"Nên coi chuyện bộ hành của ông Thích Minh Tuệ là bình thường"

Nhà báo Lê Thọ Bình Chủ nhật, ngày 19/05/2024 06:30 AM (GMT+7)
"Một khúc cây bao giờ cũng có hai đầu: Một đầu chỉ lên thiên đàng; đầu kia chỉ xuống địa ngục. Cùng một cách hành đạo, nhưng nó có thể mang hai tác dụng tiêu cực, tích cực khác nhau".
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Hữu Liêm, nhà nghiên cứu triết học uy tín ở Mỹ với Dân Việt về câu chuyện đang làm nóng dư luận, mạng xã hội về ông Thích Minh Tuệ.

Cũng theo GS Nguyễn Hữu Liêm, nên coi chuyện bộ hành của ông Thích Minh Tuệ là bình thường. Nếu dân chúng không tụ họp làm mất trật tự hay tắc nghẽn giao thông thì không nên phê phán hay làm lớn chuyện lên…

Thưa GS, vừa qua, trên dư luận và mạng xã hội rất chú ý xung quanh việc ông Thích Minh Tuệ đi bộ từ Nam ra Bắc. Nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Người khen cũng nhiều và người chê cũng không ít. GS nhận xét về hiện tượng này như thế nào?

- Chuyện các nhà sư Phật giáo đi khất thực không có gì xa lạ ở Á Đông xưa nay, nhất là các quốc gia Đông Nam Á như: Thái Lan, Campuchia, Việt Nam... Ở Mỹ cũng bắt đầu thấy xuất hiện các sư hành khất như thế. Thỉnh thoảng có các nhà sư đi "tam bộ nhất bái" (đi ba bước, lạy một lạy), trong chuyến viễn hành cả mấy trăm dặm. Có điều, ở Thái Lan hay ở Mỹ không ai tụ tập để xem hay cúng bái. Có lần một nhà sư ở Mỹ đi trên siêu cao tốc ở California thì cảnh sát giao thông đến yêu cầu đi vào đường phố vì nguy hiểm tính mạng và vi phạm luật giao thông. Ba mươi năm trước, ở California hay New York, các nhà sư thuộc khối Hare Krishna Ấn giáo cũng nhảy múa, ca hát, đánh chuông trống ầm ĩ ở các khu phố. Thiên hạ cũng tò mò đứng lại coi. 

"Nên coi chuyện bộ hành của ông Thích Minh Tuệ là bình thường"- Ảnh 1.

Người được cho là "sư Thích Minh Tuệ". Ảnh: Internet

Bên cạnh việc chia sẻ, khen phương pháp hạnh đạo của ông Thích Minh Tuệ, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích và thậm chí còn kêu gọi các cơ quan chức năng cần xử lý hiện tượng này vì mất trật tự công cộng, gây ảnh hưởng tới đạo Phật. Theo GS thì có nên có những quy định như thế nào đó để việc các nhà sư đi bộ (hành khất) gây tò mò cho nhiều người dân hiếu kỳ làm cản trở giao thông công cộng hay có thực sự là "ảnh hưởng" đạo Phật không?

- Nên coi chuyện bộ hành của ông Thích Minh Tuệ là bình thường. Nếu dân chúng không tụ họp làm mất trật tự hay tắc nghẽn giao thông thì không nên phê phán hay làm lớn chuyện lên. Còn việc đánh giá là "phá hoại" đạo Phật hay không thì hãy nên nhắm đến vấn đề giới luật hơn là hành vi và ngôn từ. Giáo hội Phật giáo nên ban hành những quy chế nội bộ nhằm điều tiết hành vi, như là "bộ hành" và các chuyện khác, bao gồm rao giảng giáo lý cho quần chúng, gây quỹ, quyên góp... nhằm bảo vệ hình ảnh, uy tín và đạo đức cho tăng lữ. Điều quan yếu là bản chất của hành đạo thay vì là một màn trình diễn tôn giáo. Nhiều khi các vị sư đi hành khất như là một hạnh khổ nhục nhằm chinh phục bản ngã, nhưng không biết rằng chính cái ngã nó lại được phát triển to lớn qua sự trình diễn đạo hạnh ấy.

Ông Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi quê gốc ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Ông cho biết, từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, ông ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này.

Việc các nhà sư tu luyện kiểu ông Thích Minh Tuệ trong đạo Phật có được quy định cụ thể như thế nào không, thưa GS?

- Giới luật nhà Phật rất rộng và khắt khe. Nó tùy vào tầm mức tu học mà tu sĩ hay cư sĩ nguyện giữ giới đến mức độ tương ứng. Thời đức Phật còn tại thế, khất thực chỉ giới hạn cho bữa ăn trưa, nhận được gì trong bình bát thì ăn cái đó, kể cả đồ mặn. Các tông phái Tiểu thừa ở Đông Nam Á và miền Nam Việt Nam vẫn còn theo truyền thống ấy. Có vẻ như ông Thích Minh Tuệ không bị ràng buộc vào quy ước của giáo hội nào. Có thể ông muốn đưa ra một thông điệp phủ nhận hiện tượng quyên góp tiền bạc tai tiếng của một trường hợp hiện nay. Một khúc cây bao giờ cũng có hai đầu: Một đầu chỉ lên thiên đàng; đầu kia chỉ xuống địa ngục. Cùng một cách hành đạo, nhưng nó có thể mang hai tác dụng tiêu cực, tích cực khác nhau. Đối với người tu sĩ trẻ tuổi nên tu học với tăng đoàn thì mới có khả năng duy trì giới luật, chứ ra xã hội một mình thì sẽ "vướng bụi trần" và sẽ hư hỏng.

Việc ông Thích Minh Tuệ khước từ nhận tiền bạc, chỉ nhận đồ ăn vào buổi sáng, không quan tâm đến khen, chê của người đời; chỉ tu tập, như ông nói, là "mang lại hạnh phúc cho bản thân", GS thấy sao?

- Truyền thống Tiểu thừa của Phật giáo thì ưu tiên là giác ngộ bản thân và xa lánh trần thế. Đó là ưu và khuyết điểm của nó. Thử hỏi, khi ta đi thiền hành giữa công lộ, dáng đi từ tốn, oai nghiêm, với sự chiêm bái và ngưỡng mộ của quần chúng, liệu đó là tu tập hay là ngã vọng? Nếu muốn thực hành hạnh bồ tát thì có nên làm việc thiện cho chúng sanh, ví dụ, trồng trọt hoa màu để đem biếu cho người nghèo, lên vùng cao, vùng sâu mở lớp học cho con em nghèo khó, mù chữ, hay bao nhiêu chuyện cần làm khác. "Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật" như phía Đại thừa vẫn nói. Nhiều lúc điều mà giúp ta ngộ đạo không phải là sự rút lui về chủ thể mà là đem cái ta ra để va chạm với cuộc đời. Một phút kiên nhẫn với kẻ mắng chửi ta sẽ làm cho ta tiến xa hơn là đi bộ khất thực cả trăm dặm.

Cảm ơn GS Nguyễn Hữu Liêm đã chia sẻ thông tin!

Ông Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. Đến Mỹ năm 1975 sau ngày 30/4, Nguyễn Hữu Liêm đi học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công (ĐH Texas). Về California công tác, ông tiếp tục đi học luật. Nguyễn Hữu Liêm tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, là chủ một hãng luật tư nhân tại Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem