Quay cuồng khi xăng tăng giá kỷ lục: Tài xế taxi "đau đầu", muốn chuyển nghề (bài 1)

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 15/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước giá xăng tăng cao kỷ lục, ông Hoàng Viết Phong, tài xế taxi tại Hà Nội chán nản muốn chuyển nghề. Nhiều người khác cũng chung nỗi niềm trăn trở bởi cái gì cũng tăng giá.
Bình luận 0

Chiều 13/6, giá xăng đã được điều chỉnh, cụ thể E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít. Như vậy, xăng đã có 6 phiên liên tiếp tăng giá, liên tục xô đổ mọi kỷ lục đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới.

Loạt bài "Quay cuồng khi giá xăng tăng kỷ lục" dưới đây của PV Dân Việt phần nào chia sẻ được những tâm tư khó khăn, trăn trở của tài xế taxi, xe công nghệ, người tiêu dùng…

Tài xế taxi "vò đầu, bứt tai" khi xăng tăng giá

Trưa ngày 14/6, ông Hoàng Viết Phong (52 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) tạm dừng xe taxi ở ven đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa trong lúc chờ khách. Ngày này, trời Hà Nội oi nóng nhưng vì tiết kiệm chi phí xăng dầu, ông Phong tắt máy đứng bên ngoài. 

Quay cuồng khi giá xăng xô đổ kỷ lục: Tài xế taxi "đau đầu", muốn chuyển nghề (bài 1) - Ảnh 2.

Ông Hoàng Viết Phong làm nghề lái taxi đến nay đã 14 năm và đây là lần đầu tiên ông chứng kiến xăng tăng cao kỷ lục. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phong cho biết, một ngày qua kể từ khi nghe tin giá xăng dầu tăng cao kỷ lục khiến cánh tài xế như ông thêm "vò đầu, bứt tai". Làm công việc lái xe taxi đến nay đã 14 năm nhưng trước việc khách mỗi ngày một ít trong khi chi phí xăng dầu liên tục cao khiến ông đôi lúc chán nản và tính chuyển nghề.

"Công việc của tôi thường bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới 20 giờ tối mỗi ngày mới trở về nhà. Mỗi ngày như thế nếu có khách thì tổng tiền thu được khoảng từ 1-1,5 triệu đồng. Nếu như 1 triệu trừ tiền trích lại cho hãng taxi 50%, tôi còn 500 nghìn đồng. Số tiền đó nếu như trước trích ra khoảng 200 nghìn tiền xăng mình được lãi 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, giờ đây xăng tăng cao kỷ lục như vậy mình chỉ còn lãi khoảng 200 nghìn đồng, trong khi làm từ sáng tới tối mới nghỉ", ông Phong than phiền.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm (bài 1) - Ảnh 3.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Phong, số tiền kiếm được mỗi ngày của ông dao động từ khoảng 200-300 nghìn đồng. Nếu như trước thu nhập của ông mỗi tháng khoảng trên 10 triệu đồng thì nay chỉ còn dưới 10 triệu đồng. Trong khi, có một số lần trong lúc ra vào dừng đỗ đón khách tài xế này còn bị xử phạt hành chính vì vi phạm. 

"Xăng tăng kéo theo thu nhập giảm nên khả năng tôi phải chuyển nghề. Trong khi đó, tài xế cũng không tránh phải những lúc rủi ro thì chỉ lấy công làm lãi. Những ngày nắng nóng điều hoà bật liên tục, xăng tốn hơn. Nhiều khi không có điểm đỗ tài xế phải chạy lòng vòng chờ đón khách cũng tốn xăng. Tầm tuổi này tôi đang tính sau xin làm bảo vệ chứ xăng cứ tăng thế này thì khó khăn lắm", ông Phong chia sẻ.

Những trăn trở khi xăng tăng giá kỷ lục

Đứng cùng đồng nghiệp dưới trời nắng ở đường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, anh Nguyễn Đức Duy, tài xế xe công nghệ cho biết, xe của bạn mình do chạy nhiều dưới nắng nóng đã bị bục két nước. Sau một hồi kiểm tra, anh Duy khuyên bạn cần phải đi đến gara sửa chữa.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm (bài 1) - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Đức Duy (ngoài cùng bên trái) đang cùng đồng nghiệp kiểm tra xe ô tô bị bục két nước. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Duy cho biết, đã làm nghề tài xế công nghệ vài năm nay. Nếu như trước đây, ngày nào chăm chỉ "cày cuốc" từ sáng tới đêm trừ chi phí thu nhập của anh được khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, giờ đây chi phí chiết khấu cao đến gần 40% cộng thêm giá xăng tăng nếu trừ hết tất cả, số tiền công anh kiếm được chỉ dao động từ 200-300 nghìn đồng mỗi ngày.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm (bài 1) - Ảnh 5.

Theo anh Duy, giờ đây chi phí chiết khấu cao đến gần 40% cộng thêm giá xăng tăng nếu trừ hết tất cả số tiền công anh kiếm được chỉ giao động từ 200-300 nghìn đồng mỗi ngày. Ảnh: Gia Khiêm

"Như bạn tôi nay bị bục két nước xe ô tô tính ra phải sửa hết tiền triệu. Giờ phải ra để hãng báo giá. Tháng này coi như lấy công làm lãi, chấp nhận rủi ro. Xăng tăng giá trong khi giá chi phí mỗi cuốc xe vẫn giữ nguyên, trời nắng nóng tiêu hao nhiên liệu nhiều khiến nhiều tài xế lo lắng khi ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình", anh Duy nói thêm.

Tài xế giao hàng nói gì khi xăng tăng cao kỷ lục. Clip: Gia Khiêm

Nhận vận chuyển hàng từ ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa giao đến 192 phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội với giá 22 nghìn đồng, bạn Hoàng Công Long, sinh viên Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi giao hàng thành công trừ tiền chiết khấu từ hãng, bạn sẽ nhận được khoảng 18 nghìn đồng. 

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm (bài 1) - Ảnh 7.

Hoàng Công Long cho biết, mỗi ngày chạy khoảng 8 tiếng ngoài đường, tiền công khoảng 200 nghìn đồng. Ảnh: Gia Khiêm

Theo Long, xăng tăng giá cao kỷ lục đã ảnh hưởng đến thu nhập của những tài xế vận chuyển hàng như anh. Trung bình mỗi ngày Long nhận giao hàng trong khoảng 8 tiếng liên tục ngoài đường với khoảng 200 nghìn đồng tiền công sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, giá xăng tăng có thể thu nhập của anh cùng nhiều người khác cũng đang bị giảm theo.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người. Ảnh: Gia Khiêm (bài 1) - Ảnh 8.

Vận chuyển hàng từ ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa giao đến 192 phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội dưới trời nắng nóng, trừ tiền chiết khấu, Hoàng Công Long nhận được 18 nghìn đồng chưa kể chi phí xăng. Ảnh: Gia Khiêm

"Với những sinh viên như tôi đây là việc làm thêm để có thêm thu nhập. Xăng tăng giá nhưng vì cuộc sống mình vẫn phải chạy. Kể cả xăng tăng lên 35 nghìn đồng/lít thì tôi vẫn phải chạy. Tôi mong muốn bình ổn giá xăng để mọi người đỡ chi phí đi lại, cuộc sống bớt khó khăn", Long nói thêm.

Cũng như Long, ông Phong và nhiều tài xế khác hàng ngày đang phải bỏ số tiền lớn trả chi phí xăng dầu mong muốn giá xăng hạ xuống.

"Có như vậy người lao động mới đỡ khổ, công ty taxi cũng không hỗ trợ mình tiền xăng. Tôi mong dù không giảm được nhiều nhưng nếu giá xăng xuống được một vài nghìn đồng/lít cũng là tốt lắm rồi", ông Phong nói thêm.

Còn tiếp!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem