Cần chính sách toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào Khmer

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 19/09/2014 13:52 PM (GMT+7)
Ngày 18.9, tại TP.Cần Thơ diễn ra Hội thảo khoa học “Chính sách khuyến khích, hướng dẫn, động viên đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) - Thực trạng và giải pháp”.
Bình luận 0

Chỉ ra hạn chế, tìm giải pháp thiết thực

TS Nguyễn Thị Thúy Anh – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Chủ nhiệm đề án nhánh 3) cho biết: Hội thảo lần này nhằm nghiên cứu, làm rõ về thực trạng thực hiện các chính sách, kể cả những hạn chế tồn đọng, bàn các giải pháp thúc đẩy, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM để đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến tới giàu có trên chính quê hương mình”. Theo TS Anh, trong nhiều nhóm giải pháp, ngoài sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của chính đồng bào Khmer, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền bằng các chính sách ưu đãi, trợ giúp trên mọi mặt. “Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực để tiếp tục hoàn thiện đề án và quan trọng hơn là đánh giá đúng thực trạng các chính sách được thực hiện, từ đó kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, ban hành bổ sung những chính sách mới cho bà con người Khmer”.

Ông Phạm Văn Thới – nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc, nhận định: “Việc quan tâm giải quyết có hiệu quả những khó khăn đặt ra, sẽ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL phát triển đời sống và sản xuất bền vững, góp phần vào sự ổn định chung của khu vực và đất nước. Trong những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, cần tập trung nghiên cứu những giải pháp, điều kiện để đồng bào giảm nghèo một cách thiết thực”.

Đánh giá về xây dựng NTM trên địa bàn, thượng tọa Lý Hùng – trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (TP.Cần Thơ), nhận xét: “Trong 4 năm xây dựng NTM, kinh tế xã hội ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thay đổi tích cực, tỷ lệ giảm nghèo khoảng 3% mỗi năm, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác dân tộc còn hạn chế, nên việc quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí chưa đúng mức. Văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các bộ, ngành T.Ư còn chồng chéo (đã cập nhật được 48 văn bản) và chậm triển khai, nên các địa phương còn lúng túng trong huy động nguồn lực”.

Thực hiện chính sách toàn diện

Tại hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị: Cần mạnh dạn đề bạt cán bộ là người Khmer vào các vị trí chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế xã hội một cách toàn diện với mức đầu tư hợp lý, cụ thể là chính sách nhà ở, đất ở, trợ giá trợ cước, đầu tư cho giáo dục đào tạo con em đồng bào dân tộc Khmer. “Đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ lên 5 triệu đồng/ha để bồi dưỡng sức dân giữ diện tích lúa. Đối với các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, để thực hiện tốt xây dựng NTM, cần tiếp tục hỗ trợ các chùa Khmer đầu tư xây dựng các lò hỏa táng…” - thượng tọa Lý Hùng góp ý.

Ông Châu Kim Sêng – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang kiến nghị: “Nên nâng cao năng lực cho đồng bào về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có năng lực cạnh tranh trên thị trường, sản xuất hàng hóa. Chú ý phát huy các mô hình kinh tế dựa vào văn hóa…”.

 Hội thảo này nằm trong đề án nhánh 3 thuộc đề án tổng thể chính sách đối với Phật giáo Nam Tông Khmer và đồng bào dân tộc vùng Tây Nam Bộ, do Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem