3.000 cơ sở chăn nuôi Đồng Nai trước lệnh di dời: Nông dân mong linh hoạt đối với từng trang trại (Bài 2)

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 18/04/2023 11:34 AM (GMT+7)
Trước lệnh di dời các cơ sở chăn nuôi trong vòng chưa đầy 2 năm của UBND tỉnh Đồng Nai, nhiều chủ cơ sở chăn nuôi bày tỏ sự lo lắng,muốn bỏ nghề vì không đủ khả năng để đáp ứng các điều kiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn mới.
Bình luận 0

Chăn nuôi vẫn trong vòng luẩn quẩn

Dù đã bước sang quý II/2023 nhưng tình hình các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai không có nhiều chuyển biến, thậm chí ở mức rất khó khăn. Người chăn nuôi sau những đợt rủi ro khốc liệt do giá cả, dịch tả lợn châu Phi nay lại thêm nỗi lo di dời.

Vừa thua lỗ vừa lo chuyện di dời - Bài 2: Khó khăn bủa vây "tứ bề" khiến người chăn nuôi muốn bỏ nghề - Ảnh 1.

Trang trại heo của ông Nguyễn Hữu Thắng dù tự cung cấp con giống vẫn lỗ 3.000 đồng-4.000 đồng/kg. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Nguyễn Hữu Thắng - chủ trang trại Hoa Phượng Đỏ (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - người hàng chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo, đang sở hữu đàn heo nái khoảng 500 con cho biết, thời gian qua đang oằn mình chống chọi với thua lỗ. Cộng thêm việc có thông tin di dời khiến ông Thắng càng thêm trăn trở, lo lắng.

Theo ông Thắng, dù ông tự sản xuất con giống nhưng để tạo nên 1kg heo thịt bao gồm cám, thuốc, nhân công, điện nước... rơi vào khoảng 52.000 đồng. Trong khi đó giá heo hiện tại thương lái đang mua chỉ dao động từ 48.000 đồng/kg đến 49.000 đồng/kg. Như vậy mỗi kg heo ông Thắng vẫn ôm lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Vừa thua lỗ vừa lo chuyện di dời - Bài 2: Khó khăn bủa vây "tứ bề" khiến người chăn nuôi muốn bỏ nghề - Ảnh 2.

Các trang trại lớn hầu như đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý chất thải. Ảnh: Tuệ Mẫn

"Tôi tự cung cấp được con giống nên tính ra vẫn lỗ ít hơn so với những hộ chỉ nuôi heo thịt phải mua con giống. Hiện nếu trừ thêm các chi phí khác thì trung bình 1 con heo bán ra cho thương lái tôi đang ôm lỗ gần 1 triệu đồng", ông Thắng nói. 

Về việc trang trại của mình phải nằm trong diện di dời, ông Thắng cho biết: "Bản thân có nghe nói, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông báo và hướng dẫn cụ thể nên tiếp tục chờ". Ông Thắng cũng khá lo lắng vì lộ trình di dời quá ngắn, không đủ thời gian chuẩn bị.

"Nếu có chủ trương thì có lẽ chúng tôi phải làm theo, nhưng giờ khó khăn vậy cũng chưa biết sao nữa. Câu chuyện chăn nuôi vài năm trở lại đây không có gì khởi sắc, tôi e nhiều người không muốn tiếp tục", ông Thắng buồn bã nói.

Vừa thua lỗ vừa lo chuyện di dời - Bài 2: Khó khăn bủa vây "tứ bề" khiến người chăn nuôi muốn bỏ nghề - Ảnh 3.

Người chăn nuôi ở Đồng Nai vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cũng theo ông Thắng, trang trại của ông xây dựng ở khu vực vắng vẻ, nhà dân thưa thớt nhưng vẫn thuộc diện di dời. Theo ông Thắng nếu có chỗ mới ổn định, đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu và có phương án hỗ trợ thì người dân sẽ chấp nhận di dời.

Tương tự anh Nguyễn Văn Huấn, chủ trang trại heo tại huyện Trảng Bom đang lo lắng chuyện gia đình anh đang treo chuồng chờ nuôi lứa mới thì nhận được thông tin di dời. Anh Huấn cho biết để đầu tư trại heo anh đã phải chi ra tiền tỷ nên giờ nếu phải di dời đến nơi mới anh sẽ không có tiền để tái đầu tư. 

"Nhiều năm trở lại đây việc chăn nuôi không thuận lợi, nhà cửa đất đai đều đã cầm cố để chăn nuôi. Do đó nếu buộc phải di dời tôi sợ phải bỏ nghề không dám đầu tư tiếp vì đã cạn vốn. Tôi có đọc trên mạng thấy di dời số tiền hỗ trợ có mấy triệu đồng là quá ít, sợ không đủ chi phí để làm tiếp", anh Huấn nói.

Vừa thua lỗ vừa lo chuyện di dời - Bài 2: Khó khăn bủa vây "tứ bề" khiến người chăn nuôi muốn bỏ nghề - Ảnh 4.

Chăn nuôi liên tục thua lỗ người chăn nuôi còn phải đối mặt với lệnh di dời. Ảnh: Tuệ Mẫn

Anh Huấn nói thêm việc hỗ trợ lãi vay ngân hàng nhưng hiện nay đa phần nông dân đã cạn vốn, nhà đất hầu hết đã cầm cố nên anh Huấn lo sợ không có tài sản thế chấp, không thể vay ngân hàng để tái sản xuất sau khi di dời.

Người chăn nuôi muốn giãn thời hạn để khắc phục môi trường, hợp tác liên kết làm ăn

Ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (đóng tại Long Thành) có trang trang trại thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh Dồng Nai chia sẻ, bản thân ông trăn trở về câu chuyện di dời vì thời gian quá gấp rút.

Vừa thua lỗ vừa lo chuyện di dời - Bài 2: Khó khăn bủa vây "tứ bề" khiến người chăn nuôi muốn bỏ nghề - Ảnh 5.

Trang trại của ông Quyết đa phần ở xa khu dân cư nhưng vẫn thuộc diện di dời. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo ông Quyết, Đồng Nai cần rà soát kỹ những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường để đưa ra lộ trình di dời cụ thể. Với trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm buộc phải ngưng hoặc di dời, điều đó hoàn toàn phù hợp. Nhưng trường hợp cơ sở chăn nuôi chủ động khắc phục được ô nhiễm, đảm bảo môi trường thì tỉnh nên cho giãn lộ trình di dời hoặc có các giải pháp khắc phục.

Theo ông Quyết, nay đã 2023 mà tỉnh Đồng Nai đưa ra quyết định buộc đầu 2025 phải di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi sẽ khiến người chăn nuôi khó xoay xở kịp. Hơn nữa việc di dời gấp gáp sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất do việc đầu tư tại nơi mới sẽ mất nhiều thời gian. 

"Tôi nghĩ nhân lúc này tất cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hợp tác, liên kết lại để mở rộng quy mô chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh và cùng nhau bảo vệ môi trường. Trang trại của tôi đã nằm khá xa khu dân cư và hiện đang nuôi gà xuất khẩu. Vì vậy nếu phải di dời gấp như vậy tôi sợ sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm...", ông Quyết nhấn mạnh.

Ngoài ra ông Quyết đưa ra mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xem xét có phương án, lộ trình cụ thể để người chăn nuôi nắm bắt vì sợ nhiều người bỏ chăn nuôi.

Còn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói rằng các cơ sở chăn nuôi đều sẵn sàng thực hiện chủ trương của tỉnh đưa ra. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây người chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn, cạn kiệt nguồn vốn nên Hiệp hội mong tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng lộ trình phù hợp hơn. 

Clip: Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nói về khó khăn của ngành chăn nuôi

"Thực tế di dời, buộc ngưng hoạt động trang trại nằm trong khu dân cư là đúng, vì ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên các cơ sở nằm ngoài khu dân cư, khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể xem xét gia hạn thêm thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp với người chăn nuôi cũng rất quan trọng", ông Công nói.

Ngoài ra cũng theo ông Công, thực tế bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở chăn nuôi. Nhưng bên cạnh đó hiện nay việc nuôi gia công cho các công ty quá nhiều. Thay vì có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường thì các doanh nghiệp này lại để toàn bộ trách nhiệm cho chủ trại làm.

Tương tự, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc di dời cần có lộ trình để không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Tình trạng hiện nay của người chăn nuôi là liên tục thua lỗ và tổng đàn chăn nuôi sẽ giảm. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không còn đủ sức tham gia chăn nuôi và phải tìm công việc khác để sinh sống.

"Với quyết định của tỉnh Đồng Nai về việc di dời hơn 3.000 trang trại chăn nuôi từ quy mô nhỏ đến trung bình, lớn là vấn đề rất khó khăn. Tôi nghĩ giờ bắt di dời gấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của người chăn nuôi khi phải xây dựng mới chuồng trại, con giống… Chúng tôi lo sợ rằng hiện nay ngành chăn nuôi đang rất khó khăn nên có thể nhiều người sẽ không dám tái đầu tư sau khi buộc phải di dời. Việc di dời số lượng lớn các cơ sở chăn nuôi trong thời gian ngắn có thể dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm", ông Đoán nhận định.

Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói rằng việc di dời hoặc tạm ngưng hoạt động của hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai cần được xem xét cụ thể hơn. Xem xét về đất đai, tiến độ di dời… vì việc di dời và ngưng hoạt động của hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi một lúc là không đơn giản. Tất cả cần phải được làm theo Luật Chăn nuôi và sắp tới sẽ có nghị định hướng dẫn.

Còn nữa


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem