Chuyện cô giáo " dở hơi cám hấp" ở lớp học lạ kỳ nơi đảo tiền tiêu

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 10/03/2018 09:10 AM (GMT+7)
Nằm gần đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, với hàng giờ tàu chạy từ đất liền, đảo Trần được ví như Trường Sa của tỉnh Quảng Ninh.Ở nơi đây, có cô giáo đã nhiều năm tình nguyện dạy dỗ, chăm nuôi và thậm chí là làm "bác sỹ" cho trẻ.
Bình luận 0

“Con dở hơi”, “cám hấp”... là những câu bạn bè ở quê thường mắng mỏ khi thấy Huyền vẫn giữ quyết định “cắm đảo”. Ở đảo nào gần chút còn đỡ, có thể 1 tháng về nhà đôi ba lần, còn Huyền lại chọn đảo Trần biền biệt, xa xôi.

“Em có chọn đâu! Vào niên học 2014, em nhận nhiệm vụ ra đảo Trần dạy học theo sự phân công của Trường mầm non Cô Tô, “nghĩa vụ” là 6 tháng rồi lại về trường chính dạy. Nhưng em cũng không hiểu vì sao mình cứ thấy quyến luyến với hòn đảo này. Hết nghĩa vụ 1 năm, em tình nguyện xin ở lại đến bây giờ” – Huyền cười hồn nhiên, kể.

img

Cô giáo Hoàng Thị Thu Huyền đang dạy các cháu mầm non trong trường liên cấp đảo Trần mới.

Năm đầu tiên Huyền bước chân ra đảo, cũng là năm nhiều căn nhà theo dự án di dân ra đảo Trần vừa hoàn thành, đón 16 hộ đến định cư.

Những hộ này hầu hết là những cặp vợ chồng trẻ, con còn nhỏ, sinh sống bằng nghề đánh bắt trên biển. Trường học ngày ấy chỉ là căn nhà cũ cấp bốn, cả tiểu học và mầm non chỉ có 4 học sinh .

Ngày ấy, ý thức đưa con đến lớp học của những người dân chài còn chưa cao, nên Huyền cùng 1 cô giáo khác dạy tiểu học phải thường xuyên đến nhà động viên cho con đến lớp học.

Với 3 học trò mầm non đầu tiên,  cô Huyền kê vài cái bàn, ghế, một tấm bảng và bắt đầu sự nghiệp "trồng người".

Có đứa khóc hoài cả buổi mà không thể gọi bố mẹ đến đón, vì bố mẹ đang lênh đênh trên biển đánh lưới. Có đứa lăn khoèo ra ngủ lay mãi mới dậy.

Đảo Trần chưa có điện, mùa đông thường rất lạnh. Gió biển lạnh căm căm thổi thốc vào mấy phòng học đơn sơ khiến cô lẫn trò run cầm cập.

Thế rồi lũ trẻ trên đảo cũng quen với việc đến lớp. Vào những mùa đánh bắt dài ngày trên biển, nhất là mùa khai thác sứa sau Tết, các hộ dân đảo Trần  vắng nhà cả tháng không về.

Những lúc ấy, cô giáo Huyền được giao thêm nhiệm vụ chăm nuôi. Lũ trẻ được gửi hẳn cho cô giáo, ngày học ở trường, tối về nhà cô ngủ, cơm cô nấu cho ăn đều 3 bữa.

“Do các cháu không cùng độ tuổi, nên việc chăm sóc khá vất vả. Đứa nhỏ thì cần ẵm bế, vỗ về giấc ngủ, cháu lớn hơn thì cần học hát, tập tô, chữ cái và kỹ năng sống. Giáo án vì thế cũng phải thật linh hoạt. Ngoài ra, những lúc các cháu bị đau đầu, sổ mũi, do không có nhân viên y tế, nên các cô giáo ở đây kiêm luôn vai trò… bác sĩ” - cô giáo Huyền chia sẻ.

img

Ngoài nhiệm vụ làm giáo viên, Huyền kiêm luôn chăm nuôi trẻ, giúp các hộ ngư dân trên đảo Trần trong những đợt đánh bắt dài ngày trên biển.

Tưởng những khó khăn ấy làm Huyền nản, nhưng cứ hết niên học, cô tình nguyện xin ở lại và được Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý.  Từ tháng 8.2015 trường học liên cấp đảo Trần được khởi công xây dựng, cô Huyền đếm từng ngày một chờ đến khi ngôi trường xây xong, để có một mái nhà riêng cho mình.

Sinh năm 1988, quê ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cô giáo Huyền vẫn chưa lập gia đình. Hỏi cứ tình nguyện ở đảo dạy học thế này thì bao giờ mới lấy chồng, Huyền cười nói: “Ôi, đã là duyên số thì em có ở ngoài đảo chồng em cũng phải tìm ra đến đây lấy em thôi. Duyên chưa tới thì ở đâu cũng vậy thôi anh. Với lại ở đây em có các tình yêu của em rồi!”. Huyền nói rồi nhìn về phía mấy đứa trẻ đang cặm cụi học bài sau cánh cửa.

Đầu năm 2018, chúng tôi có dịp đến đảo Trần và ghé thăm trường. Ngôi trường liên cấp khang trang, thiết bị dạy và học được trang bị không thua kém những ngôi trường ở phố.

Thế nhưng, cả trường vẫn chỉ có 2 cô giáo và 8 học sinh (từ mầm non đến lớp 2,3,4). Trưởng thôn đảo Trần, chị Nguyễn Thị Cảnh, cho biết: “Hiện tại đảo Trần còn 12 hộ dân sinh sống, số lượng 8 cháu đi học trường liên cấp trên đảo là đủ sĩ số, không cháu nào bỏ học cả”.

Xen lẫn từng đợt sóng biển rì rào, tiếng cô giáo Hoàng Thị Thu Huyền say mê dạy lũ trẻ thơ tập hát vang xa, làm ấm cả không gian đảo Trần những ngày lạnh giá...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem