“Vua dừa” ươm 100.000 gốc dừa để phủ xanh Trường Sa

Trần Đáng (Dòng Đời) Thứ sáu, ngày 26/09/2014 07:17 AM (GMT+7)
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, “Vua dừa” Tám Thưởng (Đỗ Thành Thưởng, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) vẫn còn kịp thực hiện công trình để đời: Sẽ phủ xanh Trường Sa bằng 100.000 gốc dừa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. 
Bình luận 0

Với những đóng góp lớn cho sự phát triển của cây dừa, ông Tám Thưởng hai lần được vinh dự nhận giải thưởng Quốc tế: Năm 1999, ông được nhận bằng khen “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam” do Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương trao tặng; năm 2004, ông nhận giải  “Tree of Life” (Cây cuộc sống) của Viện Tài nguyên giống cây trồng quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì những vinh danh này mà ông Tám Thưởng lâu nay được dân Bến Tre phong làm…  “Vua dừa”.

Theo “Vua dừa”, việc đem dừa ra phủ xanh Trường Sa là một cách khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là nghĩa tình của người dân đất liền đối với người lính... 

Rồi một ngày Trường Sa rợp bóng dừa

Thật sự khi biết được thông tin “Vua dừa” sẽ đem 100.000 gốc dừa ra phủ xanh Trường Sa tôi cảm thấy như đang nghe nhầm, bởi lẽ đất đâu ở Trường Sa đủ chỗ trồng 100.000 gốc dừa (?). Tuy nhiên, khi nghe ông nói đã ươm được 500 cây dừa dứa cho kế hoạch phủ xanh Trường Sa và có nhã ý mời về xem thử, tôi mới cũng cố lòng tin của mình.
img “Vua dừa” Tám Thưởng và 500 cây dừa dứa mới ương.

Qua bến phà Hưng Phong, tôi men theo con đường đất nhỏ loằn ngoằn trên Cồn Ốc tìm đến nhà ông Tám. Có thể nói, nếu như Bến Tre là nơi trồng dừa nhiều nhất ở Việt Nam với khoảng 70.000ha, thì Cồn Ốc là nơi trồng dừa ngon nhất Bến Tre. Dừa trồng ở đây cơm ngon, nước ngọt, thơm lừng. Nghe đâu, chất lượng dừa được vậy cũng là do thổ nhưỡng, mà đặc biệt là hấp thụ được những tinh chất của con nước lợ.    

Trong một gốc vườn xanh rợp bóng dừa, “Vua dừa” đang lui cui chăm chút những những gốc dừa dứa 3 tháng tuổi cao chưa đến đầu gối. Thấy tôi đến, ông già Nam Bộ nở nụ cười thân thiện: “Chú em lại đây xem đám dừa dứa tui mới ươm nè. Đám dừa này chuẩn bị sẽ đem ra Trường Sa trồng đó”. Theo ông Tám, thật ra đợt này ông ươm đến 1.300 gốc dừa dứa nhưng thành công chỉ được 500 gốc. “Vua dừa” cho biết tỷ lệ ươm giống dừa dứa hiện nay thành công khá thấp, khoảng 20 - 30%. Mấy tháng qua, ông đã vận dụng rất nhiều đến kiến thức, kinh nghiệm trồng dừa để có được số dừa dứa giống hiện nay. 

Giải thích vì sao lại phải đem dừa dứa ra trồng ở Trường Sa mà không phải giống dừa khác dễ ươm hơn, “Vua dừa” hào sảng nói: “Đã cho thì cho phải cho cái gì tốt đẹp nhất, nhất lại là một nơi điều kiện sống quá khắc nghiệt đối với các chiến sĩ. Dừa dứa là một trong những loại dừa ngon nhất hiện hay. Nước ngọt, cơm dẻo, thơm, không chê vào đâu được”. Quan trọng hơn, theo “Vua dừa”, việc đem dừa ra phủ xanh Trường Sa là một cách khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là nghĩa tình của người dân đất liền đối với người lính… 

Theo tính toán, mỗi ha đất chỉ có thể trồng khoảng 200 gốc dừa. Như vậy, để trồng 100.000 gốc dừa thì phải cần đến 500 ha đất. Khi nghe tôi thắc mắc lấy đâu ra đất ở Trường Sa đủ để trồng 100.000 gốc dừa? ông già Nam Bộ gãi trán rồi cười thành tiếng: “Tui biết là Trường Sa chẳng có đủ đất để trồng 100.000 gốc dừa, nhưng vẫn phải quyết chí đề ra kế hoạch ấy để phủ xanh Trường Sa. Sau khi phủ xanh Trường Sa mà chưa hết số dừa thì trồng luôn ở đảo Lý Sơn, nếu không hết nữa thì có thể quy ra tiền mà ủng hộ chiến sĩ Trường Sa”. Nhìn ông già Nam Bộ lạc quan với kế hoạch phủ xanh Trường Sa mà thấy nể ổng quá! 

Thành “vua” nhờ ‘trái dừa lạ”

Theo lời ông Tám Thưởng, để được làm “vua”, ông đã trải qua rất nhiều khó khăn, thăng trầm. “Gia đình tui đã 4 đời là nông dân trồng dừa. Để có được thành công với cây dừa  hôm nay là một sự đúc kết biết bao kinh nghiệm của cha ông và bản thân” - ông cho biết.
img “Vua dừa” Tám Thưởng.

Tuy nhiên, nếu không có sự kiện “trái dừa lạ” xuất hiện thì có thể nói ông Tám Thưởng khó mà được làm “vua”. “Vua dừa” Tám Thưởng kể, thập niên 90 thế kỷ trước, dừa đột ngột rơi vào cảnh sinh tử khi giá tuột thê thảm. Một số hộ bắt đầu chối bỏ cây dừa. Hàng loạt vườn dừa bị hạ sát thay vào đó là những cây ăn trái khác. Chính ông Tám Thưởng cũng muốn dứt tình với cây dừa 4 đời dòng họ sống chết.

“Nhưng rất may, trong lúc thu hoạch vụ dừa cuối cùng trước khi chuẩn bị đốn vườn dừa trồng cây khác, tui phát hiện dưới kênh có một trái dừa lạ. Cuống dừa có hình giống như một con chim phượng đang gắp trái dừa dang cánh bay đi. Cầm trái dừa trên tay, tui liên tưởng ngay đến một điềm báo tốt đẹp: Rồi đây người trồng dừa Bến Tre sẽ qua thời khốn khó, trái dừa sẽ được bay cao, bay xa! Hiện trái dừa này được ông lồng trong một tủ kính đặt trang trọng trong gian phòng khách như để tri ân. 

 

Đúng là sau đó, trái dừa Bến Tre vượt qua khủng hoảng và bước vào thời hoàng kim. Có thời điểm giá dừa trên thị trường đạt mức kỷ lục. Chẳng biết có phải do điềm ứng tốt đẹp của “trái dừa lạ” trong vườn ông Tám Thưởng hay do tình trạng hạ sát vườn dừa hàng loạt ở Bến Tre đã dẫn đến việc thiếu dừa nên giá trên thị trường tăng kỷ lục.   

Năm 1993, ông Thưởng lại gặp may. Ông kể, vào một buổi chiều, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh – giảng viên Trường ĐH KHTN TP.HCM, tìm đến nhà ông cho biết bà vừa mới lai tạo được giống dừa PB121. Đây là giống lai giữa dừa lùn Malaysia và dừa cao Tây Phi cho trái rất sai, khoảng 150 trái/cây/năm và lượng dầu trong dừa khá nhiều. Nếu ông muốn trồng, bà sẽ giao giống. Thế là ông đồng ý ngay và làm theo hướng dẫn của nữ tiến sĩ. Thấy ông nhiệt tình với giống dừa mới, Viện này còn “gởi” ông trồng thử nghiệm 60 cây dừa dứa… “Vua dừa” Tám Thưởng nhờ vụ làm ăn này như có thêm một bệ đỡ để ông bước lên làm… “vua”.

Giờ vườn dừa rộng 2,5ha của “Vua dừa” Tám Thưởng thành bộ sưu tập với hơn 20 giống dừa. Ông Tám Thưởng chia thành 2 nhóm: Nhóm lấy dầu có dừa ta xanh, dừa ta đỏ, dừa ta vàng, dừa dung, dừa dâu xanh; dừa lai BP 121, JVA 1, JVA 2. Nhóm lấy nước giải khát là dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, tam quan, dừa sọc, dừa núm xanh, núm đỏ, ẻo xanh, dừa dứa… Vườn dừa nhà ông Tám Thưởng nhiều năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc của sinh viên ngành nông nghiệp, nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đến nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm… 

Nếu như trước đây “trái dừa lạ” đã cứu ông Tám Thưởng “một bàn thua trông thấy” và thậm chí nhờ đó mà đưa ông lên làm “Vua dừa” thì hiện nay ông Tám lại trông chờ vào một phép màu mới để có thể đưa ông lên làm… “Vua gà”. 

Hôm tôi đến, ông Tám dẫn tôi đến trước bàn thờ gia tiên trong nhà rồi đưa tay bê trái bưởi đang cúng xuống. “Chú em nhìn kỹ xem, phải cuống trái bưởi có hình cái mồng gà không?”, ông nói. Quả thật, trên cuống trái bưởi có cái “mồng gà” sần sùi, to như của một con gà trống thật. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì “Vua dừa” cười vui: “Trái bưởi này tui hái trong vườn nhà đó. Tui nghĩ, điềm ứng tốt đẹp như trái dừa lạ trước đây nữa rồi.

Chú em coi, tui mới nuôi lứa gà Đông Tảo thì trên cây bưởi trong vườn cũng xuất hiện trái bưởi lạ này. Lạ chưa! Sắp tới chắc phải trúng đậm vụ gà Đông Tảo”.  Đến “Vua” mà còn mê tín thế này thì chịu! Ông thắng và làm “Vua dừa” là do kinh nghiệm trồng dừa 4 đời, cần mẫn và chịu khó học hỏi. Còn vụ gà Đông Tảo nếu ông Tám lại thắng là do thị trường hiện nay khá chuộng loại thịt gà này. Chuyện “trái dừa lạ” hay “trái bưởi lạ” chỉ là ngẫu nhiên. 

Nghĩ đến đấy tôi vội kéo ông về công việc hiện thực: Phủ xanh Trường Sa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem