Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Nhiều nơi gà, lợn không "ra" khỏi chuồng được, tránh để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp

Ngọc Lê - Anh Thơ (thực hiện) Thứ ba, ngày 20/07/2021 06:47 AM (GMT+7)
"Vấn đề cần nhất hiện nay là, một mặt đảm bảo cung ứng thực phẩm kịp thời cho người dân tại TP HCM và 18 tỉnh, thành đang giãn cách tại phía Nam. Đồng thời, vẫn cần duy trì xuất khẩu nông sản và tổ chức sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp"- Thứ trưởng Bộ NNPTNT trao đổi với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Thưa ông, hiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.Hà Nội cũng vừa có chỉ thị yêu cầu tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu, người dân ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Trong điều kiện dịch bệnh, việc đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu cho người dân là rất quan trọng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về năng lực sản xuất hiện nay?

- Theo báo cáo của các địa phương, năng lực sản xuất nông nghiệp của các địa phương, nhất là ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 rất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 10 triệu dân TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là sản xuất vẫn đảm bảo nguồn cung nhưng giá gia cầm ở nhiều địa phương đang giảm sâu, đàn lợn ở Đồng Nai không "ra khỏi chuồng" do chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do các chợ đầu mối đóng cửa, các thương lái phải ở trong khu cách ly, phong tỏa do dương tính với virus SARS-CoV-2. Có nơi, hiện nay gà trắng còn dưới 20.000 đồng/kg, giá lợn hơi cũng liên tục giảm dưới giá thành sản xuất.

Năng lực sản xuất rất lớn, thoải mái đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhưng người tiêu dùng ở TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương vẫn đang thiếu hụt cục bộ lương thực, thực phẩm. Vấn đề ở đây là khâu lưu thông, phân phối làm sao phải thực hiện đồng bộ, đảm bảo sự thông suốt, không bị đứt gãy.

Với TP. Hà Nội, đây không phải là lần đầu tiên thành phố thực hiện siết chặt các dịch vụ không thiết yếu, năm 2020, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội. Dù vậy, chỉ sau 1, 2 ngày là thành phố đã chuẩn bị đủ nguồn lương thực, hàng hóa thiết yếu với nguồn cung tăng tới 300% để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Không chỉ có năng lực sản xuất lớn, Hà Nội còn liên kết với các địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, do vậy, trong bất cứ điều kiện nào, người dân vẫn yên tâm lượng nông sản, hàng hóa sẽ đảm bảo đủ, không phải tích trữ một cách ồ ạt, tạo áp lực cho kênh phân phối, lại nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. 

Thứ trưởng  - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp tương đối dồi dào, không lo thiếu hụt lương thực, hàng hóa thiết yếu. Ảnh: V.Giang.

Từ thực tế lưu thông, phân phối nông sản, hàng hóa thiết yếu ở các địa phương, nhất là TP HCM trong thời gian qua đã gặp nhiều lúng túng, Bộ NNPTNT có kiến nghị gì để vấn đề điều tiết lưu thông nông sản được thông suốt?

- Từ bài học của Hà Nội chúng ta có thể thấy, chỉ sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội vào năm 2020, nguồn cung hàng hóa, nông sản tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh lại dồi dào. Hay như bài học ở Bắc Giang, dù tỉnh có nhiều địa phương bị phong tỏa, giãn cách nhưng vẫn tiêu thụ vải thiều một cách thuận lợi.

Đó là bởi các địa phương đã chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó để trong bất kỳ trường hợp nào nông sản cũng phải được lưu thông.

Hiện, các ngành chức năng đã chính thức tạo "luồng xanh" cho nông sản trên toàn quốc, vấn đề là trong quá trình thực hiện phải tạo sự thống nhất, không thể mỗi nơi làm một kiểu.

Tôi cho rằng, việc đưa nông sản tới kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện tích của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đòi hỏi một khối lượng lớn, việc tạo "luồng xanh" cho nông sản từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, tiêu thụ rất quan trọng, tạo nguồn nông sản dồi dào cho người tiêu dùng.

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, TP.Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa 3 chợ đầu mối, cùng hàng trăm chợ truyền thống trên địa bàn. Rõ ràng việc đóng cửa chợ đầu mối đã khiến thành phố thiếu hụt một lượng rau củ, thực phẩm lớn do các siêu thị không đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Theo ông, trong tình huống hiện nay có nên cho mở cửa lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống?

- Dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng với từng loại nông sản mà các địa phương có kế hoạch cung ứng, đưa vào siêu thị bao nhiêu, đưa vào chợ đầu mối thế nào.

Cũng phải nói thêm, chợ đầu mối vẫn là nơi cung ứng phần lớn hàng hóa, nông sản thiết yếu cho người dân, do vậy, phải có phương án phân phối, chủ động nguồn cung nếu không sẽ rất dễ bị động.

Nguồn cung nông sản là vấn đề rất quan trọng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả nhiều loại nông sản xuống thấp, nếu không chủ động ngay từ bây giờ, động viên nông dân duy trì sản xuất thì vài tháng sau rất có thể lại rơi và tình trạng thiếu hụt nguồn cung. 

Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trong mọi hoàn cảnh phải đảm bảo kế hoạch sản xuất theo đúng mục tiêu đề ra. Ví dụ, vụ lúa đông xuân đã làm tốt, giờ phải tập trung cho vụ thu đông, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Nhiều nơi gà, lợn không "ra" khỏi chuồng được, tránh để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Người dân Đà Lạt rất vui khi được chung tay hỗ trợ người dân vùng dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh Hữu Phước.

Vật tư nông nghiệp phải đảm bảo được lưu thông để bà con duy trì chu kỳ sản xuất hiệu quả, từ đó cung cấp đủ nhu cầu nông sản, thực phẩm cho những tháng cuối năm. Nếu không chuẩn bị thì rất dễ thiếu nông sản, nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một vấn đề đáng lo lắng hiện nay là, cả 19 tỉnh, thành Đông Nam Bộ và ĐBSCL đều là các địa phương sản xuất chủ lực về nông nghiệp. Nếu không có phương án tổ chức sản xuất tốt, có thể sẽ dẫn đến đứt gãy nguồn cung và 1-2 tháng tới, khi chúng ta khống chế được dịch, thì lại thiếu thực phẩm. Bộ NNPTNT đã có kế hoạch như thế nào về vấn đề này?

- Ngay trong tình huống hiện nay, bên cạnh việc đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản trước mắt cho người dân TP HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch sản xuất chi tiết tới từng khu vực. Chúng tôi đã chủ động họp trực tuyến với các tỉnh ĐBSCL về kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu; tới đây sẽ tổ chức họp trực tuyến về kế hoạch sản xuất từng ngành, hàng... Mục tiêu của chúng ta là không để đứt gãy chuỗi sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "vừa sản xuất, vừa chống dịch".

Theo tôi, các địa phương cũng cần phải thống nhất, xây dựng phương án sản xuất an toàn. Trong chiến tranh, cha ông ta còn vừa chiến đấu vừa sản xuất để đảm bảo lương thực, thực phẩm thì trong phòng chống dịch hiện nay cũng vậy. Nếu không tổ chức tốt, chúng ta sẽ bị gián đoạn ở khâu cung ứng cây, con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi và sau 2 tháng nữa sẽ thiếu hụt lương thực, thực phẩm trầm trọng ngay.

Các địa phương cũng cần xem xét lại khái niệm "thiết yếu". Trong buổi sáng, chúng tôi có họp, một số anh em có nói trong khi thực hiện Chỉ thị 16, việc cho lợn đi phối giống có phải là "thiết yếu" không? Bởi nếu không cho phối giống thì không có lợn con, mà không có lợn con thì không chăn nuôi được, dẫn đến thiếu thực phẩm. Hay các xe chở hàng hóa vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, cây con giống cũng cần được xem là thiết yếu để đảm bảo chuỗi sản xuất liên tục.

Hiện nay, nếu cấm một cách triệt để, cực đoan là làm ách tắc sản xuất, lưu thông, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đó là "vừa sản xuất vừa chống dịch". Về phía Bộ NNPTNT, chúng tôi đảm bảo khâu sản xuất sẽ được tổ chức kịp thời. 

Đồng bằng sông Cửu Long là "vựa" lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước, cung ứng đáng kể lượng nông sản xuất khẩu. Trong điều kiện các tỉnh, thành trong khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội, việc cân đối giữa cung ứng trong nước và xuất khẩu được tính toán ra sao, thưa ông?

- 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản vẫn đạt con số ấn tượng, 24,5 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 8 tỷ USD. Sự đứt gãy ở nhiều thị trường lại là cơ hội của Việt Nam. Nhiều mặt hàng của chúng ta như lúa gạo, thủy sản đã có sự tăng trưởng vượt bậc.

Do vậy, các địa phương phải tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện Covid-19 để có vùng nguyên liệu an toàn, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.  

Bộ NNPTNT cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các địa phương; phát triển các chuỗi liên kết để đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem