28 tháng Chạp, cả làng ở Hà Tĩnh vẫn luôn tay luôn chân làm nên thứ tỏa mùi hương ngày tết

Tập Thỏa Thứ tư, ngày 18/01/2023 11:30 AM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều hộ gia đình tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đang “luôn tay, luôn chân” ngày lẫn đêm sản xuất các mặt hàng từ hương trầm cung ứng thị trường Tết cổ truyền. Các sản phẩm từ hương trầm thu về hàng trăm triệu mỗi năm.
Bình luận 0

Clip: Nhộn nhịp làng hương xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) những tháng cuối năm. 

Tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 1.700 hộ dân với hơn 5.500 nhân khẩu. Trong đó có hơn 90% các hộ dân đều trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây gió trầm. Những hộ trồng gió trầm có diện tích từ 3 sào đến 2 ha, tổng diện toàn xã khoảng hơn 300 ha.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 2.

Chị Võ Thị Nga (trú tại xóm 8, xã Phúc Trạch), “luôn tay, luôn chân” sản xuất hương, nhang và các sản phẩm từ hương trầm để phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: PV

Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê có nhiều tổ hợp tác, tổ hợp tác trồng, khai thác và chế biến cây gió trầm mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2022, ước tính tổng doanh thu trong xã là hơn 91 tỷ đồng.

Cây gió trầm là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương, loại cây này đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 3.

Hương trầm của Phúc Trạch thành phần của cây dó bầu có mùi thơm dịu nhẹ, không khắt nồng. Ảnh: PV

Tìm đến làng trầm hương xã Phúc Trạch những ngày này, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy móc làm việc lẫn trong đó là tiếng cười, nói của những người dân khi các sản phẩm từ cây gió trầm được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao.

Xác định dịp Tết Nguyên đán là thị trường lớn nhất năm, mang về nguồn thu "khủng" nên các cơ sở sản xuất, chế biến hương, nhang, trầm nụ đã làm việc "luôn tay, luôn chân" cả ngày lẫn đêm nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của bà con vào dịp cuối năm.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 4.

Theo chị Võ Thị Nga (trú tại xóm 8, xã Phúc Trạch) Từ cây dó, có thể làm được rất nhiều sản phẩm: hương trầm, cây cảnh, vòng trầm… Ảnh: PV

Tuy vậy, với nhu cầu khách hàng tăng, lượng mua quá đông dù các cơ sở đã tăng tốc tối đa nhưng vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của bà con.

Đang "luôn tay, luôn chân" sản xuất hương, nhang và các sản phẩm từ hương trầm để phục vụ Tết Nguyên đán, chị Võ Thị Nga (trú tại xóm 8, xã Phúc Trạch) cho biết: "Tết Nguyên đán là thị trường lớn nhất trong năm của chúng tôi, nên cơ sở tôi đã chuẩn bị hàng hóa từ tháng 6 (Al).

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 5.

Bột làm hương từ dó trầm có múi thơm dễ chịu. Ảnh: PV

Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường tăng cao nên hương thẻ, hương trầm trong kho dự trữ của gia đình đã gần cạn. Những ngày này, tôi cùng 8 nhân công khác làm việc ngày đêm để cố gắng đủ đơn hàng giao cho khách".

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 6.

Để hương nhanh khô, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão, anh Nguyễn Xuân Thủy cho hương vào lò để sấy. Ảnh: PV

"Những tháng cuối năm này, sản lượng hương bán ra của cơ sở tôi tăng từ 3-4 lần so những dịp khác trong năm. Mỗi năm trung bình vụ Tết, tôi bán ra thị trường khoảng một tấn hương với nhiều loại như hương thẻ, hương trầm, nụ hương, giá từ 40.000 -100.000 đồng/hộp (100 que hương) tùy loại; thu về khoảng 1 tỷ đồng. Năm nay thị trường ưa chuộng loại hương dài 38cm, nên tôi đã sản xuất thêm 2 tạ dành riêng cho sản phẩm này", chị Nga nói.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 7.

Theo người làm hương lâu năm ở xã Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh), khéo léo lăn thật nhẹ, chắc tay để cho bột bám đều vào que hương đều, đẹp. Ảnh: PV

Cách cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình chị Nga không xa, anh Nguyễn Xuân Thủy cũng đang bận rộn với những công việc cuối năm để nhanh chóng giao các sản phẩm từ hương trầm cho khách hàng.

Anh Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Để trầm có chất lượng tốt, màu sắc đẹp, lượng tinh dầu cao phải khai thác cây gió trầm có độ tuổi từ 15 năm trở lên. Sau khi khai thác, người chế biến dựa vào chất lượng, hình dáng trầm để quyết định tạo ra sản phẩm. Những khối trầm to, vân đẹp có mùi thơm sẽ được làm khối trầm cảnh, có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Khối trầm nhỏ hơn được tận dụng làm trang sức, hương trầm và tinh dầu trầm.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 8.

Người sản xuất hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương. Ảnh: PV

"Trước đây việc làm hương trầm rất vất vả do các công đoạn đa số phải làm thủ công, dựa vào thời tiết. Hiện nay, cơ sở của chúng tôi đã đầu tư nhiều máy móc như: máy xay bột trầm, máy làm hương, máy sấy… nên chất lượng cho ra đồng đều, hình thức sản phẩm đẹp được thị trường đón nhận tốt hơn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 40.000 hương tương đương với hơn 40kg bột nguyên liệu", anh Thủy nói.

Làng hương trầm Hà Tĩnh nhộn nhịp vào Tết - Ảnh 9.

Toàn huyện có 7 sản phẩm liên quan đến cây gió trầm được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê), cho biết: "Toàn xã Phúc Trạch có hơn 1.740 hộ dân với hơn 5.500 nhân khẩu. Trong đó có hơn 90% các hộ dân đều trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây gió trầm, tổng diện khoảng hơn 300 ha. Năm 2022, doanh thu bán các sản phẩm liên quan đến cây gió trầm đã thu về 91 tỷ đồng. Nhờ loại cây này, người dân địa phương đã xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu".

"Cứ cuối năm, nhiều hộ dân trong xã làm các sản phẩm như: hương thẻ, hương trầm, nụ hương… đang khẩn trương sản xuất để phục vụ Tết. Toàn xã đã có 7 sản phẩm liên quan đến cây gió trầm được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP" - ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem