3 cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt, khung hình phạt thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 07/01/2023 08:46 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai lãnh đạo và một chuyên viên cấp phòng thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra về tội nhận hối lộ. Tội danh này có khung hình phạt ra sao?
Bình luận 0

3 cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt

Ngày 4/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với một số cán bộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm: Trần Anh Quân - Quyền Trưởng phòng; Đặng Trần Khanh - Phó trưởng phòng và Phạm Đức Ngọc - chuyên viên về tội Nhận hối lộ.

3 cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt, khung hình phạt thế nào? - Ảnh 1.

Ba bị can Khanh, Quân, Ngọc (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an

Đây là diễn biến mới nhất quá trình Công an TP.HCM mở rộng điều tra vụ án môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Bến Tre.

Trước đó ngày 28/12, Công an TP.HCM phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã khám xét phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thời gian qua, công an nhiều địa phương liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án, 43 bị can với các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

Thủ đoạn các trung tâm đã sử dụng là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật...

Tội nhận hối lộ có mức phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất tử hình

Bình luận về tội danh của các cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa bị khởi tố, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội Nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt thuộc những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác.

Người phạm tội nhận hối lộ không chỉ nhận lợi ích vật chất mà còn có thể là lợi ích phi vật chất, lợi ích vật chất là tài sản, lợi ích phi vật chất hoặc phần thưởng về mặt tinh thần.

Thủ đoạn nhận hối lộ có thể nhận trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc nhận qua trung gian, nhận trước hoặc sau khi giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, người thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp.

Theo luật sư Đồng, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, hành vi nhận hối lộ đến mức bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong hai trường hợp là nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này.

Vì thế, trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng tổ chức, từng cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Với những hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử lý hình sự về tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ.

Trong đó, để kết tội đối với các bị can, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh mỗi lần đưa nhận hối lộ có số tiền đưa và nhận là từ 2 triệu đồng trở lên hoặc là lợi ích phi vật chất, các trường hợp được quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với những hành vi chưa thỏa vẫn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, với cán bộ công chức, viên chức vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, ngoài chế tài hành chính hoặc hình sự nêu trên.

"Tội nhận hối lộ" có mức phạt thấp nhất là từ 2 năm đến 7 năm tù và cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, trong vụ án này, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà các đối tượng có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên" – luật sư Đồng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem