Càng khó khăn càng muốn tham gia BHXH tự nguyện để "bảo hiểm" cho tuổi già

Diệu Linh Thứ tư, ngày 01/06/2022 13:15 PM (GMT+7)
Cuộc sống của hầu hết người dân thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn còn khó khăn. Nhưng chính vì vậy mà người dân lại càng mong muốn tham gia BHXH tự nguyện để "tiết kiệm cho tuổi già".
Bình luận 0

Đóng BHXH tự nguyện để tuổi già nhàn nhã

Tham gia buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện ngày 31/5, bà Trần Thị Hiên (sinh năm 1969, người dân thôn Bưởi Rỏi) đã nộp tiền ngay để tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Hiên chia sẻ, bà là nông dân, thu nhập cũng không cao. Chồng bà bị tai biến nên đã mất sức lao động, gia đình khó khăn. Cũng may bà còn buôn bán nhỏ nên cũng có đồng ra đồng vào.

Càng khó khăn càng cần cố gắng tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Hiên. Ảnh D.L

"Bây giờ tôi còn sức lao động nên chưa có việc gì phải lo lắng. Nhưng lúc đau yếu, không làm được việc nữa thì không biết sống thế nào.

Được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, tôi nghĩ nếu giờ mình tiết kiệm, đóng BHXH tự nguyện thì sẽ có lương hưu, tuổi già sẽ bớt lo lắng. Vì thế, tôi không ngần ngại tham gia BHXH tự nguyện ngay", bà Hiên tâm sự.

Bà Hiên lựa chọn mức đóng 330.000 đồng/tháng, sau khi được giảm trừ, cô chỉ còn phải đóng 297.000 đồng/tháng, 15 triệu trong vòng 5 năm tới. Sau đó, bà sẽ đóng 1 lần cho 10 năm, khi bà gần 60 tuổi là được lĩnh lương hưu ngay.

"Với mức đóng này, mỗi ngày tôi tiết kiệm hơn 10.000 đồng, dù khó khăn mấy cũng vẫn có thể tiết kiệm được. Sau 15 năm nữa, vừa lúc sức khỏe yếu, tôi vừa có lương hưu, vừa được cấp miễn phí thẻ BHYT, sẽ có tiền để sinh hoạt, lại được miễn phí khám bệnh. Cuộc sống tuổi già của tôi sẽ không còn phải lo lắng", bà Hiên chia sẻ.

Càng khó khăn càng cần cố gắng tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hiên ký vào hóa đơn nộp tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh CTV

Tại Hội nghị, ông Võ Hoài Bắc (54 tuổi, trú tại thôn Bưởi Rỏi) cũng lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cho mình và vợ 5 năm liên tục với mức đóng 297.000 đồng/tháng.

Ông đã rút tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện cho mình và vợ. Hai con ông khi nghe tin bố mẹ tham gia BHXH tự nguyện cũng đã đóng góp một phần giúp bố mẹ.

"Sau này, mỗi ngày tiết kiệm 20.000 đồng, không đóng BHXH tự nguyện thì cũng chẳng tiêu vào việc gì to lớn được, trong khi đó đóng BHXH tự nguyện lại bảo đảm cho tuổi già có chỗ dựa", ông Bắc nhận định.

Nuôi lợn nhựa để tham gia BHXH tự nguyện

Còn chị Tưởng Thị Hoa (31 tuổi) và chồng đã tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm. Chị Hoa cho biết, gia đình chị mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, chị và chồng đều cảm thấy "mê liền".

Do khó khăn nên chị chỉ đóng mức thấp nhất. Ở thời điểm chị đóng, chuẩn nghèo chỉ là 700.000 đồng nên mỗi tháng đóng hơn 140.000 đồng/tháng sau khi đã được giảm trừ.

Càng khó khăn càng cần cố gắng tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 3.

Người dân thôn Bưởi Rỏi rất nhiệt tình tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh DL

"Mỗi ngày hai vợ chồng bỏ lợn 50-10.000 đồng để cuối tháng thì "mổ" lợn để lấy tiền đóng BHXH tự nguyện. Hàng ngày hai vợ chồng để chú tâm nuôi lợn, cùng hướng tới một cuộc sống yên tâm khi về già. Tuy ít tiền nhưng nhiều lúc khó khăn, phải hô quyết tâm lắm mới không rút tiền từ lợn ra để tiêu.

Còn giờ khi chuẩn nghèo tăng lên 1,5 triệu đồng, chúng tôi phải đóng 297.000 đồng/tháng, số tiền tiết kiệm lại phải tăng gấp đôi. Chúng tôi hiểu đóng nhiều được hưởng nhiều nên hai vợ chồng càng quyết tâm", chị Hoa vui cười chia sẻ.

Ngay trong hội nghị tuyên truyền, nhiều người dân thôn Bưởi Rỏi đã dứt khoát đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện ngay. Ngay buổi tuyên truyền tại Nhà văn hoá thôn Bưởi Rỏi có 39 người dân tham dự thì đã có đến 25 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Nguyễn Ngọc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết, là xã khó khăn nhất của huyện, trên 90% người dân của xã làm nông nghiệp. Nhiều người dân làm thuê mướn thu nhập bấp bênh, không ổn định nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn.

UBND xã thường xuyên phối hợp với BHXH huyện và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia các chính sách này. Đặc biệt, từ năm 2021, xã không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn nên người dân không còn được hỗ trợ tham gia BHYT; đồng thời mức đóng BHXH tăng do thay đổi chuẩn nghèo thì công tác này càng được tăng cường đẩy mạnh, mang lại kết quả tích cực.

"Nếu như năm 2020, toàn xã chỉ có 28 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2021, con số này đã tăng hơn 10 lần lên 238 người và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gia tăng", ông Lành chia sẻ.

Càng khó khăn càng muốn tham gia BHXH tự nguyện để "bảo hiểm" cho tuổi già - Ảnh 4.

Nhiều người dân thôn Bưởi Rỏi nhận sổ BHXH tự nguyện tại buổi tuyên truyền chính sách ngày 31/5. Ảnh CTV

Về tình hình tham gia BHXH tự nguyện trên toàn huyện, ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch cũng cho biết, người dân ở huyện hầu hết là khó khăn. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản người dân nhiệt tình tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện.
"Ngày càng có nhiều người nông dân hiểu về chính sách BHXH tự nguyện đã ra vui mừng tham gia BHXH tự nguyện giống như nhiều người dân ở thôn Bưởi Rỏi. Mỗi tuần, BHXH huyện đều phối hợp với chính quyền xã, các hội đoàn thể tổ chức từ 2 đến 3 hội nghị tuyên truyền trong các khu dân cư.

Đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất do người dân được trao đổi, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc một cách trực tiếp, nhanh chóng; bên cạnh đó, người dân cũng được tạo điều kiện để tham gia, nhận sổ BHXH ngay tại Hội nghị. Bình quân mỗi hội nghị, thường có 40-50% số người tham dự quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngay", ông Tranh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Tranh, đợt dịch Covid-19 vừa qua, do cuộc sống khó khăn nên cũng không ít người dân đến xin rút BHXH 1 lần. BHXH đã nỗ lực để giữ chân người dân ở lại.

Ngoài ra, việc tăng chuẩn nghèo từ 700.000 đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng khiến mức đóng BHXH tự nguyện tăng gấp đôi từ hơn 150.000 đồng/tháng lên hơn 300.000 đồng/tháng cũng khiến nhiều người dân lo lắng không đủ tiền đóng.

Tuy nhiên, sau khi được giải thích nếu mức đóng tăng thì mức hưởng lương hưu sau này cũng tăng thì nhiều người dân đã cố gắng thu xếp để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

"Khi có 1 người đến xin rút BHXH 1 lần, chúng tôi sẽ cử cán bộ đến gặp, chia sẻ, nắm bắt nguyên nhân người dân muốn rút BHXH 1 lần. Nếu do đời sống khó khăn chúng tôi động viên họ cố gắng, bảo lưu kết quả đóng BHXH trong 1 năm để xoay xỏa. Nếu do chưa hiểu rõ về chính sách, chúng tôi sẽ tiếp giải đáp thắc mắc, củng cố sự tin tưởng cho họ", ông Tranh chia sẻ,

Số người tham gia BHXH do BHXH huyện Quảng Trạch quản lý là 9.697 người, tăng 181 người so với cuối năm 2021, trong đó:

+ Tham gia BHXH bắt buộc 5.116 người, tăng 142 người so với cuối năm 2021, đạt 95,95% kế hoạch BHXH tỉnh giao. BHXH huyện căn cứ dữ liệu Cục Thuế tỉnh cung cấp chủ động rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp và cơ bản đã khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

+ Tham gia BHXH tự nguyện 4.581 người, tăng 39 người so với cuối năm 2021, đạt 75,64% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 6,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

- Tham gia BHYT: 80.925 người, giảm 1.594 người so với cuối năm 2021, đạt 82,58% kế hoạch BHXH tỉnh giao.

- Tham gia BH tự nguyện: 4.432 người, tăng 104 người so với cuối năm 2021, đạt 94,58% kế hoạch BHXH tỉnh giao.

(BHXH huyện Quảng Trạch)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem