Chạy đua gỡ thẻ vàng IUU: Tăng mức xử phạt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 19/01/2023 16:11 PM (GMT+7)
Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nếu Việt Nam không có các giải pháp và hành động để tập trung gỡ thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể bị EC phạt thẻ đỏ, ước tính thiệt hại 480 triệu USD/năm. Ngoài ra, ngành nuôi trồng thủy sản cũng gián tiếp bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Tăng mức xử phạt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài

Từ khi thủy sản Việt Nam bị áp thẻ vàng EC, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Sang năm 2020, do tác động kép từ đại dịch Covid-19 và thẻ vàng của EC, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm còn 5,7%.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 75 vụ vi phạm IUU với 104 tàu (919 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang.

tat/Tăng mức xử phạt vi phạm - Ảnh 1.

Bộ đội Biên phòng Đồn Ba Sơn và nhân dân đi kiểm tra mốc giới và chăm sóc tre. Ảnh: G.T

UBND tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh có 5.800 phương tiện khai thác hải sản; trong đó các tàu xa bờ chủ yếu đánh bắt ở ngư trường phía Nam. Hiện 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và có quy chế quản lý. 

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 37 tàu vi phạm IUU; trong đó chủ yếu là các tàu biển kiểm soát tỉnh Bình Định, nhưng neo đậu ở các cảng của tỉnh khác. Trong 37 tàu vi phạm, chỉ có 10 tàu trên 15m, còn lại là 27 tàu từ 12-15m. Theo quy định, tàu từ 12-15m thì không bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Do đó, đây cũng là vấn đề bất cập.

Dù công tác chống khai thác IUU đã được triển khai quyết liệt, nhưng trong năm 2022, ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn xảy ra 2 trường hợp với 3 tàu vi phạm IUU; có 23 ngư dân bị nước ngoài tạm giữ. Qua tìm hiểu thực tế tại nhà của các chủ tàu vi phạm IUU, nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do chủ tàu giao khoán cho thuyền trưởng. 

Theo giao ước, tàu đánh bắt ở ngư trường nào không quan trọng, chỉ cần không vi phạm vùng biển nước ngoài là được và ăn chia theo tỷ lệ chủ 6, thuyền trưởng và thuyền viên 4.Vì lợi nhuận, có nhiều thuyền trưởng bất chấp, lén lút khai thác vùng biển nước ngoài.

Tỉnh Bến Tre cũng là địa phương có đội tàu khai thác hải sản lớn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, toàn tỉnh có 3.431 tàu khai thác thủy, hải sản; trong đó có 2.045 tàu từ 15m trở lên. Hiện tỉnh có khoảng 650 tàu thường xuyên neo đậu ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau rất nhiều năm không về địa phương. Trong năm 2021, tỉnh có 7 vụ vi phạm IUU với 7 tàu; năm 2022 xảy ra 5 vụ vi phạm IUU với 9 tàu.

Cũng theo ông Tam, mức xử phạt các phương tiện vi phạm IUU hiện nay còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Do đó, trong thời gian tới, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Hiện nguồn lợi hải sản đang ngày càng cạn kiệt nên việc giảm số lượng tàu nhằm giảm cường độ khai thác là cần thiết để giúp tái tạo nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy chuyển đổi nghề cho ngư dân theo 2 hướng nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem