Vụ "quỷ ấu dâm" Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam: Trẻ em nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn

Thùy Anh Thứ hai, ngày 17/01/2022 06:06 AM (GMT+7)
Bị xâm hại từ những kẻ bệnh hoạn như "quỷ ấu dâm" Huỳnh Đắc Cường (40 tuổi) ở Quảng Nam, các trẻ em nam có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, các bệnh về đường tình dục, thậm chí có thể biến trẻ em thành “một con thú dữ" nguy cơ trở thành tội phạm...
Bình luận 0

Phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) liên quan đến vấn đề này. 

- Là người từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, ông nhìn nhận vụ việc bị can Huỳnh Đắc Cường có hành vi dâm ô hàng chục trẻ em nam ở Quảng Nam như thế nào? 

Câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em nam đã từng một thời rộ lên trên các trang báo. Có thể kể đến là vụ một hiệu trưởng ở Phú Thọ dâm ô 40 em học sinh, vụ một học sinh lớp 10 bị xâm hại ở Hồ Thiền Quang (Hà Nội)... Khi đó, những sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tuy nhiên, người dân vẫn còn rất chủ quan, cứ nghĩ rằng trẻ em nam thì không bị ảnh hưởng gì, không mất gì cả. 

Ngoài ra, các văn bản pháp luật của chúng ta cũng chưa có nhiều quy định chú trọng về vấn đề này. Do vậy, vụ việc chấn động đăng trên báo điện tử Dân Việt mới đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức toàn bộ giới truyền thông và người dân về việc trẻ trai và trẻ gái đều có nguy cơ bị xâm hại như nhau. 

dâm ô trẻ em

Bị can Huỳnh Đắc Cường đã bị khởi tố tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Ảnh: D.V

Trong đó, trẻ em nam khi bị xâm hại tình dục thường sẽ có nhiều tình tiết phức tạp hơn và khó phát hiện kịp thời để ngăn chặn. Nguyên nhân là trẻ em gái khi bị xâm hại tình dục thì sẽ có những tổn thương tại chỗ như chảy máu, xây xước, tinh dịch tồn đọng,... còn với trẻ trai thì rất khó để phát hiện. 

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em trai thường được thực hiện bằng đường miệng hoặc hậu môn, do vậy các chứng cứ để xác minh sẽ khó tìm hơn. Tuy nhiên, các nguy cơ về lây nhiễm bệnh tật, các bệnh về đường tình dục và HIV cực kỳ nghiêm trọng và khủng khiếp. Các thủ tục về giám định lại rất phức tạp và cực kỳ khó khăn để xác minh chứng cứ. 

- Nhiều người cho rằng để xảy ra những vụ việc như trên là do công tác giáo dục sức khỏe giới tính hiện nay của chúng ta chưa tốt. Ông nghĩ sao về điều này?

Nguyên nhân chính của những sự việc trẻ trai bị xâm hại tôi cho rằng vẫn là do những tập quán, quan niệm của nhiều người dân Việt Nam. Từ xưa đến nay, vấn đề xâm hại tình dục với trẻ em nam thường bị xem nhẹ, cho rằng trẻ em trai ít có nguyên cơ bị xâm hại tình dục hay tư tưởng “con trai thì mất cái gì đâu” vẫn khá phổ biến. 

Điều 47, 48 chương 4 Luật Bảo Trẻ em (2016) quy định bảo vệ trẻ em cần thực hiện theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Theo ông An, cần ưu tiên cấp độ 1 là phòng ngừa, cần có mạng lưới cán bộ công tác xã hội được đào tạo, có kĩ năng, kiến thức về vấn đề giới tính và xâm hại tình dục, từ đó phổ cập kiến thức cho người dân, sớm phát hiện các nguy cơ phạm tội và ngăn chặn kịp thời. Tuy Luật quy định đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được thực thi hiệu quả vấn đề này.

Thậm chí, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, những người đàn ông có thể sờ vào bộ phận sinh dục của thằng bé con rồi gọi là “cái cần câu cơm”... là chuyện bình thường, nhưng với trẻ gái mà sờ vào như thế thì lại gọi là chỗ kín. 

Thứ hai, về giáo dục dục giới tính. Vấn đề này đã được báo chí đưa rất nhiều, chúng ta đã nhắc giáo dục giới tính cần đưa vào trường học càng sớm càng tốt. Ngay từ nhà trẻ mẫu giáo đã phải giáo dục trẻ về giới tính, để giúp trẻ biết đâu là đực đâu là cái, phân biệt trai-gái, nam-nữ, rồi tới các vấn đề tình dục. 

Tuy nhiên, hiện nay giáo dục của chúng ta đang rất lơ là, đến tận lớp 5 mới giáo dục thì giáo dục để làm gì? Ngoài giáo dục nhà trường còn vấn đề giáo dục gia đình, đó là hiện nay vẫn còn vướng những quan niệm coi nhẹ vấn đề giáo dục xâm hại tình dục với trẻ em trai. 

Một nguyên nhân nữa đó là pháp luật Việt Nam hiện nay có đưa ra quy định là trẻ trai, trẻ gái được bảo vệ phòng chống xâm hại tình dục, nhưng lại không tách riêng nguy cơ bị xâm hại giữa trẻ trai và trẻ gái; Kể cả Luật trẻ em năm 2016 cũng mới chỉ nói chung chung; Luật Hình sự trong đó có nói nhóm tội danh xâm hại tình dục như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em,... nhưng mà chỉ xác định đối tượng bị hiếp dâm là trẻ gái. Điều 111, điều 112, điều 115 Bộ luật Hình sự cũng có hình phạt cao như là tử hình nhưng nói tới đối tượng bị hại cũng đều là trẻ gái. Đây là một lỗ hổng rất lớn trong khung pháp luật Việt Nam.

ấu dâm trẻ em

Ông Nguyễn Trọng An cho rằng cần hoàn thiện khung pháp luật để xử lý với những kẻ xâm hại trẻ em nam. Ảnh: M.D

Trong Bộ luật Hình sự (Bổ sung năm 2017) có một quy định đối tượng bị hại là trẻ nam thì có tội danh là “dâm ô trẻ em”, theo tôi vẫn chưa thật chặt chẽ và đầy đủ. Đây chính là một lỗ hổng lớn cần chấn chỉnh và bổ sung kịp thời. Các khái niệm “giao cấu”, “bị hại”,... cần phải được xem xét ở cả trẻ trai và trẻ gái. 

Một vấn đề nữa là, trong các văn bản nêu ra đều không nói rõ tổn thương của trẻ trai và trẻ gái khác nhau như thế nào. Không chỉ tổn thương về mặt thể chất (mà ở trẻ trai khó phát hiện các dấu hiệu tổn thương), các vấn đề nguy cơ cao về lây nhiễm bệnh tật như mủ loét, giang mai, lậu, HIV,... 

Ở trẻ trai, khi bị xâm hại tình dục còn ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần. Với những trẻ em trai ở độ tuổi vị thành niên, khi bị xâm hại tấn công tình dục, có những cháu bị sang chấn tâm lý đột ngột, thái độ hành vi thay đổi quay ngoắt 180 độ. Các em ấy có thể trở thành một con thú hung dữ, nguy cơ trở thành tội phạm cực kỳ lớn. Đây là một điểm khác giữa tổn thương tinh thần khi bị xâm hại tình dục giữa trẻ em nam và trẻ em gái mà ở các văn bản pháp luật chưa đề cập tới. 

- Vậy theo ông cần làm gì để phòng ngừa nạn xâm hại nói chung và ấu dâm trẻ em nam nói riêng?

- Trước hết, phải khẳng định ấu dâm trẻ em nam không phải là một loại tội phạm mới, nó vẫn nằm trong nhóm tội phạm đã được quy định trong khung pháp luật. Đó là tội xâm hại tình dục trẻ em, và được chia nhỏ theo các mức độ vi phạm. 

Tuy nhiên, với việc khung pháp lý còn nhiều lỗ hổng như hiện nay, thì cần phải kịp thời bổ sung, đưa ra những pháp lý thực sự cụ thể, cặn kẽ, căn cơ để người dân và những người thực thi luật pháp có khung pháp lý chặt chẽ xử lý đúng người đúng tội.

Thứ hai, về vấn đề truyền thông giáo dục, đây là cả một quá trình - cần có sự giáo dục sâu rộng, thay đổi hành vi nhận thức về những quan niệm còn nhiều sai lầm, đặc biệt tập trung vào các bậc cha mẹ, để thấy rằng trẻ trai cũng có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục giống như trẻ em gái. 

Đặc biệt, việc trẻ em trai bị xâm hại còn kinh khủng hơn vì các em có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh chết người như HIV, các bệnh về đường tình dục, hay biến trẻ em thành “một con thú dữ - nguy cơ trở thành tội phạm”, hận đời,... vì đa phần các em đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý dễ thay đổi. 

Ngoài coi trọng giáo dục gia đình, vấn đề giáo dục nhà trường cũng cần được chú trọng và thực hành sớm hơn. Cụ thể, cần có những tài liệu giáo dục giới tính phù hợp với trẻ ở các lứa tuổi, thực hiện giáo dục giới tính sớm và kịp thời.

Vấn đề thứ ba, cần tăng cường quản lý nhà nước với các chất gây nghiện. Có thể thấy hầu hết các đối tượng có hành vi xâm hạị tình dục thường sử dụng các chất kích thích kèm theo. Vì vậy, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các chất gây nghiện, chất kích thích, đồ chơi tình dục, ma túy,... cần nghiêm túc thực hiện để tránh những sơ hở tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Vấn đề thứ tư, cực kỳ quan trọng đó là làm thế nào để các bậc phụ huynh nâng cao hơn nhận thức về và có các kỹ năng cần thiết để phòng tránh, cần có các cán bộ có chuyên môn phổ cập kiến thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem