Cho hoa mọc trên núi lạnh, bò sữa sống nơi nóng nhất Việt Nam: Lời giải từ chuyển đổi số

P.V Thứ năm, ngày 18/11/2021 06:22 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin.
Bình luận 0

Chuyển đổi số được áp dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo: Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ ngành tổ chức ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Đơn cử như việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.

Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lấy ví dụ, trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. 

Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. 

Trong lâm nghiệp là ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. 

Chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan. Ảnh: P.V

Trong thủy sản là ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ; ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh. 

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi.

Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất..., giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản... 

"Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao. Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12%).

Chuyển đổi số  - Ảnh 2.

Trong trồng trọt, chuyển đổi số được thể hiện qua các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Quảng Trị. Ảnh: P.V

Chuyển đổi số, giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu một thực tế, quy mô ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. 

Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ (cơ khí, chế biến sâu, dây truyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa đáp ứng yêu cầu chế biến sâu, chế biến tinh; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi lực lượng lao động nông nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đang tìm kiếm những đột phá, động lực mới thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp và sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái. 

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025.

"Để đạt được các mục tiêu này, toàn ngành nông nghiệp tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem