Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị thay hình thức buôn chuyến

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 06/11/2022 18:24 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, việc xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội, thay thế hình thức đi buôn chuyến sang hợp tác xuất khẩu có sự kiểm soát của cả 2 bên.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10/2022 ước đạt 350 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2022 đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 43,3% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,06 tỷ USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 10/2022 đạt 230 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2022 đạt 1,69 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 38,5%), Hoa Kỳ (16,8%) và Ôxtrâylia (8,6%) là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.

5 lưu ý quan trọng khi xuất khẩu chuối sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Thu hoạch chuối tại Công ty Doveco (Ninh Bình). Ảnh: N.Chương.

Mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường tăng như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan…, tuy nhiên xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm. 

Trị giá xuất khẩu sang các thị trường lớn khác tăng trưởng tốt, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu vẫn thấp và không bù đắp được mức giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, do đó dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2022 khó đạt được mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu trái cây khởi sắc sau loạt Nghị định thư

Theo Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 310 triệu USD, tăng 23% so với tháng 9/2022 và tăng 28% so với tháng 10/2021.

Sự khởi sắc trong tháng 10/2022 là nhờ trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 152 triệu USD, tăng 44% so với tháng 10/2021.

Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt, như Mỹ đạt 219 triệu USD, Thái Lan đạt 153 triệu USD, Nhật Bản đạt 141 triệu USD...

Tuy nhiên, tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,75 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 1,2 tỉ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021.

P.V

Nói về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tạo điều kiện cho nhiều loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Sau khi cho phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, xuất khẩu chính ngạch thí điểm chanh leo, mới đây Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. 

"Tôi nghĩ chuối cũng như tất cả các nông sản khác của Việt Nam cần phải chuẩn hoá và đáp ứng được chuẩn mực của thị trường Trung Quốc. Do đó, việc xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký sẽ mở ra cơ hội. Có thể nói đây là thay thế hình thức đi buôn chuyến sang hợp tác xuất khẩu có sự kiểm soát của cả 2 bên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, với Nghị định thư vừa ký kết, muốn xuất khẩu chuối sang Trung Quốc phải có sự đồng thuận kiểm định của Bộ NNPTNT và Hải quan Trung Quốc. Có thể sẽ khó khăn hơn một chút nhưng khi chúng ta đưa quả chuối lên cửa khẩu sẽ giảm thời gian thông quan rất nhiều. 

"Tần suất kiểm tra ít đi, tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu cũng giảm, có lợi cho nhà xuất khẩu, từ đó có lợi cho bà con nông dân. Quả chuối khi đã chuẩn hoá được ngành hàng thì sẽ tiếp cận được những thị trường khác. Đó là thay đổi tư duy", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị chính quyền địa phương đứng ra tổ chức lại ngành hàng chuối ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan chức năng cùng vào hỗ trợ, để bà con nâng dần chất lượng trái chuối.

Bộ NNPTNT sẽ tăng cường truyền thông tới các nhà vườn, hợp tác xã, các cơ sở đóng gói, doanh nghiệp về tất cả những tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện theo đúng yêu cầu của thị trường.

Sẽ ký kết lại với Trung Quốc Nghị định thư xuất khẩu với 8 loại quả truyền thống

Ngoài 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư, hiện Việt Nam được xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán xuất khẩu gồm bưởi, na, dừa, roi, chanh ta…

Tuy nhiên, hiện thị trường Trung Quốc cũng đang thay đổi rất nhiều về chính sách như kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.

img

Đồng thời yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm, sẽ ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống với hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng…

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định kiểm nghiêm ngặt gồm biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248) trên "Hệ thống quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất nước ngoài nhập khẩu thực phẩm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem