Chống chịu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Mục tiêu giúp 1 triệu nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững

Nguyên Linh Thứ bảy, ngày 12/11/2022 22:57 PM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện là khu vực chịu tác động bởi biến đổi khí hậu rất nặng nề. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL, trong những năm qua, ngành nông nghiệp cùng với các đối tác đã triển khai xây dựng dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững” để khắc phục thực trạng này.
Bình luận 0

Những mô hình đi vào thực tế sản xuất

Việc triển khai các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu là hướng đi đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và cũng là mục tiêu của Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL".

Ông Bùi Lũy, ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) là người có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm dưới tán rừng nhưng vài năm trở lại đây, 6ha rừng này mới cho ông đời sống kinh tế thoải mái với thu nhập đều đặn 300 triệu đồng/năm. "Khi nuôi tôm, tôi được phía dự án hỗ trợ men vi sinh, con giống giúp gia đình nuôi đạt hiệu quả cao hơn hẳn, về kỹ thuật thì có cán bộ khuyến nông, nông nghiệp xuống hướng dẫn nên rất yên tâm"- ông Lũy cho biết.

Chống chịu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Mục tiêu giúp 1 triệu nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch tôm được nuôi theo mô hình sinh thái

Theo đánh giá của nhiều người dân, ngoài việc kiếm được nhiều tiền hơn, bà con còn biết thêm các kỹ thuật mới thân thiện với môi trường, chống chịu được hạn mặn. Ông Huỳnh Văn Thái, ở xã Tân Tiến, Đầm Dơi cho biết: "Nuôi tôm theo kỹ thuật mới giúp bà con giảm tần suất được thay nước mới, nên về mùa mặn đỡ căng thẳng hơn, đặc biệt, năng suất cao hơn 20-30% so với mô hình thường trước đây".

Để đạt chứng nhận tôm sinh thái, điều kiện mà ngành nông nghiệp đặt ra, đó là: Người nuôi phải có diện tích nuôi và tỷ lệ rừng trong vùng nuôi đạt theo tiêu chuẩn, trong quá trình nuôi tôm không được sử dụng hóa chất, thức ăn bổ sung và phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lê Thanh Đăng- Phòng Nông nghiệp huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho biết: "Trên thực tế, hầu hết các hộ dân tham gia vào mô hình nuôi tôm dưới tán rừng chỉ sau 1-2 vụ là thành thạo kỹ thuật và biết chuyển đổi linh động. Ưu điểm của việc áp dụng mô hình này, đó là khi mặt trời mọc, nắng nóng lên, thì con cua, tôm trú ấn dưới tán cây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nên thời gian sinh trưởng nhanh, năng suất cao".

Chống chịu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Mục tiêu giúp 1 triệu nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững - Ảnh 2.

3 vùng chính chịu tác động bởi biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Một trong những mục tiêu của dự án MD-ICRSL là hướng đến 3 tiểu vùng sinh thái dễ bị tổn thương ở ĐBSCL, từ đó áp dụng loại hình sinh kế phù hợp riêng với từng vùng. Ông Quách Nhật Bình- Ban Quản ý dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau cho biết, mục tiêu chính của Dự án là tác động vào khâu sản xuất cho người nông dân theo hướng tốt hơn, hiệu quả tốt hơn trên nền tảng mà họ đang sản xuất. "Với mục tiêu cuối cùng là sử dụng tài nguyên đất, nước hợp lý, thân thiện mới môi trường, từ đó tăng được thu nhập bền vững trong điều kiện chống chịu với biến đổi khí hậu"- ông Bình đánh giá.

Giúp hơn 1 triệu nông dân

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông - ngư nghiệp của cả nước, nhưng lại đang phải hứng chịu rất nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù là một trong những vùng đất có đa dạng sinh học phong phú nhưng môi trường nơi đây đang bị suy thoái nghiêm trọng. Đối với nông dân và cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì thích ứng sẽ là chìa khóa để tồn tại.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, ước tính ĐBSCL mất khoảng 500ha đất mỗi năm do xói lở. Ngoài ra, hoạt động quản lý đất và nước không bền vững đang làm ô nhiễm mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt ở đây như vào mùa khô năm 2020, có những thời điểm mức độ xâm nhập mặn ở nhiều nơi đã tăng lên đến 4g/lít, cao gấp 4 lần so với ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng chính, gây ra cuộc khủng hoảng thiếu nước ngọt trên toàn vùng.

Mặc dù biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nguyên nhân đằng sau những thay đổi này, các hoạt động của con người như xây dựng đập ở thượng nguồn, khai thác cát và nước ngầm ồ ạt cũng đang tác động tiêu cực đến ĐBSCL.

Suy thoái môi trường đang đe dọa mạng sống và sinh kế của hàng triệu người dân trên khắp 13 tỉnh thành. Để ĐBSCL tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là nguồn sống cho các thế hệ tương lai, nông dân và cộng đồng địa phương cần phải tìm cách sống hòa hợp hơn với thiên nhiên.

Từ năm 2016, Ngân hàng Thế giới, thông qua Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều quyết sách vĩ mô quan trọng đồng thời có những chương trình cụ thể, giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.

ĐBSCL có 3 tiểu vùng sinh thái với các đặc điểm thủy văn khác nhau và dự án đã hỗ trợ thực hiện những chiến lược phù hợp với từng tiểu vùng. Ở vùng thượng lưu châu thổ, mục tiêu là chủ động điều tiết nguồn nước ngọt và hấp thụ lũ, góp phần giảm thiểu hạn hán và xâm nhập mặn ở hạ nguồn. Ở vùng cửa sông, mục tiêu là thích ứng với độ mặn ngày càng tăng. Dọc theo bán đảo Cà Mau, việc bảo vệ vùng ven biển đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương với các hình thái thời tiết cực đoan cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngọt là những ưu tiên hàng đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem