Sửa đổi Luật Điện lực: Có còn độc quyền trong truyền tải điện?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 04/01/2022 11:39 AM (GMT+7)
Sáng 4/1, tại kỳ họp bất thường Quốc hội XV, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đăng đàn báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung 8 luật hiện hành.
Bình luận 0

Cụ thể, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các bộ luật liên quan tới các mảng kinh tế được đặc biệt quan tâm. Điển hình, về Luật Điện lực, ông Long cho hay, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".

"Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ". "Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực".

Sửa đổi Luật Điện lực: Có còn độc quyền nhà nước? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Tư pháp cho biết thêm, khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 6 dự thảo Luật đã được sửa đổi, ngoài ra, bổ sung Điều 49, 50, 60, 148 và 158.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 49 và Điều 50 theo hướng thay cụm từ "thành viên Hội đồng thành viên" thành "thành viên công ty" để bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan của Luật này.

"Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158 theo hướng quy định trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký.

Đồng thời, bổ sung quy định chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp (khoản 3 Điều 60); biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp; người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị (khoản 2 Điều 158)", ông Long nêu.

Đáng chú ý, khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Ngoài ra, để khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 như sau: "Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem