Cô giáo quỳ xin lỗi: Đừng để nghề giáo phải "cắn răng kiếm tiền"

Tùng Anh (ghi) Thứ ba, ngày 06/03/2018 13:45 PM (GMT+7)
Về vụ việc cô giáo ở Long An phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh, TS Lê Thống Nhất -  Tổng Giám đốc tại Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) đã đưa ra lời cảnh báo đừng để nghề dạy học chỉ còn là… "cắn răng để kiếm tiền".
Bình luận 0

TS Lê Thống Nhất cho rằng, giáo viên phải quỳ xin lỗi phụ huynh là chuyện xưa nay hiếm.

Cô giáo đã xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn chưa chịu, thế là cái hình phạt mà cô dành cho con em họ dã phải dành cho chính cô để phụ huynh… thỏa mãn.

img

Trường tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra vụ việc (Lao Động)

Nhìn nhận vụ việc một cách khách quan, TS Nhất cho rằng, vụ việc này là bài học lớn cho cả giáo viên, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh.

Ở khía cạnh giáo viên, theo TS Nhất, mặc dù các thông tin chưa rõ học sinh vi phạm điều gì và vi phạm bao nhiêu lần nhưng hình thức phạt học sinh quỳ hiện nay chắc chắn không có văn bản nào quy định. Đây là biện pháp nặng về hình phạt ít mang tính giáo dục của cô giáo.

Ngoài ra, ông Nhất cũng cho rằng, trong trường hợp này cô giáo trẻ đã thiếu kỹ năng xử lý tính huống để đến mức phải chấp nhận quỳ gối xin lỗi phụ huynh.

“Chúng ta cần kiềm chế trước những tình huống vi phạm nội quy, thậm chí là hỗn láo của học sinh. Kỷ luật học sinh tuỳ theo mức độ sẽ căn cứ vào quy định của ngành, nội quy của nhà trường. Nghề trồng người bắt buộc thầy cô phải biết "hạ nhiệt" kịp thời” – TS Nhất bày tỏ.

Về khía cạnh nhà trường, theo TS Nhất, sự việc diễn ra trong phòng và ở trong trường, có sự chứng kiến của hiệu trưởng.

Chính vì vậy, hành động bỏ ra ngoài phòng của hiệu trưởng khi sự việc chưa kết thúc như một sự bỏ rơi cô giáo và đẩy cô giáo vào tình thế tự đối phó với những áp lực của phụ huynh.

“Nhìn một cách khách quan, trong vụ việc này, hiệu trưởng vẫn chưa làm đúng chức trách, cũng như thiếu đạo đức đối với giáo viên của trường trong khi một số giáo viên vẫn ở lại” – ông Nhất bày tỏ.

TS Nhất đặc biệt lên án thái độ của phụ huynh: “Trước đây đã có những phụ huynh xông thẳng vào lớp tát cô giáo. Hành động tát mang tính vũ lực, nhưng hành động ép cô giáo phải quỳ là mang tính làm nhục người khác, mà đây lại là cô giáo dạy con mình. Việc này nằm ngoài phạm vi xử lý của nhà trường, nhưng trong chức trách của lãnh đạo UBND địa phương”

TS Lê Thống Nhất cho rằng, những phụ huynh ép cô giáo phải quỳ đã không còn trong mình chút nào truyền thống “tôn sư trọng đạo”.  

Sau cái quỳ của cô giáo, phụ huynh sẽ thấy thỏa mãn, nhưn sự thỏa mãn đó đem lại lợi ích gì cho con cái họ khi các con sẽ vỗ ngực tự hảo rằng, bố mẹ mình đã “trả thù” được cho mình?

“ Chúng ta luôn nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục nhưng không đổi mới phụ huynh thì giáo viên cũng chắc chắn không thể nào đủ tình yêu với nghề của mình và sự nghiệp giáo dục sẽ không thể thành công!

Thế những ai là người đổi mới phụ huynh? Chắc chắn ngành giáo dục khó mà làm nổi” – TS Nhất bày tỏ.

Ông Nhất cũng cho rằng, chưa nói đến vật chất, trước hết giáo viên rất cần đến tinh thần, tinh thần đó chính là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhiều thế hệ các thầy cô trước đây dù đói ăn, thiếu mặc nhưng vẫn say mê với sự nghiệp trồng người.

“ Điều sợ nhất là tâm lý "co mình và buông lỏng giáo dục" của các thầy cô để "an toàn" cho bản thân, tránh những "va chạm" với học sinh, phụ huynh đang xảy ra và chưa có hồi kết. Khi đó nghề dạy học chỉ còn là "cắn răng để kiếm tiền" nuôi con cái mà thôi. Thế thì buồn biết bao!” – TS Nhất cho biết.

Cũng theo ông Nhất, những câu chuyện như thế này sẽ rất phản tác dụng khi chúng ta đang mong những học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.

Vào một nghề mà sự tôn vinh không còn và có biết bao rủi ro... Mọi chế độ chính sách thu hút sẽ khó mà có tác dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem