Vụ phóng viên Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình: Vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí, có dấu hiệu hình sự

Quang Minh Thứ sáu, ngày 31/03/2023 06:37 AM (GMT+7)
Đề cập tới vụ phóng viên Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình, giới luật sư cho rằng, hành vi ngăn cản, bẻ tay, giật, ném, đạp camera nhằm hủy hoại tài sản của nhóm đối tượng ở Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí 2016, đồng thời có dấu hiệu vi phạm Luật hình sự.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc nhóm 3 đối tượng đã có hành vi ngăn cản, bẻ tay, giật, ném, đạp camera nhằm hủy hoại tài sản và những bằng chứng đã lưu bên trong camera, dùng những lời lẽ hăm dọa, chửi bới, xúc phạm, hành hung phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, nhiều luật sư cho rằng đây là hành vi trắng trợn, coi thường pháp luật.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, nhóm đối tượng hành hung phóng viên báo khi đang tác nghiệp tại hiện trường có những hành vi: Tự xưng là Giám đốc nhà máy, đã dùng những lời lẽ tục tĩu, chửi bới, đe dọa cả nhóm phóng viên và cán bộ phòng Tài nguyên môi trường huyện. Đồng thời, cả nhóm đối tượng gồm 3 người (tự xưng Giám đốc và 2 bảo vệ) đã bẻ tay, vít cổ phóng viên và giật chiếc camera ném đi.

Ngoài ra, nhóm đối tượng này còn chỉ đạo đưa một chiếc xe tải chặn cổng ra vào nhà máy, không cho phóng viên và 2 cán bộ phòng TNMT ra ngoài, liên tục tung ra những lời hăm dọa, chửi bới xức phạm nhóm phóng viên.

Vụ phóng viên Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình: Vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí, có dấu hiệu hình sự - Ảnh 1.

Trong lúc ghi hình, tác nghiệp tại cơ sở Nhà máy giấy Thuận Phát, đóng tại địa bàn xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, nhóm phóng viên của Báo NTNN/điện tử Dân Việt đã bị một nhóm đối tượng tự xưng là Giám đốc và bảo vệ của nhà máy, hành hung ngay trước mặt cơ quan chức năng.

"Hành vi của nhóm đối tượng thực hiện là trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí 2016, đồng thời có dấu hiệu vi phạm Luật hình sự. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc và xử lý để đảm bảo sự công minh của pháp luật, cũng như quyền, lợi ích chính đáng của phóng viên", luật sư Tùng nói.

Luật sư Tùng cho hay, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ các điều kiện về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Điểm đ, khoản 2, Luật Báo chí năm 2016 quy định chức năng quyền hạn của báo chí là đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Vì vậy, cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, tìm hiểu có vi phạm hay không theo đề nghị của người dân là đúng trách nhiệm và đúng quy định pháp luật.

Về nguyên tắc là cơ quan chức năng phải bảo vệ đối với phóng viên, người lao động trước những hành vi xâm hại, xâm phạm. Luật Báo chí cũng đã nêu rất rõ, nếu người nào cản trở những tác nghiệp chính đáng của phóng viên thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 đã quy định: "Nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ".

Ngoài ra, Khoản 12 Điều 9 Luật báo chí 2016 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: không ai được "đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Trong trường hợp phóng viên đã xuất trình giấy tờ hợp pháp, khu vực tác nghiệp cũng không phải là khu vực cấm quay phim chụp ảnh, do đó phóng viên đã tác nghiệp đúng pháp luật và phải là người được tạo điều kiện tốt nhất khi tác nghiệp. Việc nhóm đối tượng ngăn cản, phá hoại phương tiện ghi hình mà phóng viên đã ghi lại là vi phạm quy định pháp luật về báo chí.

Tại Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nêu rõ: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vụ phóng viên Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình: Vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí, có dấu hiệu hình sự - Ảnh 2.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Cụ thể: Cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Đồng thời bị buộc xin lỗi và trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí.

Vụ việc có dấu hiệu hình sự

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết thêm, trong việc này, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi côn đồ, bảo vệ người làm báo. Hành vi của nhóm đối tượng tự xưng là giám đốc và bảo vệ của nhà máy giấy Thuận Phát đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Trường hợp cản trở và cố ý làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp của phóng viên thì đây là hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Trường hợp hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội "Cố ý làm hư hỏng tài" sản quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu tài sản hư hỏng có giá trị từ 2 đến dưới 50 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp sử dụng hung khí tấn công phóng viên, hành vi có tính chất côn đồ, dù phóng viên có thương tích dưới 11% vẫn đủ cơ sở khởi tố các đối tượng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Cố ý gây thương tích" khi người bị hại có yêu cầu cơ quan công an xử lý theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem