Bà con làng Phương Độ rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy tạ ơn Thành Hoàng làng dịp Đại lệ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 11/11/2022 13:55 PM (GMT+7)
Đại lệ (mùng 10/10 âm lịch) là dịp lễ lớn trong năm tại làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Vào dịp này, bà con trong làng lại tổ chức rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy, để tạ ơn Thành hoàng làng đã phù hộ cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Bình luận 0

Ông Đồng Văn Vừa cho biết, lễ rước kiệu vào ngày mùng 10/10 âm lịch hằng năm đã có từ lâu đời và được phục dựng lại vào năm 1993 (Clip: Hà Thanh)

Cứ vào dịp 10/10 âm lịch hằng năm, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa là đến dịp Đại lệ của làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Vào dịp này, bà con trong làng lại náo nức ra đình làng rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy để dâng lên Thành Hoàng làng (tức Đức Thánh Dương Tự Minh), tỏ lòng biết ơn ngài đã ban cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ông Đồng Văn Vừa - Phó Ban quản lý di tích Đình chùa Phương Độ cho biết: "Vào ngày đầu năm, người dân trong làng sẽ tổ chức lễ hội Rằm tháng Giêng để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa và mùa màng tốt tươi, nhà nhà bình yên hạnh phúc.

Đến tháng 10 âm lịch, thời điểm bà con thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, người dân trong làng lại tổ chức Đại lệ. Bà con cùng nhau gói bánh chưng, giã bánh giầy để dâng lên Thành Hoàng làng những sản phẩm của một năm lao động sản xuất, cùng với lễ nghi rước kiệu."

Cùng bà con Thái Nguyên đón tết cơm mới, rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng  - Ảnh 2.

Những chiếc bánh giầy

Cùng bà con Thái Nguyên đón tết cơm mới, rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng  - Ảnh 3.

và bánh chưng được bà con làng Phương Độ gói và bày ra mâm để chuẩn bị dâng lên Thành Hoàng làng (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi hoàn tất các thủ tục dâng lễ lên Thành Hoàng làng tại đình Phương Độ, người dân trong làng sẽ tổ chức rước kiệu từ đình Phương Độ đến hai nghè của hai vị quan văn và quan võ được dân làng thờ tự bao đời nay.

Nghi thức rước kiệu được chuẩn bị gồm 2 kiệu, mỗi kiệu có 27 quan viên rước kiệu từ đình đến hai nghè đi theo 2 hướng khác nhau.

Trong đó, 1 kiệu rước bát hương của Đô thống Lý Hiển Vinh (tức quan võ) lên nghè trên và 1 kiệu rước bát hương của quan văn Đỗ Như Mai xuống nghè dưới.

Về làng Phương Độ xem bà con rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng - Ảnh 4.

Nghi thức rước kiệu từ đình chùa làng Phương Độ đi hai nghè vào mỗi dịp mùng 10/10 âm lịch hằng năm (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi rước kiệu về nghè, chủ tế sẽ thực hiện nghi thức tế lễ và dâng hương. Tiếp theo, 2 kiệu được rước quay trở về đình, khi đó 2 đoàn sẽ gặp nhau tại một địa điểm đã được định sẵn.

Khi về đến cổng đình, 2 kiệu sẽ dừng lại để chờ lễ của làng rước ra với bánh chưng bánh giầy, sau đó lễ làng đi trước, còn 2 kiệu đi song song, trong đó kiệu của quan văn đi trước nửa thân kiệu. Đến cửa đình làng, kiệu quan văn đi bên phải vào trước, kiệu quan võ đi bên trái vào sau.

Bà con làng Phương Độ rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng ngày Đại lệ 10/10 - Ảnh 5.

Nghi thức rước kiệu từ 2 nghè trở lại đình Phương Độ (Ảnh: Hà Thanh)

Tiếp đó, bát hương của quan văn và quan võ được đưa lên ban thờ để thờ một đêm tại đình. Sau đó là nghi thức tế lễ.

Bà con làng Phương Độ rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng ngày Đại lệ 10/10 - Ảnh 6.

Nghi lễ dâng hương và tế lễ tại đình Phương Độ (Ảnh: Hà Thanh)

Để tổ chức nghi lễ rước kiệu, người dân trong làng sẽ lựa chọn 19 vị quan viên tế, 1 ông chủ tế, 2 ông chiêng, trống và 54 quan viên rước kiệu.

Người được chọn rước kiệu phải là những thanh niên khỏe mạnh, ưu tú, còn quan viên tế là những người trong gia đình văn hoá, gia phong nề nếp, gia đình không có tang, con cái đuề huề.

Về làng Phương Độ xem bà con rước kiệu, làm bánh chưng bánh giầy cảm tạ Thành Hoàng làng - Ảnh 5.

Người dân trong làng lựa chọn 19 vị quan viên tế, 1 ông chủ tế, 2 ông chiêng, trống và 54 quan viên rước kiệu (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Vừa cho biết thêm, nghi thức rước kiệu đã có từ lâu đời, ông cũng không nhớ rõ có từ khi nào. Tuy nhiên, theo quá trình phát triển của lịch sử, có những thời điểm nghi thức này dần bị mai một.

Đến năm 1993, khi địa phương đón Bằng công nhận di tích Đình - Chùa làng Phương Độ là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nghi thức này được phục dựng lại nền nếp hơn và tổ chức thường niên từ đó đến nay, trên cơ sở gìn giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc.

Còn phong tục làm bánh chưng, bánh giầy, theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày mùng 10/10 âm lịch là nhân dân của 9 xóm (thuộc làng Phương Độ xưa) sẽ cùng nhau ra đình gói bánh vừa để dâng lên Thành Hoàng làng, vừa để thi đua giữa các đội với nhau.

Đây là những nghi thức được người dân làng Phương Độ gìn giữ bao đời nay, thể hiện sự tôn kính đối với những người có công với nước, đem đến cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Ngày lễ này vừa thể hiện nét tín ngưỡng tâm linh, vừa thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang đậm tính nhân văn sâu sắc của người dân nơi đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem