Clip: Cô giáo 9x xuyên rừng Tà Xùa "cõng chữ" lên Làng Sáng

Tuệ Linh - Văn Chiến Thứ năm, ngày 08/03/2018 13:50 PM (GMT+7)
Hôm nay là ngày 8.3, ở bản Làng Sáng (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), cô giáo trẻ người Thái - Hoàng Thị Bích Nuồn (Sn 1994) sẽ không ở cạnh người thân để được nhận hoa, quà. Ngay cả gọi một cuộc điện thoại cho chồng, cho con cũng vô cùng khó khăn.
Bình luận 0

Clip: Gian nan con đường "cõng chữ" lên vùng cao heo hút

Ai có dịp đến với điểm trường Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên – Sơn La) mới hiểu được cung đường vào điểm trường này gian nan, vất vả như thế nào? Từ đó, thêm hiểu được sự hy sinh thầm lặng của người giáo viên phải xa con, xa chồng, xa gia đình, rời nơi chôn rau cắt rốn "cõng chữ" lên cho trẻ em vùng cao.

img

Dốc "Say Pỉ" cao vun vút như lên trời, để băng qua đỉnh núi này, cô giáo mầm non Hoàng Thị Bích Nuồn không còn cách nào khác là phải dùng tay cào đất, nắm cây bụi 2 ven đường

25km đi bộ xuyên rừng Tà Xùa, vượt những con dốc cao vun vút, những vực sâu thăm thẳm cùng với chị Hoàng Thị Bích Nuồn, người “gõ đầu trẻ” tại điểm trường Làng Sáng thực sự là một "cực hình" với chúng tôi. Nhưng với cô giáo Nuồn thì đó là việc “như cơm bữa”.

img

Vì mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, dù trời nắng hay mưa hàng tuần việc phải đi bộ dăm ba cây số đến từng nhà động viên phụ huynh cho các bé đến lớp là việc như cơm bữa với chị Nuồn

img

Theo cô Nuồn, nhiều khi, cô và trò chia sẻ với nhau từng bát gạo cho đến mắm muối, mì tôm

img

Những đôi mắt trong sáng, hồn nhiên của học trò là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo trẻ Hoàng Thị Bích Nuồn

img

Chỉ với đôi ủng và chiếc balo bên mình dù con đường có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những giáo viên bám trụ vùng cao như cô Nuồn vẫn luôn vượt qua

Chia sẻ những khó khăn, nguy hiểm về cung đường vào điểm trường Làng Sáng, chị Nuồn kể: “Ngày đầu tiên vào nhận công tác tại đây, tôi không thể mường tượng được con đường này lại gian khổ như vậy. Hôm đó, đúng vào mùa mưa. Tôi phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ làm bạn với con đường lầy lội này. Số lần ngã không đếm xuể nữa, ngón chân, ngón tay thì sứt mẻ, đỏ tấy, đau nhức sau này thành những vết sẹo”. 

img

Dừng nghỉ lấy lại sức tiếp tục chinh phục các đỉnh núi tiếp theo

img

Khi được PV hỏi về chồng và gia đình, bên 2 mi mắt cô Hoàng Thị Bích Nuồn rơm rớm: "Dạy học xa nhà nên nhớ chồng và bố mẹ lắm chứ. Dạy học ở xa nên cuối tuần tranh thủ 1 đến 2 ngày về với chồng và bố mẹ. May mắn mình được người nhà cảm thông và chia sẻ nên cũng đỡ tủi"

img

Những con dốc cao vun vút...

img

Vực sâu thăm thẳm, nếu sơ sẩy là có thể lăn xuống bất cứ lúc nào

img

Con đường in đậm dấu chân của người giáo viên cắm bản

img

img

"Xa chồng, xa bố mẹ nhưng truyền tải được cái chữ cho con trẻ ở vùng cao xa xôi như này, tôi cũng hạnh phúc lắm" - cô Nuồn bày tỏ.

“Ngoài những con dốc cao, vực sâu dài hàng km phải mất cả tiếng đồng hồ để chinh phục thì ở 2 bên đường này còn có rất nhiều vắt. Ôi! Thứ “đỉa rừng” này chúng có ở khắp nơi và rất lì lợm. Tôi vốn sợ vắt nên khi chúng bám lên cơ thể tôi chỉ ngồi khóc và hét lên” – chị Nuồn nhớ lại.

img

img

Dừng nghỉ uống nước lã để tiếp tục hành trình "cõng" con chữ lên bản Mông

Bản Làng Sáng là bản đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên. Không có đường giao thông, không điện lưới, không sóng điện thoại, không cơ sở hạ tầng thiết yếu… Các em học sinh ở đây 100% là con em đồng bào Mông. 

"Đường vào Làng Sáng còn rất gian nan nên hầu như bà con không biết tiếng phổ thông chứ chưa nói gì đến trẻ em. Vào được Làng Sáng đã khó nhưng để cái chữ "nảy mầm" được thì càng khó gấp bội. Các thầy cô bám trụ tại điểm trường này phải học cả tiếng Mông để có truyền đạt kiến thức cho các cháu" - giáo viên mầm non Hoàng Thị Bích Nuồn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem