Sửa mai vàng rủng rỉnh tiền Tết (Bài 1): Muốn cao tay phải luyện công phu

Trần Đáng Thứ năm, ngày 19/01/2023 14:20 PM (GMT+7)
Khi Tết Nguyên đán Quý Mão phả hơi sau lưng, theo con đường nội đồng ở xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), tôi tìm đến vườn mai của anh Nguyễn Quỳnh Quốc Phong với hy vọng tìm lại những nghệ nhân gạo cội trong nghề sửa mai.
Bình luận 0

Ông Tư Triều (Dương Văn Triều, Long An), một nghệ nhân gạo cội trong nghề sửa mai, vẫn cái nón lá và chiếc áo khoát bạc màu đang lụi cụi, cần mẫn bên cây mai cao quá đầu người đang cần sửa táng.

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài 1. Nghề sửa mai lắm công phu - Ảnh 1.

Ông Tư Triều (Dương Văn Triều, Long An), một nghệ nhân gạo cội trong nghề sửa mai. Ảnh: Trần Đáng

Nghề sửa mai - cha truyền con nối

Có thể nói, trong các vườn mai cổ ở Long An, vườn mai của anh Phong đứng nhất, nhì. Tuy số lượng chỉ khoảng 200 gốc mai, nhưng đây là những cây mai cổ thụ có tuổi thọ vài chục năm. Thậm chí, có những cây mai 100 năm tuổi. Nhiều cây mai cao 3 – 4m, muốn sửa tàng, nghệ nhân phải bắt thang.

Đây là vườn mai cổ anh Phong bỏ hàng tỷ đồng để lùng mua về kinh doanh vào mỗi dịp lễ, Tết. Anh không bán mà chỉ cho thuê mai với giá thuê lên đến vài chục triệu đồng/cây.

Chính vì mục tiêu cho thuê mai chơi Tết, để có cây mai đẹp, giá trị kinh tế cao, anh Phong phải thuê nghệ nhân đến sửa mai. Ông Tư Triều là một trong vài nghệ nhân cây kiểng được anh Phong thuê sửa mai quanh năm.

Không ai nhớ nghề sửa mai có tự bao giờ và ai là người đầu tiên khai sinh ra nghề. Nhiều bậc cao niên kể lại, nghề sửa mai có trăm năm qua. Và hiện là nghề thủ công có tiền công cao nhất so với các nghề thủ công khác.

"Trước đây, ba tôi làm nghề sửa mai. Ông dắt tôi theo làm riết rồi tôi quen việc. Được cái nghề sửa mai cũng sống khỏe và tôi cũng yêu nghề nên bám riết cho đến giờ", ông Tư Triều thổ lộ.

Theo ông Tư Triều, hiện 2 người con trai của ông cũng đang theo nghề sửa mai. Cứ vào mùa sửa mai Tết, cha con ông chia nhau mỗi người mỗi ngả kiếm tiền.

Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB Mai vàng Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng cho biết, nghề sửa mai là nghề cha truyền con nối. Người thợ sửa mai phải đam mê với nghề. Việc cha truyền con nối sẽ giúp cho người đi sau dễ thành công với nghề hơn.

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài 1. Nghề sửa mai lắm công phu - Ảnh 3.

Trong nghề sửa mai, Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB Mai vàng Sa Đéc (Đồng Tháp), luôn được đánh giá cao tay nghề. Ảnh: Trần Đáng


Công phu nghề sửa mai

Theo ông Tư Triều, khi trồng mai vàng để chơi kiểng, cần phải thành thạo các kỹ thuật căng kéo, cắt tỉa, uốn nắn, neo, cảo, quấn dây đồng, đục, khoét,… để cho ra một cây mai có dáng đẹp và giá trị. Mà công việc này chỉ có… nghệ nhân mới làm được.

Hiện, người làm nghề sửa mai chia làm 2 nhóm: Nhóm chuyên sửa các loại mai đơn giản, như tạo táng và nhóm sửa mai nghệ thuật như mai Bonsai, mai cổ. Đặc biệt, nhóm chuyên về bonsai, mai cổ đòi hỏi người thợ phải có tay nghề điêu luyện. Thường là những nghệ nhân có giải thưởng cao.

Trong quá trình tạo tác, các nghệ nhân dựa vào dáng cây tự nhiên để cắt tỉa, uốn sửa. Đôi khi đưa cả những triết lý cuộc sống vào trong tác phẩm.

 "Trước khi bắt tay sửa mai, nghệ nhân phải định hình cây phôi, cho vô một dáng thế và chọn cành thích hợp vị trí trên cây", ông Tuấn giải thích thêm.

Một cây mai giá trị bạc tỷ, tuổi thọ cả 100 năm nên các nghệ nhân vô cùng tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng nhát đục, nhát kéo trong quá trình tạo tác.

Muốn trở thành người sửa mai lành nghề, ít nhất phải gắn bó với nghề từ vài năm trở lên. Tuy nhiên, nghề này không chỉ dành riêng cho người lớn tuổi mà người trẻ vẫn có thể trở thành nghệ nhân xuất sắc. Điều quan trọng là phải đam mê và có năng khiếu.  

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài 1. Nghề sửa mai lắm công phu - Ảnh 4.

Một cây mai đã được những người thợ trong nghề sửa mai tạo dáng. Ảnh: Trần Đáng

Anh Lê Xuân Đài (Pan City Bonsai, TP.HCM), một công ty chuyên nhận sửa mai, kiểng cho biết, vào cuối năm rất nhiều gia đình có nhu cầu chỉnh sửa cây kiểng, nhất là mai vàng để vui xuân, đón Tết. Khi có nhu cầu, công ty cử thợ, thầy đến hỗ trợ.

"Nghề nào cũng có những khó khăn nhất định. Nghề này rất cần sự tỉ mỉ, chăm chút và tâm huyết với nghề. Các thợ được đào tạo qua trường lớp", anh Đài chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem