Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Định vị giá trị mới cho gạo Việt, hạt gạo "giảm phát thải"

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 10/02/2024 18:00 PM (GMT+7)
Năm 2023, hạt gạo Việt đã lập nên nhiều kỳ tích khi những kỷ lục về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu được xác lập. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, bước sang năm 2024, ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội lớn, làm nên hạt gạo "giảm phát thải".
Bình luận 0

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên vào đầu năm 2024 về những cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thành quả của hạt gạo Việt ngày hôm nay là tích luỹ của bao nhiêu thế hệ trước đó, từ Tây Bắc đến đồng bằng phì nhiêu gần như chỗ nào cũng có lúa. Lúa gắn liền với văn hoá và tâm thức người Việt. 

Nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong giai đoạn mới, hãy nhìn hạt lúa ở giá trị cao hơn, chúng ta chuyển từ sản xuất lúa sang ngành kinh tế lúa gạo, giống như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta tích lũy giá trị vào hạt lúa, trồng lúa không chỉ bán gạo mà bán những sản phẩm sau gạo, tạo ra giá trị gia tăng, bán luôn cả văn hoá lúa gạo. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Định vị giá trị mới cho gạo Việt, hạt gạo "giảm phát thải"- Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, bước sang năm 2024, ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội lớn, làm nên hạt gạo "giảm phát thải". Ảnh: P.V

"Như Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, bà con nông dân trồng lúa đâu chỉ có bán lúa, bà con bán cảnh quan cho du khách. Như vùng trồng lúa - rươi - cáy ở Tứ Kỳ (Hải Dương), trước thu nhập chỉ đạt hơn 30 triệu đồng/ha, nhưng giờ thu nhập tới vài trăm triệu đồng/ha nhớ áp dụng mô hinh trồng lúa, nuôi rươi, cáy. Do vậy, đừng nghĩ trồng lúa là phải sống nhờ hạt lúa, như vậy chúng ta mới tối đa hoá giá trị trên một sản phẩm. Vậy làm sao để chúng ta biết được hạt gạo đó nằm ở cánh đồng rươi; hạt gạo từ ruộng bậc thang Mù Cang Chải phải định vị giá trị, phải nhìn hạt gạo khác đi thì thu nhập bà con cũng khác đi. Thế nên, xuất khẩu gạo chỉ là một khía cạnh, còn rất nhiều không gian giá trị khác đem lại thu nhập cao cho người nông dân khi kết hợp lúa gạo với du lịch, nghiên cứu ra những sản phẩm dinh dưỡng từ lúa gạo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với việc phê duyệt thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam muốn truyền đi một thông điệp với thế giới, chúng ta không đo đếm trên diện tích, năng suất mà tìm kiếm những giá trị mới, thích ứng với tăng trưởng xanh, tuần hoàn, phát thải thấp. 

"Người tiêu dùng bây giờ không chỉ mua hạt gạo mà còn mua cả cách tạo ra hạt gạo. Tôi tin rằng nếu mỗi người nông dân chủ động thay đổi thì sẽ làm được. Chúng ta từ một nước bán lúa gạo giá rẻ cho những nước nghèo nay đã tiến vào những thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Nhưng muốn tiến vững chắc thì chúng ta phải làm cuộc cách mạng trong sản xuất để chứng minh cách chúng ta tạo ra sản phẩm là minh bạch, trách nhiệm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.


Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Định vị giá trị mới cho gạo Việt, hạt gạo "giảm phát thải"- Ảnh 2.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui được mùa được giá. Ảnh: Báo Long An.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, lúa gạo là một trong những ngành hàng phát thải ra khí metan nhiều nhất, thế nên, ngành nông nghiệp phải có đóng góp để giảm phát thải nhà kính, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có ý nghĩa như vậy chứ không chỉ đơn thuần là khoanh vùng trồng lúa. Quan trọng hơn, thông qua mô hình để thay đổi suy nghĩ của người nông dân, doanh nghiệp.

Đề án này đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều đối tác quốc tế. Chúng ta đứng trước thách thức lớn nhưng cơ hội nhiều hơn thách thức, cơ hội trở thành quốc gia đi đầu trong ngành hàng lúa gạo giảm phát thải và chuyển sang tăng trưởng xanh trong bối cảnh khủng hoảng lương thực.

Chúng ta có diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, quy mô sản xuất đất lúa trên 1 nông hộ thuộc diện thấp nhất thế giới nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu. Ngồi từ máy bay nhìn thấy những thửa ruộng của chúng ta như những miếng vá, nhưng chúng ta vẫn là cường quốc xuất khẩu lúa gạo. 

ĐBSCL là 1 trong 5 đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn, sụt lún, hạn hán… nhiều bất lợi dồn vào ĐBSCL. Nhưng nếu làm thành công 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải thì chúng ta chứng minh được trong khó khăn thách thức ấy chúng ta vẫn thay đổi, kiên cường đi lên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kỳ vọng doanh nghiệp cùng hợp tác với nông dân tạo ra hình ảnh hạt gạo Việt, chứ không chỉ đơn thuần nông dân làm ra hạt gạo, doanh nghiệp đi mua về rồi đem bán. Khi và chỉ khi doanh nghiệp thực sự đồng hành với nông dân thì lúc đó chúng ta mới có thể thành công đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.  

"Trong nông nghiệp người nông dân là trung tâm, doanh nghiệp là người dẫn dắt vì đến cuối cùng thì sản phẩm phải đến được với thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem