Cam kết của Việt Nam tại COP26, Tổng cục Lâm nghiệp: Việt Nam đang làm tốt, sắp được WB trả gần 1.200 tỷ

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ sáu, ngày 05/11/2021 14:19 PM (GMT+7)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết: "Hiện, Ngân hàng Thế giới (WB) đang hoàn thiện các thủ tục để giải ngân 51,5 triệu USD (ương đương gần 1.200 tỷ đồng) cho dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon cho vùng rừng Bắc Trung bộ đến năm 2024".
Bình luận 0

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết vô cùng mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 đồng thời tham gia Tuyên bố Glasgow cùng hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Về những cam kết vô cùng mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 và hành động của ngành lâm nghiệp để góp phần hiện thực hóa những cam kết này, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Cam kết của Việt Nam tại COP26, Tổng cục Lâm nghiệp:  Việt Nam đang làm tốt, sắp được WB trả 51,5 triệu USD  - Ảnh 1.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), Việt Nam đã và đang nỗ lực giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, có những thành tựu quan trọng cả trong bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: Đ.H

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết vô cùng mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 đồng thời tham gia Tuyên bố Glasgow cùng hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Quan điểm của ông về những cam kết này của Việt Nam như thế nào?

- Từ trước đến nay những cam kết của Việt Nam luôn được quốc tế tin tưởng và Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm lớn.

Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã và đang nỗ lực giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, có những thành tựu quan trọng cả trong bảo vệ, phát triển rừng.

Đến năm 2020, độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt 42,01%, trong khi con số này những năm 1990 chỉ 27,3%.

Trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam với những mục tiêu rất cụ thể như duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%.

Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 – 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025. 

Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Việt Nam đã cam kết và có khả năng thực hiện tốt vì những cam kết này đều được thể hiện trong các chương trình hành động.

Và thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong lĩnh vực lâm nghiệp như nỗ lực đóng cửa rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng phát triển kinh tế, xây dựng các chuỗi giá trị với bảo tồn rừng và thiên nhiên. 

Cam kết của Việt Nam tại COP26, Tổng cục Lâm nghiệp:  Việt Nam đang làm tốt, sắp được WB trả 51,5 triệu USD  - Ảnh 2.

Việt Nam đã và đang nỗ lực giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, có những thành tựu quan trọng cả trong bảo vệ, phát triển rừng. Trong ảnh: Nông dân Tuyên Quang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: M.N.

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ thời gian qua đã ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là ngày càng chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Việc chủ động được gỗ nguyên liệu có phải là một thành công của Việt Nam trong phát triển rừng?

- Dù trong điều kiện dịch Covid-19, ngành gỗ vẫn tăng trưởng 20% và đặc biệt là chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu. 

Giải quyết bài toán nguyên liệu gỗ cũng là một trong những thành công của Việt Nam. Về cơ bản chúng ta đã và đang giải quyết hiệu quả bài toán cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp nguồn gỗ hợp pháp và bền vững, nhờ triển khai một loạt chương trình như 327, 661, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp...

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính còn được thể hiện thông qua việc Việt Nam thực hiện tốt dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon của rừng. Ông đánh giá hiệu quả chương trình hiện nay ra sao?.

- Việt Nam có chủ trương tiếp tục mở rộng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ lưu giữ hấp thụ các bon của rừng, đây cũng là một trong những trụ cột giảm phát thải khí nhà kính. 

Việt Nam là đối tác của Ngân hàng Thế giới qua quỹ cacbon lâm nghiệp, đồng thời cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế khác để từng bước thương mại hóa khả năng giảm phát thải khí nhà kính của thị trường quốc tế.

Thực tế, rừng càng tốt, trữ lượng càng lớn thì lượng hấp thụ cacbon càng nhiều, việc mất rừng, suy thoái rừng càng hạn chế thì lượng giảm phát thải từ rừng càng lớn.

Hiện, WB đang hoàn thiện các thủ tục để giải ngân 51,5 triệu USD dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon cho vùng rừng Bắc Trung bộ đến năm 2024.

Kon Tum đẩy mạnh trồng rừng

Thời gian qua tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh phát triển rừng bền vững và trồng dược liệu dưới tán rừng thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng. Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ trên 609.468 ha rừng hiện có, trồng mới thêm 10.000 ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 63,75%.

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế từ rừng cho người dân.

P.V

Trên thực tế, vẫn còn tình trạng phá rừng được phát hiện ở một vài địa phương, cuộc sống của người dân vẫn phụ thuộc vào rừng. Vậy theo ông, làm thế nào để ngành lâm nghiệp góp phần thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP26?

- Ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục bám sát chiến lược và quy hoạch lâm nghiệp để tổ chức triển khai các hoạt động, trong đó gắn kết cải thiện sinh kế với bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục xã hội hóa ngành lâm nghiệp; huy động nguồn tài chính mới trong đó có nguồn từ dịch vụ môi trường rừng, gắn việc phát triển rừng với tạo nguồn thu từ rừng và thu từ quốc tế, lấy nguồn thu đó phục vụ việc nuôi dưỡng, phát triển rừng ở Việt Nam.

Ví dụ, với dịch vụ lưu giữ, hấp thụ cacbon, các chủ rừng sẽ được hưởng lợi cả trực tiếp và gián tiếp.

Trực tiếp à các chủ rừng sẽ được chi trả trực tiếp từ dịch vụ cacbon rừng giống như dịch vụ môi trường rừng.

Còn hưởng lợi gián tiếp là thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng rừng.

Xin cảm ơn ông!

"Lợi ích kép" từ trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các mô hình trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là cho hiệu quả kinh tế vượt trội và bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động, hiện toàn huyện có hơn 1,3 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, chiếm 7,6% tổng diện tích rừng kinh tế trên địa bàn. Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là ngoài hiệu quả kinh tế còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường như: Độ che phủ rừng lớn, giữ ẩm cao nên giảm cháy rừng; hàm lượng mùn trong đất gia tăng, khả năng phòng hộ tốt vì đất không bị xói mòn.

Ghi nhận tại xã Hữu Sản cho thấy, với bình quân rừng sản xuất hơn 3,5 ha/hộ, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển rừng gỗ lớn. Hai năm qua, dưới sự hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn xã đã chuyển đổi 1.928/3.000 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích chuyển đổi đều được đăng ký cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững (FSC).

Trong khi đó, để người dân yên tâm giữ rừng gỗ lớn, cùng với phối hợp mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, UBND huyện Yên Thế mời gọi các doanh nghiệp, cam kết thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá trên thị trường nếu người dân trồng rừng gỗ lớn. Với những hộ gia đình khó khăn, phía Công ty sẽ ứng tiền khi rừng trồng đến chu kỳ khai thác gỗ nhỏ. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương phối hợp tuyên truyền, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Huyện có cơ chế, chính sách, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật; khai thác tốt tiềm năng tự nhiên nhằm tăng thu nhập, giữ màu xanh cho rừng.

Sỹ Quyết


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem