Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự quan tâm thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân Thứ bảy, ngày 21/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Khi tôi công tác tại Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, hầu như hàng năm đều có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp– người Anh Cả của Quân đội ta. Mỗi lần chúng tôi tới thăm, Đại tướng thường dành thời gian hỏi thăm tình hình của đơn vị, góp ý, chỉ đạo về công tác chuyên môn của Cục.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 -25/8/2021. Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) có bài viết gửi Báo Dân Việt kể về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bước tiến mới quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt –Mỹ

Năm đó, chúng tôi đến chúc mừng sức khỏe Đại tướng nhân dịp đất nước sắp bước sang Xuân Giáp Thân (2004). Tôi báo cáo với Đại tướng về kết quả cuộc Đối thoại Quốc phòng song phương cấp Cục đầu tiên (BDD) vừa mới tổ chức tháng 9/2003 giữa Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ với Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Hà Nội. Tôi cũng báo cáo là ta đã nêu với phía Mỹ những mong muốn của ta thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh. Đại tướng chăm chú nghe, rồi khen Quân đội ta đã đạt được bước tiến mới quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước Việt – Mỹ đã được bình thường hóa từ năm 1995.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự quan tâm thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả Nguyễn Hồng Quân (trái), khi đó đang mang quân hàm Thượng tá, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng). Ảnh NVCC.

Rồi Đại tướng nhắc lại, ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Bác Hồ kính yêu, sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã rất khôn khéo tranh thủ, tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Mỹ, cụ thể là với lực lượng Mỹ đồn trú ở Trung Quốc, tận dụng sự giúp đỡ của Đồng Minh, đứng về phe Đồng Minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít, để rồi tranh thủ thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Lúc ấy, chúng ta chủ động quan hệ với Mỹ bởi chúng ta chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào trên thế giới…

Tiếp đó, Đại tướng nhắc chúng tôi: Hiện giờ Mỹ và Việt Nam ta đã bình thường hóa quan hệ. Mỹ đã bỏ cấm vận Việt Nam. Điều đó tốt cho cả hai bên. Đây cũng là đòi hỏi của nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam bởi họ nhận thấy những cơ hội kinh doanh hấp dẫn tại nước ta. Đối ngoại quốc phòng cần góp phần thúc đẩy môi trường thuận lợi cho làm ăn, hợp tác giữa hai nước.

Mỹ đầu tư vào ta nhiều, chẳng những dân ta có việc làm, có thu nhập, nước ta lại có thể tranh thủ công nghệ tiên tiến của họ để thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển. Không chỉ hoan nghênh các nhà đầu tư Mỹ, chúng ta cần hoan nghênh các nhà đầu tư của các nước khác nữa. Càng nhiều nước vào đầu tư ở Việt Nam, công cuộc bảo vệ Tổ quốc của ta càng thuận lợi. Đối ngoại quốc phòng cần góp sức tạo thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa. Tôi vẫn đinh ninh và nhiều lần nhắc lại lời căn dặn đó của Đại tướng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự quan tâm thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ - Ảnh 3.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Đô đốc Thomas B. Fargo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ (USPACOM) đến chào ngày 10/2/2004. Ảnh NVCC.

Cuộc tiếp kiến của vị Đô đốc quân đội Mỹ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ít lâu sau, tháng 2/2004, Đô đốc Thomas B. Fargo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, (USPACOM) (nay là Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (USINDOPACOM), Mỹ sang thăm Việt Nam. Khi sang thăm Việt Nam, các tướng lĩnh Mỹ hầu hết quan tâm tới tiếp xúc, trao đổi quan điểm với các nhà quân sự, tướng lĩnh nổi tiếng của Việt Nam.

Nhiều tướng lĩnh Mỹ mong muốn có cơ hội được tới chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chương trình chuyến thăm ngắn ngủi, Đô đốc Thomas B. Fargo xin được tới tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng đi với Đô đốc Thomas B. Fargo, có Đại sứ Raymond Burghardt, Đại tá Stephan Ball, Tùy viên Quốc phòng bên cạnh Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Tôi lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng được phân công đến báo cáo trước và phụ tá Đại tướng tiếp đoàn.

Trong buổi tiếp kiến, Đô đốc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ vinh dự được tới thăm Việt Nam, được chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thông báo quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Việt Nam đã có những tiến triển tốt đẹp.

Đô đốc cho biết, trên cương vị Tư lệnh, ông sẽ dồn nỗ lực để mở rộng quan hệ với Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh về nước được đầy đủ nhất, đồng thời mong muốn phía Việt Nam giúp đỡ các đội tìm kiếm Mỹ được đến những nơi, những vùng được coi là "nhạy cảm" để đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn Quốc gia các Gia đình tù binh / MIA hiện do bà Ann Mills-Griffiths, làm Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị. Mỹ mong Việt Nam cho biết đánh giá về những nỗ lực này trong những năm qua, cũng như thời gian tới Việt Nam có thể làm gì giúp Mỹ giải tỏa nỗi lo lắng của Liên đoàn Quốc gia các Gia đình MIA này?

Đáp lời Đô đốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam và cá nhân Đại tướng hoàn toàn hiểu được nỗi lo lắng của những gia đình Mỹ có những người thân yêu nhất của họ mất tích trong cuộc chiến tại Việt Nam. Chính vì thế, ngay từ những năm 1980, mặc dù phải đối phó với biết bao vấn đề ở phía Bắc và phía Tây Nam, Chính phủ Việt Nam vẫn làm hết sức mình để có thể cung cấp đầy đủ thông tin về những người Mỹ bị mất tích.

Việt Nam coi vấn đề những người mất tích trong chiến tranh là một câu chuyện nhân đạo chứ không phải là vấn đề chính trị có thể ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và ngoại giao giữa hai nước.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo lý nhân ái, bao dung, yêu chuộng hòa bình. Trong khi chúng tôi còn hơn 300.000 bộ đội hy sinh chưa tìm được hài cốt, nhưng nhân dân và Chính phủ Việt Nam đang vượt lên nỗi đau của chính mình, trước sau như một coi MIA là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi chia sẻ mất mát với những gia đình MIA Mỹ, Việt Nam không gắn MIA với bất kì điều kiện chính trị nào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự quan tâm thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ - Ảnh 5.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh với Đô đốc Thomas B. Fargo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ (USPACOM) và phái đoàn đến chào ngày 10/2/2004. Ảnh NVCC.

Từng bước tạo dựng lòng tin

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói tiếp: Ngài Đại sứ và các bạn cũng hiểu rằng, ngay sau chiến tranh và trong thập kỷ 1980, Việt Nam chúng tôi đã tiếp xúc với chính quyền và Liên đoàn các gia đình MIA Mỹ để trao đổi về vấn đề MIA. Có điểm rất đáng quan tâm là người dân Việt Nam chúng tôi luôn ủng hộ và giúp đỡ chủ trương, chính sách trên của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là điều làm nên thành công của hợp tác MIA.

Ngài Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam chắc hẳn đã chứng kiến sự hỗ trợ đầy tính nhân văn của nhân dân các địa phương chúng tôi có hoạt động MIA, trong đó có không ít gia đình và cá nhân đang chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, như các cựu chiến binh, các cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nhiều cán bộ tham gia công tác MIA nhưng ngay trong gia đình vẫn còn liệt sĩ chưa quy tập được hài cốt.

Nhiều chuyên viên MIA của các bạn đã được Việt Nam tạo điều kiện đến những chiến trường ác liệt, trực tiếp phỏng vấn những cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có nhiều người là thương binh, bệnh binh, tận mắt thấy bom mìn còn sót lại, những khu vực bị ảnh hưởng của chất độc da cam…., từ đó hiểu thêm về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam và tinh thần nhân đạo của con người Việt Nam.

Các bạn và chúng tôi không quên 9 cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng các chuyên viên người Mỹ đã hy sinh trên chuyến bay đi tìm kiếm MIA hỗn hợp tại tỉnh Quảng Bình ngày 7/4/2001.

Đến nay, có thể chưa thu hồi hoàn toàn các trường hợp mất tích trong chiến tranh, nhưng thiện chí, tinh thần nhân đạo và sự hợp tác đầy đủ của phía Việt Nam đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng hai dân tộc, giúp nhân dân hai nước hiểu và gần nhau hơn, từng bước tạo dựng lòng tin, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ tiến triển như ngày hôm nay.

Mặt khác, chúng tôi cũng đang tìm kiếm những đồng bào, đồng chí của chúng tôi hy sinh, mất tích trong chiến tranh. Số lượng đó của chúng tôi nhiều gấp hàng trăm lần của Mỹ. Những gia đình Việt Nam, các bà mẹ, người vợ, người em gái Việt Nam cũng rất đau khổ vì những mất mát của họ và họ cũng đang tìm kiếm mọi thông tin có thể, cũng giống như những gì những gia đình Mỹ đang làm.

Người mất tin, mất tích của hai bên vẫn chưa giải quyết xong. Việt Nam còn phải tiếp tục khắc phục hậu quả bom mìn, xử lý tồn lưu chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có chất độc da cam. Tôi mong các bạn Mỹ có những biện pháp hợp tác, giúp đỡ Việt Nam cụ thể hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực nhân đạo này.

Những thành quả hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh của cả hai nước Việt Nam và Mỹ sẽ góp phần quan trọng tạo sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết và gần gũi giữa nhân dân hai nước; tiếp tục là khởi nguồn cho thiện chí, hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Mới đây, từ ngày 28 đến 29/7, ngài Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam. Sau khi 2 bên kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Austin đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam, đồng thời trao cho nhau một số kỷ vật chiến tranh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem