Thị trường xuất khẩu điều nhân chưa sáng sủa, giá xuất khẩu điều mất cân đối nghiêm trọng

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 28/02/2023 06:09 AM (GMT+7)
Bức tranh xuất khẩu điều nhân tiếp tục đối diện hàng loạt khó khăn trong năm 2023. Ngành chế biến điều nhân xuất khẩu cần thận trọng và nhẫn nại chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Bình luận 0

Đây là nhận định chung của phiên tọa đàm về sản xuất và kinh doanh điều nhân tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại TP.HCM ngày 27/2.

Xuất khẩu điều nhân giảm cả lượng và giá

Ông Vũ Thái Sơn – Giám đốc Công ty CP Long Sơn cho biết, bức tranh xuất khẩu điều nhân biến đổi rõ rệt trong giai đoạn 2019-2022, tức là trước và sau đại dịch Covid-19.

Các đại biểu thảo luận về tình hình xuất khẩu điều nhân tại Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các đại biểu thảo luận về tình hình xuất khẩu điều nhân tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 459.500 tấn điều nhân các loại, tăng 16,65% so với năm 2018, trị giá đạt 3,2 tỷ USD.

Năm 2019, lượng điều nhân xuất khẩu tăng nhưng giá trung bình lại giảm, chỉ còn 7,239 USD/kg (USD 3.28.lb fob/cnf), giảm 13,5% so năm 2018. Giá điều nhân giảm khiến doanh thu giảm.

Năm 2020 và 2021, ngành điều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thế nhưng xuất khẩu điều nhân vẫn tăng về lượng.

Năm 2020, xuất khẩu điều đạt 521.419 tấn, tăng 13,48% nhưng giá trị giảm 2,13% so cùng kỳ. Giá bình quân giảm chỉ còn 6,2 USD/kg.

Năm 2021, xuất khẩu điều nhân vẫn tăng về lượng, đạt 609.000 tấn (tăng 16,85%). Tuy nhiên, giá trung bình chỉ còn 6,11 USD/kg, giảm 1,77%.

Năm 2022, hậu Covid-19, ngành điều lại bị ảnh hưởng bới xung đột Nga - Ucraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát gần đây.  

Năm 2022, xuất khẩu điều nhân Việt Nam sụt giảm cả lượng và giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2022, xuất khẩu điều nhân Việt Nam sụt giảm cả lượng và giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lần đầu tiên trong nhiều năm xuất khẩu điều nhân, số lượng điều xuất khẩu giảm 14,811%, chỉ còn 519.000 tấn.  

Giá trị xuất khẩu cũng giảm, kim ngạch xuất khẩu điều nhân chỉ đạt 3,07 tỷ USD, giảm 19,57%. Giá xuất khẩu trung bình giảm còn 5,809 USD/kg.

Ông Vũ Thái Sơn đánh giá việc xuất khẩu điều nhân sụt giảm sản lượng là hiện tượng hiếm gặp của ngành điều Việt Nam, vì trước đây lượng xuất luôn tăng.

Còn tính cả giai đoạn 5 năm (2018-2022), giá xuất khẩu giảm liên tục từ 9 USD xuống 5,8 USD/kg.

Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu điều nhân

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu điều nhân năm 2023 có vài tín hiệu tích cực. Trước hết là giá điều thô đã dần trở lại giá trị thực. Bởi vì trước đó, một số doanh nghiệp lớn thu mua điều thô khá cao, buộc các công ty khác phải mua theo giá cao.

Khi giá điều thô thực chất hơn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội cân đối giá nhân và giá thô. Tuy nhiên, giá điều thô hiện còn ở mức cao, tình trạng mất cân đối giá điều nhân và giá điều thô vẫn còn.

Tiếp nữa là thị trường Trung Quốc đã mở cửa. Việt Nam hy vọng có thể xuất khẩu nhiều hơn qua thị trường này. Tuy nhiên, thị phần điều nhân xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 10-11%, không phải là quá lớn.

Ông Vũ Thái Sơn – Giám đốc Công ty CP Long Sơn cho rằng năm 2023, xuất khẩu điều nhân tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Vũ Thái Sơn – Giám đốc Công ty CP Long Sơn cho rằng năm 2023, xuất khẩu điều nhân tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Vũ Thái Sơn nhìn nhận, thực tế, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu năm 2023 vẫn gặp nhiều thách thức.

Chi phí sản xuất, chi phí vận tải, chi phí nhân công đều tăng trong khi ngành điều không có thêm công nghệ mới giúp giảm chi phí sản xuất.  

Lãi suất tăng ở mức cao, 8-12% khiến doanh nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu khó vay vốn.

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. "Nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng hạt điều nhân vẫn chưa tăng, thị trường xuất khẩu điều nhân vẫn chưa sáng sủa", ông Sơn nói.

Tìm lời giải cho tình trạng mất cân đối giữa giá điều nhân và điều thô là bài toán khó hiện nay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tìm lời giải cho tình trạng mất cân đối giữa giá điều nhân và điều thô là bài toán khó hiện nay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Marc Rosenblat, đại diện Công ty Richard Franco Agency, Inc. (Mỹ) cho rằng bức tranh xuất khẩu điều nhân Việt Nam vẫn có những khởi sắc nhất định.

Việc giá xuất khẩu tăng lên hoặc cân bằng lại tình trạng mất cân đối với giá điều thô sẽ có độ trễ. Ngành điều Việt Nam cần nỗ lực duy trì vị trí ngành hàng dẫn đầu thế giới của mình.

Ít nhất, người tiêu dùng Mỹ vẫn thích ăn hạt điều Việt Nam. Tuy nhiên, đã có những phản ánh gần đây từ phía người dùng về chất lượng hạt điều suy giảm. Theo ông Marc Rosenblat, nguyên nhân do tình trạng trữ hàng điều thô quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân.

Thị trường hạt điều sẽ thay đổi nhưng cần thời gian. Trong giai đoạn khó khăn này, sẽ có nhiều công ty biến mất khỏi thị trường. Nhưng doanh nghiệp nào đủ lực vượt qua sẽ có mức độ phát triển hơn nữa.

"Việc cần thiết lúc này là cố gắng giảm thiểu rủi ro, chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường", ông Marc Rosenblat đề nghị.

Ông Marc Rosenblat, đại diện Công ty Richard Franco Agency, Inc., (Mỹ) đề nghị Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí ngành hàng dẫn đầu thế giới của mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Marc Rosenblat, đại diện Công ty Richard Franco Agency, Inc. (Mỹ) đề nghị Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí ngành hàng dẫn đầu thế giới của mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Văn Hiệp – Phó Chủ tịch Vinacas thừa nhận, tình trạng mất cân đối giữa giá điều nhân và điều thô đang trầm trọng.  

Tin vui là năm 2023, ngành điều đã tổ chức lại được hội nghị điều quốc tế, để mọi người cùng chia sẻ quan điểm về thị trường, và cơ hội thách thức gặp phải.

Sau phiên tọa đàm về sản xuất và kinh doanh điều nhân, hội nghị sẽ tiếp tục bàn thảo sâu hơn về điều thô.

"Quan trọng hơn là phải tìm tiếng nói chung giữa các bên trong chuỗi cung ứng điều toàn cầu, để tìm được cơ hội hợp tác, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên", ông Hiệp chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem