Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Nam Giang đổi mới sản xuất, nâng tầm đặc sản...

Trần Hậu Thứ bảy, ngày 11/12/2021 18:20 PM (GMT+7)
Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng nâng cao... là những đổi thay rõ nét của huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

"Vượt lên chính mình"

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang cho biết, cũng như các huyện khác Nam Giang bắt đầu xây dựng NTM từ năm 2010. Mặc dù là huyện miền núi, có xuất phát điểm thấp nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và nguồn vốn lồng ghép từ nhiều chương trình dự án của huyện, Nam Giang đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ đó bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Công tác tuyên truyền thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức từ huyện đến xã, và nhân dân về xây dựng NTM đã có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác định rõ ràng.

Giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn được huy động trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nam Giang là hơn 155 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 117 tỷ, vốn sự nghiệp gần 38 tỷ. Từ nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nhằm từng bước đáp ứng các tiêu chí đề ra.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Nam Giang đổi mới sản xuất, nâng tầm đặc sản... - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng huyện Nam Giang (Quảng Nam) được đầu tư ngày càng khang trang. Ảnh: Công Tú

Sau 10 năm, tổng số tiêu chí đạt được của 11 xã tham gia Chương trình NTM trên địa bàn huyện là 118 tiêu chí (đạt bình quân 10,73 tiêu chí/xã); trong đó xã Tà Bhinh đạt cao nhất với 15 tiêu chí; các xã Đắc Pring, Đắc Pre, La Êê và Chơ Chun đạt thấp nhất với cùng 8 tiêu chí. Dấu ấn lớn nhất trong xây dựng NTM thời gian qua là đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, để đưa các xã về đích NTM, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, tạo cơ chế thuận lợi, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào địa bàn miền núi để hỗ trợ nhân dân trong huyện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...

Ông Chương cho biết thêm, dù đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương, song Nam Giang vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, đó là điều trăn trở của cán bộ và nhân dân huyện nhà. 

Khó khăn trong quá trình phấn đấu xây dựng xã về đích NTM đó là hầu hết các xã trong huyện đều có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên để hoàn thành đủ các bộ tiêu chí chuẩn NTM không phải là dễ dàng.

Nguyên nhân khách quan do Nam Giang là huyện miền núi, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc nên việc ứng dụng máy móc, khoa học – công nghệ vào canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó là hệ thống giao thông chưa thuận tiện nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ quan, bà con nhân dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo (85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số), thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kỹ thuật canh tác còn thô sơ, lạc hậu; đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế...

Phấn đấu có xã về đích NTM giai đoạn 2021-2025

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Nam Giang đổi mới sản xuất, nâng tầm đặc sản... - Ảnh 3.

Chăn nuôi lợn cỏ địa phương trở thành mô hình hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Nam Giang. Ảnh: B.H

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Nam Giang đổi mới sản xuất, nâng tầm đặc sản... - Ảnh 4.

Ông Chương cho biết, những năm qua, bằng nguồn lực lồng ghép từ các chương trình và ngân sách huyện, Nam Giang đã hỗ trợ người dân các loại giống cây ăn quả, cây dược liệu, keo Úc, bò và lợn cỏ địa phương với kinh phí gần 50 tỷ đồng. 

Ngoài ra, duy trì mô hình phát triển cây ăn quả tại 2 xã La Dêê và Tà Bhing với 6ha bưởi da xanh và gần 1ha bơ đang sinh trưởng; cùng hơn 1.336ha cao su đại điền trồng tại một số xã được chăm sóc và khai thác hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động trực tiếp.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn huyện Nam Giang đã có 5 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Túi A Đirh, chuối rừng khô, rượu Tà Vạc cất, muối đặc sản Nam Giang, trà đậu đen. Hiện nay, Nam Giang tiếp tục xây dựng các sản phẩm tiềm năng khác như thịt lợn đen gác bếp, mít sấy, bưởi... thành sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Với những thành quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua cùng với những chính sách, chiến lược hợp lý, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Nam Giang phấn đấu sẽ có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM là xã Tà Bhinh và xã La Dêê, đồng thời xây dựng kế hoạch cho 13 thôn đạt chuẩn NTM và 2 thôn đạt tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn hết sức quan trọng khi thực hiện song song Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", để thực hiện thành công mục tiêu kép này, Huyện ủy Nam Giang đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 19/1/2021 và UBND huyện Ban hành kế hoạch số 57 (ngày 27/5/2021), triển khai Nghị quyết số 02 về xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, huyện tập trung chủ trương thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trước mắt, huyện cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và triển khai sản xuất theo quy hoạch; tập trung phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương...

Nam Giang cũng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35/2021 của HĐND tỉnh; duy trì và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đem lại kinh tế cao, gắn phát triển kinh tế vườn với chỉnh trang nhà vườn theo tiêu chí NTM; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế; nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả có giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem