"Đầu tư mạng lưới điện, đừng như bày ra "mâm cỗ" nhưng không thể ăn"

Thanh Phong Thứ năm, ngày 06/01/2022 16:33 PM (GMT+7)
Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 6/1, kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, theo phân tích của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc sửa đổi Luật Điện lực cần có khái niệm rõ ràng cho mọi quy định.
Bình luận 0

Xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu tư mạng lưới điện

Theo ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), hiện tại, vấn đề bất cập của Luật Điện lực nằm ở chỗ quy định cho phép tư nhân xây dựng nhà máy nhưng nhà nước độc quyền truyền tải. Trong nhiều trường hợp chưa kịp xây dựng hệ thống truyền tải kết nối với các nhà máy do tư nhân xây dựng dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp xin phép triển khai đoạn đường để đấu nối nhưng không làm được vì quy định độc quyền. Tình trạng có nhà máy mà không thể kết nối rất lãng phí, bất cập, cần phải có biện pháp tháo gỡ. Nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư lưới điện kết nối từ nhà máy do tư nhân đầu tư tới mạng lưới điện quốc gia. Do đó, cần tạo cơ chế cho tư nhân xây dựng lưới điện", vị ĐBQH này cho hay.

Doanh nghiệp này đầu tư mạng lưới điện, doanh nghiệp khác có được đấu nối vào? - Ảnh 1.

ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Ngô Trung Thành. (Ảnh: Thanh Phong)

Ngoài ra, cũng theo ĐBQH Ngô Trung Thành, vì bất cập trên, nhiều nhà máy không thể chạy hết công suất do dung lượng đấu nối quá thấp.

"Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh như hiện tại điện lúc nào cũng thiếu. Chúng ta luôn cần đảm bảo an ninh năng lượng. Để đảm bảo tính khả thi, tôi rất băn khoăn quy định hiện tại liệu có khả thi? Đưa ra quy định này chỉ cho phép các thành phần kinh tế ngoài nhà nước xây dựng mạng lưới truyền tải điện. Tuy nhiên, việc tham gia như thế nào quy định cụ thể vẫn chưa rõ?!", ông Thành nêu vấn đề.

Cụ thể, ông Thành dẫn chứng từ dự thảo sửa đổi Luật Điện lực: "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ".

"Theo tôi, nội dung này cần phải cân nhắc, mọi mạng lưới truyền tải điện phải theo quy hoạch. Thậm chí tư nhân làm càng phải theo quy hoạch. Vấn đề phải làm rõ, chỗ nào nhà nước làm, chỗ nào tư nhân làm, phải rõ ràng, minh bạch.

Không rõ khi các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng mạng lưới điện, quyền và nghĩa vụ sẽ thế nào? Ví dụ khi một doanh nghiệp đầu tư đường truyền tải, các doanh nghiệp khác có được đấu nối vào không? Vì theo quy định (trong dự thảo – PV) nhà nước không vận hành các hệ thống truyền tải do tư nhân đầu tư", ĐBQH Ngô Trung Thành nhấn mạnh.

Đảm bảo an ninh trong trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài

Bên cạnh vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư, nói về việc sửa đổi Luật Điện lực, ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) nhấn mạnh thêm về việc đảm bảo an ninh quốc gia.

"Chúng tôi đồng tình quan điểm cần sửa đổi vai trò của tư nhân, nguồn lực xã hội trong việc xây dựng mạng lưới truyền tải điện. Trên thực tế, chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn trong việc để tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải phù hợp với sự phát triển nóng của năng lượng tái tạo", ĐBQH tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Doanh nghiệp này đầu tư mạng lưới điện, doanh nghiệp khác có được đấu nối vào? - Ảnh 2.

ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Trần Tuấn Anh. (Ảnh: VPQH)

Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Tuấn Anh, theo báo cáo thẩm tra có một số vấn đề như chưa có quy định cụ thể về việc vận hành mạng lưới điện do tư nhân đầu tư và nhà nước quản lý. Trong đó, vấn đề cơ bản là đảm bảo an ninh của hệ thống.

"Một số nước láng giềng trong khu vực có mạng lưới của nhà đầu tư nước ngoài, trong quá trình vận hành đã xảy ra các vấn đề cục bộ. Do đó, gây ra nguy cơ mất an ninh của toàn hệ thống. Do đó, cần có khái niệm rõ và nội dung điều chỉnh vai trò độc quyền của nhà nước bao trùm để đảm bảo an ninh" ĐBQH Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, thời gian qua, việc đầu tư của một số doanh nghiệp tư nhân vào hệ thống lưới điện thời gian qua có hiệu quả nhưng ngay lập tức có vấn đề bất cập. Trong đó, nổi bật là thiếu các tiêu chí để bàn giao, nghiệm thu hệ thống.

"Mục tiêu của các nhà đầu tư khi tham gia vận hành hệ thống điện cùng nhà nước là phục vụ, giải tỏa nguồn năng lượng của chính họ. Tuy nhiên, chúng ta thiếu hướng dẫn luật và dưới luật trong bàn giao các hệ thống lưới điện. Khi đầu tư xong rồi, không bàn giao được, không có cơ sở để tính giá,… Tình trạng này như bày ra "mâm cỗ" nhưng không thể ăn.

Cần có hướng dẫn, tiêu chí, định mức cụ thể để nghiệm thu, bàn giao, qua đó, đảm bảo được việc tận dụng nguồn lực xã hội để xây dựng mạng lưới truyền tải điện thông suốt mà vẫn đảm bảo được an ninh", ĐBQH Trần Tuấn Anh phân tích thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem