Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe?

PVCT Thứ hai, ngày 31/01/2022 08:04 AM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Bình luận 0

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022.

Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ quyết nghị 7 nội dung trong đó có dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe? - Ảnh 1.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã từng được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong ảnh ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh TTBCQH

Chính phủ thống nhất đổi tên dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật đường bộ và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật theo hướng sau đây:

Đánh giá kỹ lưỡng, phân tích, giải trình thuyết phục về sự cần thiết của việc ban hành luật với đầy đủ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn; đánh giá kỹ tác động nhiều chiều, nhất là việc liên quan đến tổ chức, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; tiếp tục rà soát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ;

Phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật, không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết những vướng mắc, bật cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực giao thông đường bộ; rà soát nội dung các dự án Luật, không quy định về tổ chức bộ máy trong dự án Luật.

Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe? - Ảnh 2.

Thi sát hạch lái xe. Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh Đ.X

Nội dung sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cần thể hiện rõ hơn chủ trương của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quản lý đường bộ, đường cao tốc theo hướng giao cho cấp quản lý có hiệu quả hơn, kịp thời giải quyết vướng mắc và bám sát với yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm lợi ích quốc gia; việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, thông suốt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực;

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.

Để có đủ cơ sở xem xét bổ sung 2 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật theo các yêu cầu nêu trên, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự án Luật này.

Vào tháng 11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của hai luật được ''tách'' từ Luật giao thông đường bộ hiện hành là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

Về nôi dung xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu chọn phương án không chuyển là 321 phiếu, tương đương 66,7% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; có 251 phiếu đã tán thành tương đương 52,1% tổng số đại biểu Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem