Xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng vọt ở thị trường Trung Đông, châu Phi, lưu ý những "từ khóa" gì?

Trang Ngân Thứ hai, ngày 27/11/2023 18:10 PM (GMT+7)
10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm đều giảm so với cùng kỳ (châu Mỹ giảm 20,6%, châu Âu giảm 11,8%), đáng ngạc nhiên là thị trường châu Phi lại tăng tới 21,6%; châu Á tăng 5,7%.
Bình luận 0

Xuất khẩu nông sản sang Trung Đông, Châu Phi tăng nhanh 

10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm đều so với cùng kỳ (châu Mỹ giảm 20,6%, châu Âu giảm 11,8%), đáng ngạc nhiên là thị trường châu Phi lại tăng tới 21,6%; châu Á tăng 5,7%. Trong đó, Trung Đông và châu Phi là hai khu vực thị trường rộng lớn, đang có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là châu Á (chiếm 49,1%), châu Mỹ (22,6%), châu Âu (10,5%); hai khu vực có thị phần còn tương đối nhỏ là châu Phi (chiếm 2,1%) và châu Đại Dương (chiếm 1,5%).

Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của nước ta sang khu vực Trung Đông và châu Phi liên tục tăng, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào 2 khu vực này đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021) và 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 1,6 tỷ USD (tăng 11,7%).

Hàng nông sản Việt Nam tăng vọt ở thị trường Trung Đông, châu Phi, cần lưu ý những "từ khóa" gì? - Ảnh 1.

Nông sản, thủy sản, hàng phi thực phẩm Việt Nam tăng vọt cả về số lượng, chất lượng và chủng loại sản phẩm tại thị trường Trung Đông. Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn giới thiệu với các đại biểu về các mặt hàng nông sản Việt Nam tại hệ thống siêu thị Lulu và Al Maya, diễn ra từ ngày 9-15/11. Ảnh: TG&VN

Thông tin thêm về khu vực thị trường này, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi, nông sản, thủy sản luôn nằm trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có kim ngạch tăng trưởng tốt, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương. 

Cụ thể, châu Phi có nhu cầu cao đối với các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, các mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm đóng hộp, thủy sản... Trong khi đối với khu vực Trung Đông, các mặt hàng nông sản tiềm năng gồm: Gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, trái cây tươi (thanh long, chanh leo, vải, chanh không hạt...), thủy sản...

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết, trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm. Người Iran quý trọng Việt Nam và khá ưa chuộng hàng hóa Việt Nam. Các loại nông sản của Việt Nam như chè, cà phê, hạt tiêu, điều, hoa quả đều có tiềm năng xuất khẩu sang Iran. Hàng Việt có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang Iran nhờ cơ cấu bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh. Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Iran, đặc biệt là hàng nông sản còn nằm ở chỗ, nhu cầu nhập khẩu của Iran lớn do đất nước này thường xuyên bị hạn hán, mất mùa.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn còn rất hạn chế, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước đến nay mới chỉ đạt khoảng 100 triệu USD/năm. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Iran cũng như mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Tại Iran, trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 120kg hoa quả/năm, trong đó người dân rất ưa chuộng dứa, xoài. Nếu làm tốt công tác thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu các loại hoa quả khác như thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi... Ngoài ra, thói quen nổi bật trong văn hoá tiêu dùng của người Iran cho thấy tiềm năng xuất khẩu chè, cà phê vào thị trường này rất lớn. Hiện, Iran chủ yếu nhập khẩu cà phê dạng nguyên liệu, chè đen, chè xanh. Trong khi đó, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này. 

Xuất khẩu nông sản vào Trung Đông cần lưu ý "từ khóa" quan trọng: Chứng chỉ Halal 

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE (Tiểu vương quốc các nước Ả Rập thống nhất), ông Trương Xuân Trung cho biết, UAE là quốc gia giàu có và dân số ngày càng tăng trong hai thập kỷ qua, do đó họ có nhu cầu nhiều hơn về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. 80% thực phẩm và đồ uống được UAE nhập khẩu.

Hàng nông sản Việt Nam tăng vọt ở thị trường Trung Đông, châu Phi, cần lưu ý những "từ khóa" gì? - Ảnh 2.

Hồi tháng 10, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE phối hợp cùng hệ thống siêu thị Al Maya tại Dubai tổ chức Tuần hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu 2023.

Ngoài ra, UAE là thị trường mở, hầu như không có rào cản thương mại, nhưng đây là một thị trường cạnh tranh rất gay gắt. Các sản phẩm muốn xuất vào đây phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu không được vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, nông sản xuất khẩu vào UAE phải có giấy chứng nhận Halal (chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo), giấy kiểm định y tế...

Ông Trung cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đàm phán và áp dụng điều khoản thanh toán an toàn nhất khi giao dịch với các doanh nghiệp UAE.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ả rập Xê út cho biết, nước này có nhu cầu lớn đối với các loại nông sản, thực phẩm, thực phẩm Halal, organic, rau quả tươi. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 200 triệu USD/năm, trong đó hàng nông, thủy sản đạt trên 80 triệu USD. Nước này cũng có quy định chặt chẽ khi hàng hóa phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả rập Xê út và phải được cơ quan này chấp nhận. 

Bên cạnh đó, cơ quan này còn thực thi thanh tra, kiểm tra rất nghiêm ngặt, họ có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để xác minh rằng, các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Ả rập Xê út...

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật), các quy định về biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật tại mỗi nước trong khu vực Trung Đông, châu Phi khác nhau, tuy nhiên sản phẩm nông sản, thực phẩm đưa vào các thị trường này cần lưu ý "từ khóa" rất quan trọng liên quan đến tôn giáo, đó là chứng chỉ Halal.

Đây cũng là hai khu vực đặc biệt đối với thị trường nông sản Việt Nam. Năm 2023, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) cũng đang trong quá trình thảo luận. Đây là những Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giúp mở cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu vào thị trường Trung Đông.

Mặc dù 2 thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội, song ông Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp cẩn trọng khi giao dịch hàng hóa bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, tập quán kinh doanh cũng như hiện tượng lừa đảo, gian lận. Do mạng lưới thương mại của Việt Nam ở khu vực này còn mỏng, dịch vụ logistics hạn chế nên các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này khiến giá nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đội lên, giảm tính cạnh tranh... 

Đối với thị trường châu Phi, hiện có 45/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO, do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường. Thương mại Việt Nam - châu Phi đã tăng từ mức 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến châu Phi đạt 2,8 tỷ USD. Các mặt hàng như gạo, cà phê, thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem