Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ 2): Vị tổ sư thuần hóa cọp trắng

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 13/09/2021 13:00 PM (GMT+7)
Chuyện kể rằng: Hơn 150 năm trước, một nhà sư trẻ tìm đường lên núi Tà Cú, chọn một hang đá để tu hành, thiền định theo giáo lý đạo Phật. Uy đức của ngài đã cảm hóa bạch hổ (cọp trắng) hung dữ trở nên hiền lành, phủ phục dưới chân ngài hầu hạ, bảo vệ ngài suốt thời gian tu hành.
Bình luận 0

Ngài cũng là vị tổ sư khai sơn chùa trên núi Tà Cú và khi ngài viên tịch, bạch hổ buồn bỏ ăn, nằm bên tháp ngài đến chết.

Cảm động lòng thành của bạch hổ, các chúng đồ đã an táng bạch hổ bên tháp vị tổ sư. Tháp hiện còn trên núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Biến thâm sơn cùng cốc thành gia sản lớn

Những ngày tháng xin theo hòa thượng Thích Minh Thiện (trụ trì Tổ Đình Long Đoàn, chùa Dưới) học hỏi giáo lý, tôi thường nghe thầy kể lại chuyện vị tổ đầu tiên của chùa. Sáng nào, tôi cũng thấy thầy Minh Thiện ra đứng trước tháp tổ sư Hữu Đức (1812 - 1887) chắp tay nghiêm trang, tưởng niệm.

Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ 2): Vị tổ sư thuần hóa cọp trắng - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài khám phá hang Tổ trên núi Tà Cú. Ảnh: Bùi Phụ

Tuyến cáp treo Tà Cú dài 1.600m, cao 505m với 35 cabin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2003.

Theo lời thầy Minh Thiện và sử của chùa ghi lại, tổ sư Hữu Đức (Thông Ân Hữu Đức), họ Trần người làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Tuy An). Ngài sinh năm 1812, trong một gia đình quý tộc, nổi tiếng hiền đức. Thân phụ là Trần Thái Công, thân mẫu là Nguyễn Thị Từ. Ngài Hữu Đức học Nho giáo từ nhỏ và thường đi chùa lễ Phật. Năm 17 tuổi, ngài theo thuyền ngư dân đi tầm sư học đạo. Hơn 4 ngày lênh đênh trên biển, thuyền cập bến Phan Thiết. Ngài đến chùa Bửu Lâm làng Phước Môn, cầu xin thọ giới quy y với thầy Trí Chất Đại sư và được ban pháp danh Hải Ấn. Với pháp danh Hải Ấn, ngài thuộc đời thứ 40 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán.

Sau khi sư phụ viên tịch, ngài cầu pháp với hòa thượng Phổ Quang và được thầy cải pháp danh là Thông Ân. Năm 1839, ngài tu ở làng Bàu Trâm gần mũi Kê Gà, cứu dân làng thoát nhiều bệnh tật. Sau đó, ngài gặp được thiền sư Hải Bình Bảo Tạng và xin thọ giới nên được thiền sư trao truyền yếu chỉ thiền tông và ban pháp hiệu là Hữu Đức. Sau khi lãnh yếu chỉ, ngài Hữu Đức tìm đường lên đỉnh núi Tà Cú chọn một hang đá ẩn thân để thiền định. Ngài dùng mạch nước ngầm thông với hang núi sinh hoạt hàng ngày, đói ăn rau rừng và quyết không xuất sơn nếu chưa tìm được chân lý.

Thời bấy giờ, núi Tà Cú là vùng thâm sơn cùng cốc, nên rất nhiều thú dữ . Thế nhưng, với uy đức của ngài, đã khiến một con cọp trắng (bạch hổ) phải phủ phục dưới chân và hầu hạ, không cho các loài thú khác đến gần trong suốt thời gian ngài Hữu Đức thiền định trong hang đá.

Mãi về sau, nhiều đệ tử và dân dưới núi hay tin nên tìm đường lên núi nhờ ngài Hữu Đức trị bệnh. Tiếng lành đồn xa, người dân lên núi ngày càng nhiều nên ngài quyết định xây ngôi chùa nhỏ trên núi và trở thành vị tổ đầu tiên trên núi Tà Cú. Nhờ công của tổ Hữu Đức và sự đóng góp của phật tử xa gần, đã biến nơi thâm sơn cùng cốc thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như hôm nay. Hang núi ngày xưa tổ Hữu Đức thiền định giờ vẫn còn và thường gọi là hang Tổ. Miệng hang cách tượng phật nằm khoảng 100m.

Bài thuốc cứu Hoàng Thái hậu Từ Dũ

Có một việc mà sử sách ghi rất rõ là năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái hậu Từ Dũ bệnh nặng, các quan ngự y triều đình Huế bó tay nên Vua Tự Đức kêu gọi thầy thuốc trên mọi miền đất nước.

Quan Thủ Hiến Bình Thuận lúc bây giờ dâng biểu về triều đình tâu vua nói về y thuật và sự tu hành của tổ Hữu Đức trên núi Tà Cú, có thể chữa lành bệnh bằng phương pháp hành trì Mật Tông và thảo dược. Vua Tự Đức nghe theo, liền cho sứ lên núi thỉnh về triều đình nhưng tổ Hữu Đức từ chối, vì đã có lời hứa không xuống núi. Dẫu thế nhưng tổ Hữu Đức đã trao cho viên sứ một bài chú Chuẩn Đề kèm những dược liệu quý do ngài hái trên núi và chỉ dẫn cách dùng. Sứ thần trở về Huế, làm y theo lời dặn, quả thật Hoàng Thái hậu khỏi bệnh.

Để tỏ lòng tri ân, Vua Tự Đức sắc phong danh hiệu của chùa là Linh Sơn Trường Thọ và tôn xưng tổ Hữu Đức là Đại lão Hòa thượng.

Đến đời Vua Đồng Khánh thứ nhất, tức ngày mùng 5 tháng 10 năm Đinh Hợi 1887, sau khi dặn dò đệ tử chân truyền xong, tổ Hữu Đức viên tịch ở tuổi 76. Sau khi tổ Hữu Đức viên tịch, con bạch hổ buồn, bỏ ăn nằm im bên cạnh tháp tổ cho đến chết. Cảm động lòng thành của bạch hổ, các chúng đồ đã an táng bạch hổ bên tháp vị tổ sư.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem