Đây là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Đông Nam Á, giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam tọa lạc bên bờ biển Bình Thuận

Thứ sáu, ngày 22/03/2024 16:43 PM (GMT+7)
Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) là ngọn hải đăng cổ nhất, cao nhất Việt Nam và là một địa danh lịch sử văn hóa, thắng cảnh du lịch sinh thái biển nổi tiếng ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Ngọn hải đăng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Chnavat, hoàn thiện vào năm 1899 và sở hữu kiến trúc độc đáo, tinh tế từ hình bát giác. 

Hải đăng Kê Gà được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất cả nước (65m) với gần 200 bậc thang, tầm quét sáng 22 hải lý. 

Đây cũng là ngọn hải đăng có tuổi đời lớn nhất Đông Nam Á, đã tồn tại hơn 100 năm. Từ khi đi vào sử dụng, hải đăng Kê Gà là điểm dẫn đường có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho thuyền bè qua lại ở khu vực biển phương Nam.

Nét đặc biệt trong thiết kế xây dựng ngọn hải đăng này là không chỉ dùng những viên đá bình thường có 4 góc mà tất cả khối đá hoa cương dùng xây hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, hình chữ nhật phẳng. 

Khi xây dựng chỉ cần lắp đặt vào đúng thứ tự, góc cạnh từ dưới lên trên và không cần sử dụng vữa kết dính nhiều mà các phiến đá vẫn khít, bền vững.

Đây là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Đông Nam Á, giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam tọa lạc bên bờ biển Bình Thuận- Ảnh 1.

Với “độ tuổi” trên 100 năm, hải đăng Kê Gà là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng xác nhận đây là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam. Hải đăng Kê Gà tọa lạc bên bờ biển huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận- Ảnh: Tạp chí Thời đại Việt Nam.

Bên trong ngọn hải đăng mũi Kê Gà có 183 bậc thang xoắn ốc được làm bằng thép dẫn lên đỉnh cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đỉnh đèn, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mà không nhiếp ảnh gia nào có thể bỏ qua khi chiêm ngưỡng.

Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Kê Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu. Với nhiều bãi đá ngầm, ghềnh xoáy, biển Bình Thuận - La Gi từng bị coi là nỗi kinh hoàng của người đi biển xưa. 

Có rất nhiều thuyền buôn, thuyền ngư dân qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải trong hành trình khai thác thuộc địa của người Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, chính quyền thuộc địa Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng hải đăng Kê Gà. 

Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa trang - nơi yên nghỉ của những người đã mất - khi xây dựng công trình này.

Được xem là ngọn hải đăng “nhiều tuổi” nhất Việt Nam và Đông Nam Á, hải đăng Kê Gà (thuộc bờ biển huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) không chỉ là công trình hàng hải phục vụ việc đi lại trên biển quanh khu vực mũi Kê Gà được an toàn hơn mà còn là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ, đặc sắc giữa "bảo tàng" thiên nhiên mênh mông. 

Hàng trăm năm trôi qua, trải qua khói lửa chiến tranh, đối đầu với bao lần bão tố, ngọn hải đăng cổ vẫn hiên ngang, sừng sững trên mặt biển, là “mắt biển” dẫn đường cho bao thủy thủ vượt hiểm nguy, như một ngọn lửa niềm tin tồn tại bất diệt trong trái tim ngư dân Việt.

Nhìn từ trên cao, hải đăng Kê Gà có dáng đứng mạnh mẽ, nổi bật giữa vùng biển rộng lớn và thơ mộng. Dưới bàn tay của mẹ thiên nhiên, hòn đảo - nơi xây dựng ngọn hải đăng còn sở hữu hàng trăm ghềnh đá với màu sắc phong phú và hình thù độc đáo nằm xếp chồng lên nhau vô cùng ngoạn mục. 

Sắc xanh ngọc của biển, màu vàng của những phiến đá hoa cương và màu xanh lá dịu mát của những hàng cây trên đảo tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, yên bình và đầy quyến rũ.

Thanh Trà (tổng hợp) (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem