà Lan - Bỉ phát triển sẽ là một "viên gạch" quan trọng để xây dựng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu cho tôm và trái cây từ ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác về phát triển cảng, phát triển chuỗi kho lạnh, năng lực bảo quản cũng như cải thiện năng lực đường thủy nội địa, vận tải thủy nội địa và đào tạo thủy thủ đoàn" - bà Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Hà Lan muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 4.

Đoàn công tác Tập đoàn De Heus (Hà Lan) thăm vùng nuôi cá tra tại DDBSCL. Ảnh: T.L

Trước đó, làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi trồng và xuất khẩu cá tra lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, khâu sản xuất con giống vẫn còn nhiều điểm nghẽn, khiến cho chuỗi giá trị ngành hàng chưa phát huy hết lợi thế.

Do đó, Công ty TNHH De Heus mong muốn thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. Dự kiến dự án có tổng diện tích khoảng 26,8ha.

EuroCham là Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là một trong những tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Hiệp hội được thành lập vào năm 1998 để giúp phát triển Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư và đối tác thương mại hấp dẫn cho doanh nghiệp châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem